Khi tôi chuẩn bị phỏng vấn xin học bổng, có người hỗ trợ chuẩn bị bài. Khi tôi chuẩn bị tốt nghiệp, trong quá trình xin việc, có người giúp sửa CV, gửi CV cho những công ty họ đang làm.

Khi tôi bắt đầu bắt tay vào làm Joylists (nền tảng công nghệ dành cho giới nghệ sĩ), tôi không có kinh nghiệm về mảng lập trình nên không thể hình dung ra một dự án IT bao gồm những bước gì. Và anh Tuấn Anh, người Mỹ gốc Việt có 20 năm kinh nghiệm làm các dự án công nghệ bên Mỹ, đã giúp tôi thiết lập các quy trình làm việc với các lập trình viên cho đến khi tôi có thể tự làm một mình.

Tôi và anh Tuấn Anh chưa bao giờ gặp nhau ngoài đời, chúng tôi kết nối qua Linkedin. Vì vậy, để chọn lựa ra một vài mentors cụ thể không dễ, tuy nhiên tôi sẽ liệt kê ra ở đây những người đã hỗ trợ tôi trong những cột mốc quan trọng nhất.

                    Lê Thanh Huyền tại Bồ Đào Nha năm 2015. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

1. Ông Eric: Tôi đã có dịp chia sẻ về ông trong bài hành trình đến châu Âu trước.

2. Người giúp tôi xin được công việc ở Singapore khi đang ở Việt Nam - bạn Lê Thạc Tú, hiện là Quản lý quan hệ khách hàng (Senior Relationship Manager) ở ngân hàng Stardard Chartered Bank Singapore. Công việc của Tú là tư vấn đầu tư tài chính cho những khách hàng cá nhân có vốn trung bình 2 triệu SGD.

Câu nói bất hủ của Tú là: Everything will be fine in the end, if it is not fine, it is not the end (Mọi thứ rồi đến cuối cùng sẽ ổn thôi, nếu không ổn nghĩa là chưa phải điểm cuối).

Tôi gặp Tú khi đang làm cho một công ty y tế của Singapore và sang Singapore đào tạo một tháng tại phòng khám nơi mẹ Tú lúc đó điều trị bệnh ung thư. Mẹ tôi cũng mất vì ung thư, có thể vì đồng cảnh ngộ mà chúng tôi hiểu, giúp đỡ nhau. Tú có cái nhìn đa chiều về các vấn đề nên trở thành người tôi hay hỏi ý kiến trong những lúc phân vân và hơi mất định hướng. Tú có chí tiến thủ, làm việc chăm chỉ và có khả năng phát triển mối quan hệ tốt (networking).

Khi biết một công ty bên Singapore đang tuyển người và thấy công việc phù hợp với tôi, Tú đã gửi CV của tôi cho sếp của công ty đó. Tôi phỏng vấn đỗ và chính chức chuyển từ Việt Nam sang Singapore làm việc. Đây là một bước ngoặt quan trọng và bước đầu định hình con đường đi của tôi sau này.

3. Christopher S

Chris sáng lập công ty đầu tư, quản lý tài chính cho khách hàng cá nhân có vốn cao, trụ sở ở Singapore. Chris còn có mặt trong ban quản trị của một số công ty tư nhân, đại diện cho lợi ích của hội đồng cổ đông và khách hàng. Năm 2018-2019, Chris và vợ du lịch vòng quanh thế giới khi cả hai con bắt đầu vào đại học.

Chris là sếp cũ của tôi khi tôi làm việc ở Singapore, là người đã dìu dắt và khiến tôi tự tin hơn khi bắt đầu làm việc trong một môi trường hoàn toàn mới.

Sau khi làm việc ở Singapore khoảng một năm, tôi nhận được học bổng MBA. Đó cũng là lúc Chris định cử tôi sang văn phòng công ty đối tác bên Mỹ làm một năm để học việc. Lúc đó, tôi thực sự phân vân, quyết định hỏi ý kiến Chris.

Chris đã nói tôi nên đi học vì đó là ước mơ của tôi. Công việc hiện tại tốt nhưng tấm bằng sẽ có giá trị về mặt lâu dài, nếu có cơ hội khám phá châu Âu thì không nên bỏ lỡ. Và tôi sách valy lên đường sang châu Âu.

4. Ono san

Ono san hiện quản lý dự án tại công ty tư vấn Arthur D Little. Tôi gặp Ono san trong một sự kiện giao lưu của trường khi gần tốt nghiệp MBA. Lúc đó, tôi có định hướng làm việc trong lĩnh vực y tế khi ra trường nên khi biết Ono san đang làm cho một công ty về thiết bị y tế, tôi đã chủ động đề cập mình muốn học hỏi thêm về lĩnh vực này và hy vọng anh có thể chia sẻ kinh nghiệm.

Sau đó một thời gian, khi công ty có vị trí trống, anh đã giúp tôi gửi CV cho sếp và đó cũng chính là công ty tôi đang làm việc. Không chỉ thế, khi tôi mới vào làm, Ono san giúp tôi làm quen với văn hóa công ty. Anh giỏi chuyên môn và là người tôi thường xuyên trao đổi ý tưởng dự án mới trong công việc.

Sau 2 năm, Ono san về Nhật để làm cho một công ty khác, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng kết nối chia sẻ tình hình hiện tại của cả hai vài tháng một lần.

Còn một mentor quan trọng nhất là người tôi chưa nhắc đến ở đây vì chưa kịp xin phép. Nếu như không có họ, tôi sẽ không có được ngày hôm nay.

Từ trải nghiệm của mình, tôi thấy bên cạnh nỗ lực của bản thân, việc tìm được mentor vô cùng quan trọng. Nhưng làm sao để tìm được mentor phù hợp?

1. Muốn được giúp thì phải hỏi

Một điều tôi nhận ra từ chính mình là tâm lý ngại hỏi, sợ phiền hà đến người khác, suy nghĩ có hỏi thì người ta cũng chẳng giúp đâu, người ta bận thế. Tuy nhiên, bạn nên nhớ nếu không hỏi thì đương nhiên câu trả lời sẽ luôn là không. Nếu bạn hỏi sẽ có người từ chối và sẽ có người giúp. Tôi nhận ra những người đã có kinh nghiệm và thành công nhất định đều khá hào phóng trong việc chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ người khác.

Nó giống như một vòng tuần hoàn vậy. Ví dụ, tôi may mắn nhận được sự giúp đỡ của người khác những lúc cần. Nên bây giờ đến lượt mình, tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm, hy vọng có thể giúp một bạn nào đó dù chỉ là một chút thôi. Tôi đã nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người kể cả những người chưa bao giờ gặp. Tất cả bắt đầu từ việc: Hãy chủ động hỏi.

2. Hỏi ai, làm sao tìm người phù hợp để hỏi?

Một người biết một con đường không có nghĩa là biết tất cả con đường. Nếu bạn hỏi đúng người, cơ hội người ta giúp bạn cũng cao hơn, đơn giản vì không ai tự tin cho người khác lời khuyên nếu không biết rõ về chuyên môn đó.

Tùy vào việc bạn muốn hỏi rơi vào lĩnh vực gì, bạn nên tìm người phù hợp trong lĩnh vực đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc không được phép lười. Bạn phải tìm hiểu cho đến khi tìm ra người phù hợp. Linkedin là một công cụ phù hợp nếu bạn cần trợ giúp liên quan đến công việc.

Với sinh viên, ngoài Linkedin, nên tìm cộng đồng phù hợp với mình. Ví dụ khi học MBA, tôi tìm hiểu ở các cộng đồng học Gmat. Cộng đồng sinh viên cũ của trường cũng là nơi tốt để bắt đầu.

Bạn nên tìm những người đang ở các vị trí mà bạn muốn trong tương lai gần/xa. Ví dụ bạn muốn làm về ngân hàng, tìm những người làm về ngân hàng. Bạn muốn thay đổi công việc, tìm người đã trải qua và học hỏi kinh nghiệm từ họ.

Bạn nên tìm những người có một điểm gì đó tương đồng với bạn để dễ kết nối: Cùng là người Việt Nam ở nước ngoài, cùng học một trường cũ, cùng quen một người nào đó chung hoặc họ làm ở công ty mà bạn muốn vào làm...

Nên nhớ rằng tìm mentor cũng giống như tìm một người bạn tốt, sẽ mất thời gian và sẽ có nhiều người không phù hợp cho đến khi tìm được đúng người. Cứ nói chuyện, cứ kết nối, mentorship là mối quan hệ giữa hai người, chỉ hiệu quả nếu phù hợp với cả hai.

3. Hỏi như thế nào?

Sau khi tìm được người phù hợp, nên hỏi như thế nào để được giúp. Cách hỏi quyết định nhiều người ta có giúp bạn hay không.

Một quy luật bất di bất dịch là nên làm thế nào để người ta có thể giúp bạn một cách dễ dàng nhất. Những người bạn muốn họ giúp có lẽ không có quá dư dả thời gian nên làm sao để việc giúp đỡ bạn tốn ít thời gian nhất của họ.

- Cách đặt câu hỏi: Nên tìm hiểu kỹ người bạn hỏi và làm rõ bạn muốn hỏi điều gì. Đặt câu hỏi cho phù hợp, không nên đưa ra những câu quá chung chung. Cũng không nên đặt những câu hỏi quá cụ thể mà có thể họ sẽ không biết câu trả lời.

- Thành thật và cầu tiến: Một điều mình nhận ra là khi bạn cho đi thì cũng được nhận lại. Đừng ích kỷ và chỉ muốn ai đó giúp mình rồi thôi. Hãy trở thành người ham học hỏi và cầu tiến, trở thành một người mà người khác muốn giúp đỡ.

- Nếu là người lạ kết nối trên Linkedin, bạn nên hẹn nói chuyện qua điện thoại, skype... Khi nói chuyện, tính cách của bạn được thể hiện rõ hơn là qua tin nhắn, email và người ta sẽ dễ đồng ý giúp bạn hơn.

- Và cũng như bất kỳ một mối quan hệ nào khác, mối quan hệ với mentor cũng cần thời gian nuôi dưỡng, không nên chờ đến khi có việc cần hỏi mới liên lạc.

- Hãy thay đổi cách suy nghĩ rằng tìm mentor là tìm người nào đó giúp mình đạt được một mục đích nhất định: xin được việc, xin được học bổng... Nên nhớ rằng đây là nhiệm vụ của bạn, không ai có thể làm thay bạn. Mentor là người bạn muốn học hỏi, học từ kinh nghiệm và vốn hiểu biết của họ. Những cơ hội khác như công việc, học bổng sẽ tự đến với bạn sau.

Cuối cùng, đôi khi những gì chúng ta cần để thành công là một chút bướng bỉnh, một sự tò mò và một niềm tin ngây thơ. Tin vào mình, rằng mình đủ giỏi đủ tốt, rằng cứ nên mơ cao, mơ xa, rằng cứ cố gắng thì sẽ đạt được điều mình muốn, cứ hỏi sẽ có người giúp.

Theo vnexpress