Nghệ sĩ Trần Tiến Huy trong những tác phẩm múa. (Ảnh: NVCC)

Truyền thống gia đình theo nghề múa có phải lý do chính khiến anh theo đuổi bộ môn nghệ thuật này?

Tôi không đặt nặng truyền thống gia đình lên làm áp lực cho bản thân, nhưng sinh ra trong môi trường gia đình nghệ thuật cho tôi một lợi thế nhất định cũng như sự hình thành cảm giác và cảm xúc với sân khấu từ rất bé. Năm 13 tuổi khi thi tuyển vào Trường Múa Việt Nam lúc bất giờ là hoàn toàn do cá nhân tôi quyết định, còn trong quá trình học tập và làm việc thì tình yêu nghề giúp tôi theo đuổi nó đến bây giờ.

Học tập và trưởng thành ở cái nôi đào tạo nghệ thuật múa ở Việt Nam nhưng anh lại thành công trong các hoạt động ở ngoài nước. Liệu có phải môi trường múa đương đại ở Việt Nam đang còn nhiều hạn chế và chưa có nhiều cơ hội để những tài năng như anh phát triển sự nghiệp?

Tôi may mắn vì được gia đình tạo điều kiện đưa đi học tập và thực tế ở châu Âu. Tôi nhận thấy rằng một xã hội phát triển với mặt bằng chung về kiến thức, văn hoá đồng đều và nền kinh tế ổn định sẽ có nhiều điều kiện hơn cho nghệ thuật phát triển. Riêng về múa đương đại ở Việt Nam thì phải nói thật rằng vẫn còn rất thiệt thòi về thông tin cũng như sự đánh giá, cách tiếp cận và nhận định của khán giả...

Trở thành Giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Pfalztheater Kaiserslautern không phải là chuyện dễ dàng với một nghệ sĩ đến từ Việt Nam. Anh có thể chia sẻ về cơ duyên này và công việc thú vị của mình tại đây?

Được tiếp nhận và làm việc tại một vị trí như vậy là niềm vui và sự bất ngờ rất lớn với cá nhân tôi vì trước đó tôi đã quyết định dừng sự nghiệp của mình ở châu Âu để quay về Việt Nam. Tôi là người may mắn khi được lãnh đạo nhà hát nhận ra khả năng cũng như được sự ủng hộ lớn từ đồng nghiệp. Hiện tại, tôi cần tập trung thời gian để học tập cách quản lý và sắp xếp công việc mới. Cùng lúc đó chuẩn bị các chương trình tiếp theo của nhà hát trong vị trí của một biên đạo múa.

Môi trường lao động nghệ thuật ở nước ngoài đã rèn luyện và mang lại cho anh những bài học quý giá nào? Anh có kinh nghiệm gì muốn chia sẻ với những bạn trẻ Việt đang theo múa đương đại?

Chúng tôi chịu nhiều áp lực khi làm diễn viên ở châu Âu về cả kĩ thuật cũng như sức khỏe, vì lượng diễn viên ở châu Âu rất lớn, mà nhu cầu tại các nhà hát lại không quá cao. Vì vậy, chính tôi cũng phải rèn luyện hàng ngày để cạnh tranh bình đẳng với các diễn viên khác.

Nghệ sỹ múa Trần Tiến Huy. Ảnh: Klaus Wegele

Tuy nhiên, với môi trường nghệ thuật mở cửa như châu Âu, tôi có cơ hội chia sẻ và phát triển ý tưởng của mình một cách tự do và học hỏi được bạn diễn cũng như các biên đạo múa khác với lối tư duy mở. Nếu cần chia sẻ kinh nghiệm gì đó thì lời khuyên của tôi là hãy làm đi, đừng lười biếng và khi có tình yêu thực sự thì sẽ tìm ra cách để phát triển nó. Thế nhưng, hãy nhớ sẽ luôn có sự hy sinh đồng hành với tình yêu và đam mê!

Tại chương trình Múa đương đại Hanoi Dance Fest 2019 vừa qua, anh đã gây ấn tượng mạnh với tác phẩm mang tên “Đa chiều”. Thông điệp chính của tác phẩm mà anh muốn truyền tải là gì?

“Đa chiều” mang đến cho bạn khoảng cách không biên giới của nghệ thuật, sự gặp gỡ ngẫu nhiên trong đời thường, người đi kẻ ở lại. Tác phẩm mang tới cơ hội cũng như sự công bằng cho cả diễn viên và khán giả khi được xem một tác phẩm múa từ nhiều hướng khác nhau.

Một nghệ sĩ giàu năng lượng và nhiệt huyết như anh hẳn sẽ có nhiều tâm nguyện để đóng góp cho sự phát triển của múa đương đại ở Việt Nam?

Những năm gần đây tôi luôn về Việt Nam trong thời gian nghỉ để làm workshop cũng như chia sẻ thêm về Múa đương đại cho các bạn trẻ và tôi sẽ duy trì trong thời gian tới. Tôi cũng đang triển khai kế hoạch để tạo điều kiện và cơ hội nhiều hơn cho những diễn viên có khả năng của Việt Nam được làm việc và học tập tại châu Âu. Tôi hy vọng những kế hoạch của tôi sẽ đóng góp một phần vào sự phát triển của Múa đương đại Việt Nam!

Xin cảm ơn nghệ sĩ!

Theo baoquocte