Thông tin với Thủ tướng tại cuộc gặp, ông Sim Chy, Chủ tịch Tổng hội Khmer - VN tại Campuchia, cho biết kiều bào luôn hướng về quê hương đất nước. Song đa số bà con gặp khó khăn trong vấn đề pháp lý, tính đến nay dù đã sống nhiều đời tại Campuchia nhưng chưa được nhập quốc tịch Khmer. Hàng loạt khó khăn như dịch Covid-19, khó khăn của bà con sinh sống trên sông hồ được chính quyền sở tại yêu cầu di dời lên bờ, công tác thống kê đăng ký ngoại kiều, thiên tai hỏa hoạn... ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của bà con người Việt tại Campuchia.
Ông Sim Chy cũng đề nghị Chính phủ hai nước giải quyết cho bà con được nhập quốc tịch trong điều kiện sớm nhất, các doanh nghiệp Việt tại Campuchia cấp đất cho bà con lao động; hỗ trợ xây trường dạy chữ Khmer và tiếng Việt để giữ gìn tiếng nói. “Người Việt tại Campuchia luôn giữ gìn tiếng nói và quan hệ hữu nghị giữa hai nước VN - Campuchia”, ông Sim Chy cho biết.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán, đại diện doanh nghiệp và cộng đồngngười Việt Namtại Campuchia
|
Lắng nghe chia sẻ của ông Sim Chy cũng như đại diện kiều bào và du học sinh VN tại Campuchia, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Tuy bà con xa Tổ quốc, nhưng bà con cô bác luôn ở trong trái tim của Tổ quốc, của Đảng và Nhà nước, là mối quan hệ khăng khít không thể tách rời giữa bộ phận người Việt ở nước ngoài và dân tộc”.
Nêu những khó khăn, vất vả của bà con gốc Việt chống chọi với đại dịch Covid trong 2 năm vừa qua, cũng như khó khăn vướng mắc liên quan đến pháp lý, di dời lên bờ, Thủ tướng cũng nhắc lại bài học kinh nghiệm khi triển khai di dời hơn 450 hộ dân sinh sống trên bè tại vịnh Hạ Long lên bờ trước đây. “Sống dưới nước rất nhiều khó khăn, chết không có chỗ chôn, không được tiếp cận y tế, giáo dục; lúc gió bão thì ngàn cân treo sợi tóc, điều kiện sinh kế rất khó khăn, vệ sinh môi trường càng khó khăn hơn”, Thủ tướng nói song tái khẳng định Đảng, Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục có các giải pháp tích cực hơn nữa để xử lý các vấn đề trên.
Thủ tướng cũng đề nghị Đại sứ quán VN tại Campuchia, các doanh nghiệp VN tại Campuchia phải có trách nhiệm, tham mưu và hoạch định chính sách, tổ chức thực hiện cho tốt trên cơ sở đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước ta cũng như Chính phủ Campuchia với người nước ngoài sinh sống tại Campuchia. Khó mấy cũng phải làm, “núi cao cũng có đường trèo, đường có hiểm nghèo cũng có lối đi”, biến nguy thành cơ, cái không thể thành có thể; không ngồi chờ, kêu ca, nêu ra rồi không làm.
“Chính phủ đã làm việc nhiều lần, bản thân tôi đã gặp, gọi điện trực tiếp cho Thủ tướng Hun Sen trao đổi về vấn đề này. Tất nhiên phải kiên trì thuyết phục, đưa ra giải pháp hợp lý, đúng chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước ta cũng như quy định của Campuchia. Mong bà con ta phải nỗ lực vượt qua khó khăn, vừa phải có kiến thức, biết tiếng Việt nhưng phải học tiếng Khmer, không ai lo cho mình bằng chính mình”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng cho biết sẽ giao nhiệm vụ cho một số công ty như Metfone, Cao su... tạo điều kiện cho bà con học tập, có chính sách ưu tiên tạo công ăn việc làm, “coi đây là nhiệm vụ chính trị bắt buộc chứ không phải nói suông”.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng khẳng định: “Việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hợp tác và phát triển nhưng phải đúng pháp luật, không buôn bán ma túy và bán người như vừa qua, gây khó khăn cho chính quyền Campuchia, cũng như hình ảnh không tốt giữa hai nước”.
Về đề xuất của bà con gốc Việt, Thủ tướng nhấn mạnh: “Đại sứ quán phải nắm số lượng bà con phải di dời lên bờ, phải có phương án về đất, nhà”.
-Sáng 9.11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc với Bệnh viện Chợ Rẫy - Phnom Penh, liên doanh với Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Cùng ngày, Thủ tướng làm việc với Công ty TNHH Viettel Campuchia (Metfone) - công ty liên doanh của Tập đoàn Viettel tại Campuchia.
-Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan tổ chức tại Phnom Penh (Campuchia) từ ngày 10 - 13.11. Hôm nay (10.11), sẽ diễn ra các Hội nghị trù bị của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, bao gồm Hội nghị Hội đồng cộng đồng chính trị an ninh ASEAN (APSC) lần thứ 25 và Hội nghị Hội đồng điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 31, để rà soát lần cuối công tác chuẩn bị.
|
Theo Thanh niên