Siêu thị Việt tại London
Siêu thị Việt tại London

 

Ngày đầu đến Anh Quốc cách đây khoảng 20 năm, món ăn gần gũi với Việt Nam nhất mà tôi có thể thưởng thức là… mì gói. TP Oxford hiền hòa có một cửa hàng Trung Quốc, bán đủ các loại thực phẩm châu Á, riêng hàng Việt Nam khi ấy chỉ có mì ăn liền. Tôi hay tha thẩn trong cửa hàng, cầm đọc tỉ mẩn những dòng chữ tiếng Việt đầy thân thương, rồi mua vài gói về để đỡ nhớ nhà. Cũng vào khoảng thời gian đó, muốn ăn gạo ngon chỉ có thể mua sản phẩm của Thái Lan, nước mắm cũng của Thái Lan.

Thời gian trôi, cộng đồng người Việt ở London dần phát triển. Ban đầu, hàng Việt Nam vẫn còn ở ké trong cửa hàng tạp hóa Trung Quốc. Anh chủ tiệm người Hoa nói được vài từ tiếng Việt. Rồi đối diện cửa hàng của anh xuất hiện một tiệm bán hàng của người Việt chính cống. Chồng tôi phát hiện ra điều thú vị này, hân hoan báo cho tôi với hy vọng tôi có thể được thưởng thức những món ăn quê nhà tại… quê của anh.

Nơi bắt mắt nhất trong siêu thị nhờ sầu riêng và trứng vịt
Nơi bắt mắt nhất trong siêu thị nhờ sầu riêng và trứng vịt
 

Nhớ những ngày đầu nấu bún bò, tôi phải dùng gói gia vị đậm mùi hóa học hơn là mùi ruốc sả và nấu mì ống Ý dùng thay cho cọng bún bò. Rồi dần dà tiến đến dùng bún khô, nấu hơi quá tay một chút cho cọng bún nở to ra gần giống như ở nhà.

Giờ đây, tiệm tạp hóa Việt xếp hẳn một dãy bún, mì, hủ tíu khô các loại. Tôi lại mê mẩn cầm từng gói sản phẩm đọc tỉ mỉ và vui mừng khi thấy nhiều mặt hàng mới như mì Quảng vàng ươm, bánh đa nâu Hải Phòng, bánh canh, miến đậu xanh… - toàn những món tôi đã ấp ủ công thức từ lâu nhưng hơi nản vì không kiếm đâu ra đúng loại bún hay mì để ăn kèm, nên đã bỏ qua không nấu.

Cô chủ quán nói giọng Huế nhẹ nhàng khi tôi hỏi mua thêm một ít gia vị nhưng không thấy trên quầy. Cô dẫn tôi đến cái tủ mát khuất phía trong, tôi reo lên như đứa trẻ khi thấy chiếc bàn gần đó là bánh giò nóng hổi, xôi gấc thơm phức, chè đủ màu các loại để trong tủ. Đây là các món do bà con người Việt ở đây làm và gửi bán. Và kìa, củ nén. Khi còn ở nhà, dù gốc miền Trung, tôi chưa bao giờ thấy chứ đừng nói chi là ăn củ nén. Dạo này đọc báo tiếng Việt nhiều tôi mới biết đến loại củ nhỏ mà nghe nói nếu không có nó thì không thành ra món mì Quảng hay kho cá sẽ mất ngon.

Vậy là 2 nguyên liệu chủ chốt cho món ăn quê hương đã sẵn sàng, tôi không có cớ để thoái thác việc thử nghiệm món ăn đậm chất quê hương này nữa.

Lại nhớ đến cái thuở mới xa quê chưa có điện thoại thông minh, tôi từng phải lên mạng trong thư viện hay công sở, tìm công thức nấu ăn rồi in ra từng xấp, đóng bìa, phân loại. Nay thì tôi chỉ cần gõ “nấu mì Quảng”, hàng chục công thức hiện ra. Tôi chọn ra khoảng gần 10 trang, đọc hết mục thành phần món ăn, chọn ra danh sách phù hợp nhất. Gà ta không có thì tôi mua gà ăn bắp có phần da vàng rộm. Lần đầu nấu nên tôi hơi tham - nấu cả gà, heo và tôm. Đọc hết các trang thì bí quyết là mì Quảng không nên cho nhiều nước lèo, chỉ chan xăm xắp thôi. Còn bánh tráng mè nữa. Cái này thì tôi không sợ thiếu, vì hôm về Việt Nam, ba tôi đã mua 2 xấp để tôi cầm về làm quà.

Bánh tráng đầy mè ăn rất béo và thơm. Đậu phộng bên đây không thiếu, chỉ có điều họ hay rang sẵn với muối để ăn vặt. Tôi phải mua đậu còn vỏ, rang lên rồi sảy vỏ như hồi xưa ở nhà má hay sai tôi làm. Nghệ tươi giã nhỏ, cùng hành và củ nén.

À, thì ra đây là cái mùi của củ nén - thơm thơm dìu dịu giữa hành và tỏi, không quá gắt nhưng rất đặc trưng. Luộc thêm một cái trứng lòng đào. Không có chuối bào, rau thơm như ở quê, tôi xắt rau xà lách cọng to bên đây thật nhuyễn, hái trộm vài cọng rau bạc hà chồng mới trồng, tôi đã có tô mì Quảng Việt Nam giữa lòng London ngày mưa gió.

Theo phụ nữ TPHCM