Mustafa Sallah từng hy vọng mình có thể đến châu Âu để theo đuổi ước mơ nghiên cứu khoa học máy tính. Song thanh niên này lại bị lực lượng Cảnh sát biển Libya giam giữ trong một trại giam ở Tripoli.

Sallah chia sẻ với CNN: “Chúng tôi bị giam trong những căn phòng kín gió và không được dùng nhà vệ sinh. Nơi này giống như chốn địa ngục”. Sallah cũng thường bị lính canh đánh đập vì “những lý do nhỏ nhặt như không chịu đi ngủ”.

Mustafa Sallah, một thanh niên người Gambia, đã quyết định liều mạng để di cư đến châu Âu. Song anh không hề biết hàng loạt rủi ro, nguy hiểm đang chờ đợi mình trên hành trình này. Sallah chia sẻ: “Khi được tự do, tôi muốn giúp những người khác đưa ra quyết định sáng suốt hơn”.

Chuyến di cư ác mộng


Mustafa Sallah lớn lên tại Serekunda, một khu vực ngoại ô của thủ đô Banjul. Anh từng chăm chỉ “săn” học bổng để giảm gánh nặng tài chính cho gia đình. Năm 2016, Sallah tìm được cơ hội du học Đài Loan song Gambia không có cơ quan đại diện ngoại giao ở hòn đảo này.

Mustafa Sallah, một thanh niên người Gambia, đã quyết định liều mạng để di cư đến châu Âu. Ảnh: UNDP.

“Tôi quyết định vay tiền em gái để đến Abuja, Nigeria, nơi có cơ quan đại diện ngoại giao của Đài Loan”, Sallah cho biết. Sau 3 tháng chờ đợi, đơn xin thị thực của Sallah đã bị từ chối. Kết quả này không quá bất ngờ vì Gambia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan từ 3 năm trước.

“Tôi không biết phải làm gì”, Sallah kể lại. “Vào cuối ngày, tôi nảy ra ý định di cư đến châu Âu vì tôi biết nhiều người đã đổi đời khi đến đó”.

Sau khi đến thành phố Agadez (Nigeria), Sallah trả tiền cho những nhóm buôn người để giữ chỗ trên một chiếc xe tải đi Libya. “Tại đây, tôi ở với anh họ khoảng một tháng trước khi lên đường đến vùng biên giới Tripoli”, anh cho biết.

Đối với chàng thanh niên người Gambia, hành trình đến Tripoli là một trải nghiệm kinh hoàng. Sallah từng bị nhiều băng cướp có vũ trang bắt giữ, tống tiền. Dọc đường đi, anh thậm chí suýt chết đói và phải chứng kiến các cuộc đọ súng giữa những băng cướp và nhóm buôn người.

Những thành viên trong băng nhóm vận chuyển người trái phép từng nói với Sallah: “Nếu muốn ở lại Tripoli, hãy làm quen với tiếng súng”. Vào tháng 1/2017, cuộc hành trình tưởng như đã kết thúc khi Sallah bị lực lượng cảnh sát biển Libya bắt giữ.

Libya là điểm trung chuyển chính trên tuyến đường nhập cư trái phép qua Địa Trung Hải. Cảnh sát thường tuần tra vùng ven biển để ngăn chặn các vụ buôn người. Những người di cư “chui” như Mustafa Sallah thường bị bắt giữ trong các trại giam ở thành phố biên giới Tripoli.

Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA), một tổ chức do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, đã thiết lập 11 trại giam giữ người di cư bất hợp pháp ở Libya. Có khoảng 2.360 người bị giam trong các cơ sở này. Sallah từng miêu tả 4 tháng bị giam giữ như ở “chốn địa ngục”.

Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền và Tổ chức Ân xá Quốc tế từng nhiều lần chỉ trích các trại giam này. Hồi tháng 4, hai tổ chức đã cùng ký vào một tuyên bố chung nhằm kêu gọi các quốc gia thành viên, đặc biệt là khối Liên minh châu Âu (EU), xem xét lại chính sách di cư và hợp tác với Libya.

Tổ chức Thanh niên chống Di cư Trái phép (YAIM) tổ chức một buổi tọa đàm. Ảnh: YAIM.

Tuyên bố này chỉ trích chính sách hiện tại đang tạo điều kiện cho “các hành vi giam giữ tùy tiện, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo đối với người di cư và người tị nạn”.

Hành trình thay đổi nhận thức


Trong thời gian bị giam giữ, Sallah đã gặp gỡ một người đồng hương có cùng cảnh ngộ. Họ đã thành lập tổ chức phi lợi nhuận mang tên Thanh niên chống Di cư Trái phép (YAIM) để tuyên truyền về sự nguy hiểm của nạn di cư bất hợp pháp.

“Tôi đi khắp trại giam để tìm những người đồng hương”, Sallah cho biết tổ chức YAIM đã nhận được 171 đơn đăng ký. “Chúng tôi quyết thành lập một hiệp hội giúp nâng cao nhận thức của người dân Gambia”.

Với khoảng 2,3 triệu dân, Gambia là một trong những quốc gia có diện tích nhỏ nhất ở châu Phi. Tại đây, di cư là xu hướng khá phổ biến, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia.

Nhiều người Gambia đã chọn con đường di cư bất hợp pháp. Ảnh: US News.

Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), 48% người Gambia đang sống trong cảnh nghèo đói. Nước này có khoảng 90.000 công dân sinh sống ở nước ngoài, mang về lượng kiều hối chiếm hơn 20% GPD cả nước.

Nhiều người Gambia đã chọn con đường di cư bất hợp pháp. Từ năm 2014 đến năm 2018, IOM ước tính hơn 35.000 người Gambia đến châu Âu thông qua “các đường dây vận chuyển bất hợp pháp”.

“Tại Gambia, đi nước ngoài là một phương án kiếm sống. Họ chỉ rời đất nước vì vấn đề kinh tế”, Etienne Micallef, quản lý chương trình của IOM tại Gambia, cho biết. “Người Gambia quan niệm châu Âu là nơi mang về thu nhập tốt, giúp họ duy trì cuộc sống và giúp đỡ gia đình”.

Dù vậy, những chuyến di cư tiềm ẩn không ít rủi ro. Theo số liệu toàn cầu của IOM, ít nhất 33.687 người di cư đã thiệt mạng hoặc mất tích từ đầu năm 2014 đến tháng 10/2019. Gần một nửa trong số đó thiệt mạng trên tuyến đường từ Bắc Phi đến Italy.

Sau khi được trả tự do, Mustafa Sallah quay về quê hương Gambia với mong muốn nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ. Tổ chức Thanh niên chống Di cư Trái phép (YAIM) thường xuyên hội họp và tổ chức các buổi tọa đàm trong cộng đồng.

Sallah nhận thức được tình trạng nghèo đói tại Gambia: “Nhiều người phải vật lộn với đồng lương ít ỏi. Việc sinh tồn không hề dễ dàng song họ có thể lạc quan hơn khi ở cạnh nhau”. Theo Sallah, sống an toàn ở quê hương là lựa chọn sáng suốt so với việc di cư trái phép đến châu Âu.

Theo  Zing