Trắng đêm cầu nguyện cho "trái tim Paris"

Hơn 8 thế kỷ vững vàng làm biểu tượng của Paris hoa lệ, Nhà thờ Đức Bà đột ngột chìm trong lửa đỏ. Trận hỏa hoạn khiến cả thế giới bàng hoàng dõi theo từng “nhịp đập” của “trái tim” nước Pháp, trước “thảm họa” có khả năng khiến công trình vĩ đại của nhân loại này sụp đổ.

Cộng đồng người Việt ở Pháp đã có một đêm bàng hoàng trước vụ hỏa hoạn ở Nhà thờ Đức Bà

Cộng đồng người Việt ở Pháp gần như đã có một đêm không ngủ khi nghe tin Nhà thờ Đức Bà bốc cháy dữ dội. Ông Nguyễn Văn Mạnh (51 tuổi, ngụ La Madeleine, Paris), một nhân chứng có mặt tại hiện trường vụ cháy kể lại: “Tôi đi ngang sông Seine trước khi tháp chuông đổ sụp. Lửa cháy dữ dội, tàn tro lan rộng cả một vùng! Rất nhiều người cùng tôi đã đứng đó chắp tay cầu nguyện cho sự tồn vong của chứng nhân lịch sử của thành phố, của đất nước này”.

Những khoảnh khắc khiến trái tim người Pháp thắt lại 

Trong khi đó, anh Phùng Tiến Lân (35 tuổi, ngụ Noisy-le-Grand, Paris) kể về hàng giờ “nín thở” dõi theo hàng trăm lính cứu hỏa ra sức cứu lấy nhà thờ: “Ngọn lửa bùng lên quá nhanh! Khoảnh khắc tháp chuông đổ ngang, tôi tin cả nước Pháp đã bị “tổn thương” và cả gia đình tôi cũng vậy... Tôi đã theo đõi trực tiếp qua truyền hình quá trình dập lửa, kéo dài cho đến tận 2 giờ sáng. Bấy giờ mới thở phào khi biết kiến trúc tòa nhà đã được cứu và rất nhiều bảo vật quan trọng bên trong được an toàn”.
Rất nhiều những cảm xúc đọng lại sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng. Việc phục dựng hẳn sẽ mất nhiều thời gian và công sức. Không ai có thể phủ nhận một phần giá trị nguyên bản của nhà thờ đã vĩnh viễn mất đi. Nhưng chắc chắn, cũng như việc đã từng trở thành cảm hứng bất tận của nhiều tuyệt tác nghệ thuật kinh điển, nhà thờ vẫn sẽ vẹn nguyên trong ký ức của nhiều người.
Nhà thờ Đức Bà Paris là một nhà thờ Công giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothic trên đảo nhỏ nằm bên dòng sông Seine 

Sang Pháp từ năm 2006 để tiếp tục chương trình sau đại học, anh Lân đã quyết định chọn đất nước này để làm quê hương thứ hai, bởi anh yêu văn hóa, con người, phong cảnh tự nhiên lẫn hệ thống kiến trúc nơi đây.
Nhà thờ đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử nước Pháp, trở thành niềm cảm hứng vô tận cho thi ca, nhạc họa

“Lần đầu tôi ghé nhà thờ Đức Bà là Chủ nhật của tuần đầu tiên sang Pháp. Cảm xúc lúc đó nếu diễn tả chỉ cần một từ: choáng ngợp! Mặt bên ngoài cũng như sự đối xứng và vị trí xây dựng của hai tòa tháp thực sự hoàn hảo. Nhà thờ rất cao và to, phải đứng từ rất xa mới chụp vào ảnh hết được”, anh cho biết.
Anh Lân cũng mô tả, bên trong là mái vòm đặc trưng của kiến trúc Gothic, cùng với những ô cửa sổ bằng thủy tinh được điêu khắc tinh vi với màu sắc cực kỳ bắt mắt! Hiện tại, tuy phải đi làm nhưng anh vẫn trông ngóng tin tức từ báo đài, với hi vọng những gì đẹp đẽ nhất mà anh từng thấy vẫn còn được vẹn nguyên, càng nhiều càng tốt.

Nhiều người hi vọng, Nhà thờ sẽ sớm được phục dựng từ tro tàn

Nhà thờ lung linh về đêm trước khi xảy ra hỏa hoạn

'Nước Pháp sẽ làm mọi điều để nó luôn là “Notre Dame de Paris"

Chị Nguyễn Thị Minh Thu (38 tuổi, ngụ Asnières-sur-Seine, Paris), một người Việt sống tại Pháp, chia sẻ: “Chồng tôi sang Pháp 5 năm, mới đến lượt tôi tu nghiệp bác sĩ ở đất nước này. Từ một nơi anh ấy yêu, tôi cũng dần bị “mê hoặc” bởi các công trình kiến trúc trăm năm ở đây. Dĩ nhiên trong số đó không thể thiếu Nhà thờ Đức Bà Paris. Thậm chí, cá nhân tôi còn cảm giác thích nó hơn cả tháp Eiffel”.
Chị Thu kể, lần đầu tiên đặt chân lên nước Pháp, trong những ngày chưa đi học, ông xã đã dẫn chị đi thăm thú Paris, mở đầu bằng Nhà thờ Đức Bà. Sau 10 năm, địa điểm này trở thành một nơi quen thuộc của chị và gia đình, cũng như tất cả bạn bè, người thân chị khi có dịp sang thăm “kinh đô ánh sáng”.
Chị Thu và người thân trong một lần ghé thăm Nhà thờ Đức Bà Paris

Mỗi năm, địa điểm này thu hút hơn chục triệu du khách đến tham quan

Tòa tháp cao lớn khiến bạn phải lùi ra xa nếu muốn chụp ảnh


“Người thân, bạn bè từ Việt Nam hay từ Mỹ sang, nơi đầu tiên mình nhắc đến đều là Nhà thờ Đức Bà. Mình ở phía Bắc Paris, cũng không xa lắm, có thể di chuyển bằng tàu điện hoặc xe buýt. Nhưng hãy chọn xe buýt để có thể ngắm cảnh và trông thấy nhiều công trình kiến trúc lớn khác trên con đường đi đến nhà thờ. Mất không đến nửa giờ đồng hồ cho đoạn đường này”, chị Thu cho biết.
Theo đó, khi ra ga Saint-Lazare, chị sẽ bắt xe buýt số 21 và đi thẳng đến Nhà thờ Đức Bà. Trên đường đi sẽ lần lượt ngang qua và có thể ghé thăm Opéra de Paris (tên thường gọi của nhà hát Palais Garnier), nhà hát Châtelet, quảng trường Saint-Michel,… Khi tới quảng trường, chỉ cần xuống xe đi bộ 5 phút là tới Nhà thờ. Một lịch trình hoàn hảo nếu không đi vào giờ cao điểm đông đúc xe cộ.
Người dân tin Paris và nước Pháp sẽ khôi phục Notre-Dame, như đã làm với các tượng trên Khải Hoàn Môn 

Tiếng thánh ca nơi nhà thờ đã ở trong ký ức của nhiều người

“Dọc hai bên sông Seine có những hiệu sách cũ, có những họa sĩ hay ngồi vẽ tranh. Xung quanh đó là những du khách ngồi uống rượu bia, ăn uống, vui chơi. Tất cả những nhộn nhịp, ồn ào khi đến đây đều có phần trầm lắng lại, hệt như nhà thờ trầm mặc soi mình xuống dòng nước. Nhưng làm mình nhớ nhất vẫn là những lần vào nhà thờ, nghe ca đoàn hát thánh ca. Tiếng thánh ca hay và bình yên lắm, làm mình cũng muốn nhắm mắt lại để cầu nguyện, dù mình không theo đạo”, chị Thu chia sẻ.
Anh Lân cũng khẳng định, khi giới thiệu với bạn bè đến thăm đất nước mình đang sống, anh sẽ giới thiệu những Khải Hoàn Môn, đại lộ Champs-Élysées, bảo tàng Louvre, đồi Montmartre, cung điện Versailles,… nhưng Nhà thờ Đức bà vẫn sẽ là điểm đến đầu tiên. Nơi đây gần như là "hơi thở", là điều đáng tự hào nhất của người dân.

“Bởi thế mà tôi tin mọi người đã rất buồn khi nghe hung tin. May mắn là nhà thờ đã được cứu, dù sẽ mất rất lâu để phục dựng lại mọi thứ từ đống đổ nát. Nhưng chắc chắn nước Pháp sẽ làm mọi điều để nó luôn là “Notre Dame de Paris" - biểu tượng văn hóa được công nhận rộng rãi nhất không chỉ của thủ đô nước Pháp mà còn của cả thế giới - như hàng trăm năm nay. Và chắc chắn tôi sẽ lại hào hứng chỉ tay về nó mỗi lần có bạn bè, người thân ghé thăm đất nước này”, anh Lân nói.

                                                                                                                           Theo Thanh Niên