Thanh niên làm việc trong xưởng cơ khí - Ảnh minh họa: M.Q

Bình quê ở một huyện nghèo của tỉnh Nghệ An. Ở làng của Bình, nhiều người đã giúp ba mẹ đổi đời, xây được nhà lầu nhờ đi xuất khẩu lao động. Ban đầu, cả nhà chạy vay mượn gần 200 triệu để em gái của Bình trả phí môi giới xuất khẩu đi Nhật. Dần dần, em gái Bình trả hết được số tiền này và gửi thêm tiền để Bình đóng phí xuất ngoại.

Gần 2 năm sau khi ở Nhật, Bình nhẫn nhịn, tiêu xài tiết kiệm và tiếp tục gửi tiền về để lo cho người em gái còn lại trong nhà cùng sang Nhật. Cuộc sống của cả gia đình Bình cũng thay đổi từ đó.

Nhịn nhục nghe chửi xứ người

Sau khi tốt nghiệp cấp ba, Bình vào Bình Dương làm công nhân. Nhiều hôm tăng ca nửa đêm mới về đến nhà trọ, nhưng lương vẫn chỉ 7-8 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, cả năm mới dư được hai ba chục triệu dằn túi.

Trong lúc đó, nhìn nhiều nhà cao tầng trong làng cứ vậy mọc lên nhờ những đứa con đi xuất khẩu lao động. Ngay cả em gái của Bình đi Nhật gửi tiền về hàng tháng cũng bằng số tiền Bình tích cóp cả năm nên Bình quyết định cũng phải xuất ngoại.

Sau khi tìm hiểu, Bình được một công ty môi giới sắp xếp cho công việc tại một nhà máy sản xuất sữa. “Đơn hàng của tôi là 6.700 USD. Mỗi một hợp đồng đi như vậy họ đều gọi là đơn hàng. Sang đến Nhật, tôi được giao công việc rửa máy móc và dọn phân, cho bò ăn. Tưởng là dễ nhưng không phải, tôi bị chủ chửi suốt năm đầu”, Bình kể lại.

Theo lời của Bình, vì yêu cầu khắt khe của công việc, quy mô công ty gia đình lại nhỏ nên anh thường xuyên bị chủ để ý từng ly từng tí và cáu gắt chửi bới bằng những câu khó nghe khi làm gì đó không vừa ý chủ.

Bình làm việc tại một công ty sữa của Nhật - Ảnh minh họa: N.M.T

Khoảng 1 năm sau, Bình mới tránh được công việc nặng mùi trên và được học vắt sữa bò. Bình tâm sự: “Năm đầu tiên tôi stress kinh khủng vì suốt ngày bị chửi. Lúc đó tiếng Nhật không rành lắm nhưng tôi nghe được là họ chửi mình ngu. Nhiều người không chịu được đã bỏ trốn hoặc xin về Việt Nam. Một số người trốn chui lủi tại Nhật thường cắt đứt liên lạc, giữ bí mật thông tin nhưng chính họ thường dễ bị những người Việt khác lừa nên cuộc sống càng bi kịch”.

Đến năm thứ hai, vốn tiếng Nhật khá lên, Bình giao tiếp được với mọi người trong công ty và chủ nên mọi vấn đề tạm ổn. Thu nhập mỗi tháng của Bình khoảng 40 triệu, trừ mọi chi phí, Bình còn dư 25 triệu, gộp với hai em gái, mỗi người dư được 20 triệu nữa là 65 triệu gửi đều đặn về quê cho bố mẹ.

Một "đơn hàng" xuất khẩu lao động - V.P

“Hàng xóm thì nghĩ mỗi tháng anh em tôi làm được 150 triệu cơ, nhưng không phải. Để được thu nhập và dư nhiêu đó tụi tôi phải tăng ca nhiều và tiêu xài tiết kiệm từng đồng. Tôi mong khi trở về nước sẽ đủ tiền để bố mẹ xây nhà. Đó là điều bố mẹ và anh em chúng tôi đều mơ ước”, Bình bộc bạch.

Áp lực kỳ vọng của gia đình

Nhớ lại năm đầu ở Nhật, Bình gọi đó là khoảng thời gian ám ảnh của cuộc đời. Suốt ngày bị chửi nhưng anh luôn phải nhẫn nhịn, vì đó là lựa chọn duy nhất. Nếu về Việt Nam thì một số nợ khổng lồ còn đó, ở nhà bố mẹ sẽ xoay sở ra sao, hàng xóm nói ra nói vào thế nào. Còn trốn đi thành những người cư trú bất hợp pháp lại phải chui lủi, khó khăn trăm bề.

“Nếu ở Việt Nam mà chửi kiểu đấy chắc có đánh nhau hoặc bỏ việc. Nhưng đã quyết định đi làm ở xứ người, thì phải chấp nhận để hoàn thành mục tiêu. Nhiều lần tôi tâm sự với bố mẹ về việc bị chủ chửi, bố mẹ nói nếu không chịu được thì đừng gắng quá. Tôi biết họ nói vậy vì thương tôi chứ đặt kỳ vọng ở tôi nhiều lắm”, Bình nói.

Tương tự, anh Quang Huy (28 tuổi, quê Ninh Bình) cũng đi xuất khẩu lao động tại Nhật với niềm tin vào một tương lai tươi mới và sự kỳ vọng của gia đình.

Trang trại quýt mà anh Huy làm việc - Quang Huy

Trước khi đi Nhật, anh Huy làm công nhân giày da, lương mỗi tháng 4 triệu đồng. Thấy anh trầy trật kiếm tiền, bố anh đặt vấn đề cho anh đi xuất khẩu lao động ở Nhật vì thấy con hàng xóm cũng đi.

Đắn đo suy nghĩ một thời gian, anh Huy đồng ý và được bố mẹ vay giúp ngân hàng 200 triệu để đóng phí môi giới 8.000 USD.

“Tại Nhật, tôi làm nông trại quýt, cả nông trại chỉ có 2 người là tôi và một người Nhật cùng làm việc. Tôi may mắn gặp chủ tốt nên có hứng thú làm việc. Ngày nghỉ tôi tìm hiểu thêm văn hóa Nhật và học cách sống khoa học như người Nhật”, anh Huy kể.

Mỗi tháng, trừ mọi chi phí, anh Huy còn dư 20 triệu và gộp 3 - 4 tháng gửi về nhà một lần.

Hy vọng đổi đời

Sau khi xuất ngũ, anh Vũ Minh Tuấn (30 tuổi, quê Ninh Bình) cũng đi Nhật xuất khẩu lao động để tìm kiếm một tương lai tươi đẹp hơn.

Anh Tuấn đã sang Nhật được hơn 2 năm, chi phí đi ban đầu là 6.000 USD. Đây là số tiền anh vay mượn của tất cả anh em họ hàng để trả cho công ty môi giới. Đến Nhật, anh được sắp xếp công việc tại một xưởng cơ khí ở tỉnh Fukuoka. Công ty này có khoảng 150 người làm việc, trong đó có nhiều người Việt và công ty vẫn đang tiếp tục tuyển thêm người Việt. Nhờ vậy, mọi người được sắp xếp ở nhà tập thể cùng nhau và có thể chia sẻ, tâm sự vì cùng chung quê hương.

Anh Tuấn tâm sự: “Tôi làm ở vùng lương thấp nên tháng nào tăng ca nhiều thì mới dư được 20 triệu gửi về quê để bố mẹ trang trải. Ở Nhật tôi thấy chỉ có duy nhất đồng lương cao, còn cuộc sống rất tẻ nhạt. Những người lao động như tôi chỉ biết cắm mặt vào việc, sau giờ làm về ôm điện thoại chat rồi đi ngủ”.

Mỗi khi xích mích với quản lý trong công việc, bị họ quở trách một cách vô lý, anh Tuấn cũng không cãi lại mà đều nhận lỗi sai về mình vì “văn hóa Nhật là vậy”. Dù thế, tối đến về nhà tập thể, anh vẫn thấy ấm ức ở trong lòng.

“Bố mẹ đặt nhiều hi vọng vào tôi và mong khi trở về tôi sẽ có một khoản tiền làm vốn để thay đổi cuộc đời. Tôi cũng xác định sang làm để kiếm tiền về trang trải cuộc sống nên không cho phép mình trùng bước, khổ mấy thì khổ đều trong khả năng chịu đựng được”, anh Tuấn bộc bạch.

Đó cũng chính là động lực suốt hơn 2 năm qua của anh Tuấn khi lao động ở xứ người. Dù tết không được về nhà, không được ăn cơm cùng gia đình, thậm chí đau bệnh cũng chỉ có một mình nhưng anh Tuấn đều không cho phép bản thân gục ngã, vì… ngày mai tươi sáng.

Theo thanhnien