leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Dạo này, vợ chồng tôi ở nhà cùng nhau 24/7. Bình thường, chúng tôi cũng ăn cùng, ngủ cùng, làm việc cùng hầu như cả ngày nhưng ba tháng qua, tất cả hoạt động đời thường đó đều diễn ra trong không gian duy nhất: ngôi nhà yêu dấu.

Không có những buổi cà phê la cà, không những chuyến xe rong ruổi, những cuộc hẹn công việc với khách hàng… vậy thì làm sao để không nhìn mặt nhau đến phát chán? 

Khi mới rơi vào hoàn cảnh ấy, chúng tôi không tránh khỏi bối rối. Đã có lúc tôi phải hỏi anh: “Anh chán không anh?”, anh gật đầu cười cười: “Ừ, chán chứ!”. 

Nói rồi, hôm sau, anh bắt đầu đặt mua hạt giống về trồng cây còn tôi thì mỗi ngày đều mở máy tính vào một khung giờ nhất định, không học thì viết, cố gắng hoàn thành mấy bản thảo sách còn dang dở hay xem bài cho học viên lớp “viết trực giác” (khóa học tôi mở từ cuối năm ngoái)…

Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi đều bận rộn với công việc riêng để giữ cho bản thân không bị ù lì, mệt mỏi và tạo ra khoảng cách vừa đủ để còn… nhớ nhau. 

“Vợ ơi, đem bánh mì lên sân thượng ăn trưa đi” 

Như sáng nọ, chồng tôi đang làm vườn, chợt nhớ tới giờ ăn trưa nên nhắn tôi: “Vợ ơi, đem bánh mì lên sân thượng ăn trưa đi”. Thế là tôi tạm dừng công việc, xuống bếp, làm một khay bánh mì và thịt nguội đem lên sân thượng để vợ chồng cùng thưởng thức bữa trưa.

Tôi vừa ăn vừa ngắm khu vườn nhỏ, vừa nghe chồng kể chuyện hôm nay anh mới gieo thêm hạt gì, chậu cây nào vừa được bón thêm phân, anh mới mua loại phân nào… Tôi cũng kể anh nghe về công việc của mình, giữa tôi và học viên có gì vui… 

Hôm nọ, anh bảo sẽ cho tôi xem “phép màu”. Tôi nhắm mắt lại để đón chờ điều kỳ diệu thì anh cười: “Không cần nhắm mắt đâu, em! Phép màu trong cuộc sống bình thường lắm em à”. Thì ra “phép màu” chính là những hạt giống đang nảy mầm xinh xắn. Anh ươm chúng trong một miếng khăn giấy ẩm từ hôm trước.

Người ta hay dùng từ “phép màu” để chỉ những điều tốt đẹp bỗng dưng xuất hiện ngay trước mắt, chỉ cần xòe tay ra đón lấy. Nhớ lại hồi tôi còn bé, Giáng sinh hằng năm, mẹ đều bảo: “Con hãy viết điều ước cất vào cái túi hình chiếc giày màu đỏ để ở đầu giường. Đêm Giáng sinh, ông già Noël sẽ đến tặng quà cho con”.

Tôi luôn háo hức viết sẵn điều ước trước Giáng sinh cả tháng trời, còn tưởng tượng các cách ông già Noël sẽ đến. Nhà tôi đâu có ống khói. Ông sẽ trèo qua ban công hay đi xuyên tường? Chiếc xe tuần lộc đáp lơ lửng trên không rồi ông bay vào nhà? Bằng cách nào ông kịp trao quà cho tất cả trẻ em trên đời?…

Sự tưởng tượng vẩn vơ đó thường kết thúc vào buổi sáng 25/12, khi tôi mở mắt tìm chiếc túi màu đỏ để xem quà. Búp bê, quả cầu tuyết, hộp nhạc, kẹo sô-cô-la… Ước muốn về những món quà đó nảy sinh từ những bộ phim tôi từng được xem về lễ Giáng sinh và chúng đến với tôi nhờ sự cố gắng chắt chiu của cha mẹ. Ngày đó, tôi đã tin chúng là “phép màu”.

Kể cả lúc bác tôi đọc tấm thiệp tôi khoe “ông già Noël viết cho con”, nói đùa: “Làm gì có ông già Noël, chữ này là chữ của mẹ con chứ ai!”, tôi đã khóc tức tưởi và khăng khăng chọn tin vào phép màu từ truyền thuyết về ông già Noël hơn là tin vào hiện thực. Nhờ đó, tôi giữ được những mộng mơ đến tận lúc lớn.

leftcenterrightdel
 Ông già Noël làm từ vỏ trứng do thầy giáo Nguyễn Thành Tâm ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) sáng tạo (Ảnh minh họa)

Tới giờ, tôi vẫn ngây thơ tin vào phép màu, cứ nghĩ những hạt giống nảy mầm là nhờ sự kỳ diệu của mẹ thiên nhiên, những cây nấm lớn lên là nhờ năng lượng tốt mà quên rằng chồng tôi phải cất công ươm hạt theo đúng tỷ lệ nước để miếng khăn giấy không khô quá cũng không ướt quá, quên luôn anh đã ủ phôi nấm đợi tơ nấm phát triển mất cả tháng trời, quên việc một ngày anh phải xịt nước cho khu vực trồng nấm bao nhiêu lần để đủ độ ẩm cho những cây nấm lớn lên.

Trước đây, tôi còn cho rằng người nào trồng cây giỏi chắc hẳn rất “mát tay” - theo như cách ông bà ta hay nói, nghĩa là bẩm sinh những người đó mang một năng lượng tốt tác động tích cực lên cây cối. Tuy nhiên, quan sát cách anh chăm sóc cây trong vườn, tôi nhận ra, để trồng được cây, cần phải biết về cây cối, địa lý, ánh sáng, nhiệt độ, lượng nước, loại đất, phân bón… tức cần có kiến thức, kinh nghiệm, tình yêu bao la và lòng kiên nhẫn. 

Phép màu từ nỗ lực

Đúng là những phép màu trong cuộc sống rất đỗi bình thường, sinh ra từ sự nỗ lực của ai đó chứ chẳng có gì huyền bí. Phép màu Giáng sinh trong mắt đứa trẻ mong chờ quà sinh ra từ sự nỗ lực của cha mẹ. Phép màu trên đồng ruộng sinh ra từ nỗ lực của những người nông dân.

Phép màu trên bàn ăn ấm áp sinh ra từ nỗ lực của người bà, người mẹ chăm chút cho căn bếp và người ông, người cha vất vả làm lụng, mưu sinh.

Phép màu trong khu vườn xanh sinh ra từ nỗ lực của người ngày ngày chăm bón. Phép màu người nhà bệnh nhân nhận được sau một ca phẫu thuật, một cuộc điều trị kéo dài sinh ra từ nỗ lực của đội ngũ y, bác sĩ…

Nói vậy không có nghĩa là những người mơ mộng nên thôi tin vào phép màu mà ngược lại, những người sống thực tế có thể tin phép màu là có thật, hoàn toàn do chúng ta tự tạo ra từ những việc làm hết sức bình thường, tùy theo khả năng của mỗi người. Sẽ luôn có ai đó đón lấy “phép màu” mà bạn trao cho họ. Lời nói tích cực và sự quan tâm chân thành chúng ta dành cho người thân yêu mỗi ngày cũng chính là một dạng “phép màu”. 

Bạn có biết khi chúng ta tương tác với người khác, nếu ta mang tâm trạng tốt thì cách ta nói năng, cư xử thường rất dễ chịu; ngược lại, nếu ta căng thẳng, tức giận mà có ai đến gần hỏi han, ta sẽ thường đáp lại với thái độ khó chịu? Do đó, hành động và thái độ ta cư xử ra bên ngoài cũng chỉ là phản ánh thế giới nội tâm của ta. Bên trong mỗi người chính là khoảng không chứa đựng những suy nghĩ, cảm xúc của người đó.

Bất kỳ ai cũng sẽ có “vòng tròn” thế giới riêng của họ. Khi hai người ở cạnh nhau sẽ có sự đan xen giữa hai khoảng không này. Đó chính là bầu không khí giữa hai người với nhau. Khi ta ở bên một người cũng giống như bước vào một căn phòng, sẽ cảm nhận được không khí của căn phòng đó nhẹ nhàng hay ngột ngạt. 

leftcenterrightdel
 Sự quan tâm chân thành chúng ta dành cho người thân yêu mỗi ngày cũng chính là một dạng “phép màu” (Ảnh minh họa)

Từng có những giai đoạn, chúng tôi cãi nhau và tốn thật nhiều nước mắt, thậm chí nói những lời khiến người kia tổn thương chỉ vì chưa biết cách chia sẻ “khoảng không” với nhau. Khi ở bên cạnh nhau, chạm mặt thường xuyên nhưng mỗi người không biết cách nuôi dưỡng năng lượng tích cực của bản thân thì sẽ dễ tạo ra bầu không khí chung nghẹt thở.

Hay nhiều trường hợp, hai người ngồi đối diện, thậm chí nằm cạnh nhau nhưng dường như khoảng không giữa họ lại quá đỗi mênh mông, thậm chí họ chẳng thực sự nhìn thấy sự hiện diện của nhau.

Điều này khiến tôi nghĩ đến câu: “Xa mặt, cách lòng”. Có thật vậy không, hay do hai người vốn xa lòng nên mới cách mặt? Nếu mỗi người biết cách tự chăm sóc khu vườn tâm hồn của chính mình, những tình cảm đẹp đẽ với người kia cũng sẽ được củng cố. Khi đó, dù hai người có xa mặt vẫn không cách lòng.

Ngược lại, nếu mỗi người không thể tự bảo vệ lấy khoảng không bên trong mình bằng năng lượng tích cực thì rất dễ “xa lòng” rồi dẫn đến “cách mặt” - không có nhu cầu hay mong muốn gặp gỡ, san sẻ với người kia.

Cuộc sống của vợ chồng tôi những ngày này vô cùng yên ả, tuy mỗi người một không gian riêng để làm việc của mình nhưng lòng chúng tôi vẫn hướng về nhau, để thi thoảng trao nhau chút dịu dàng.

Theo phunuonline