|
|
Doanh nhân Eric Nguyen, Việt kiều Đức. |
Cùng với trí tuệ nhân tạo, ngành bán dẫn đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Với tiềm năng và tài nguyên sẵn có, các chuyên gia kiều bào tin rằng việc chủ động nắm bắt thời cơ, đầu tư đúng trọng điểm giúp Việt Nam gia tăng vai trò trong chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.
Thu hút các công ty thiết kế chip hàng đầu
Gần 20 năm làm việc tại Đức, Eric Nguyen - nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm trong phát triển sản phẩm, huy động vốn và vận hành, nhận thấy rằng, hệ sinh thái bán dẫn quốc tế rất đa dạng và có sự phân chia rõ ràng giữa các khu vực.
Theo ông, nước Đức mặc dù không dẫn đầu trong công nghệ bán dẫn tiên tiến, vẫn giữ vai trò quan trọng trong các ứng dụng công nghiệp và công nghệ xanh. Vì vậy, kinh nghiệm từ các dự án công nghệ tại Đức với sự chú trọng vào đổi mới và phát triển bền vững có thể là tham khảo hữu ích.
Đề xuất giải pháp cho Việt Nam, Eric Nguyen cho rằng Việt Nam nên tập trung thu hút các công ty thiết kế chip hàng đầu như Nvidia, Intel và Qualcomm. Chính phủ có thể thực hiện chính sách ưu đãi về đầu tư, giảm thuế và hỗ trợ tài chính, đồng thời hợp tác với các trường đại học và tổ chức nghiên cứu để mở các khóa đào tạo chuyên sâu về thiết kế chip.
Doanh nhân này chia sẻ: “Sau khi thu hút các công ty thiết kế chip, Việt Nam cần xây dựng các cơ sở sản xuất chip hỗ trợ các công ty thiết kế.
Việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và công nghệ sản xuất hiện đại là rất cần thiết, nhưng cũng cần thực hiện các nghiên cứu đánh giá tác động môi trường của việc khai thác đất hiếm.
Các nghiên cứu này giúp phát triển phương pháp khai thác bền vững và giảm thiểu tác động tiêu cực. Khi có giải pháp môi trường, Việt Nam có thể phát triển ngành khai thác đất hiếm và cung cấp nguyên liệu cho ngành bán dẫn”.
Theo ông Eric Nguyen, Chính phủ Việt Nam cần thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư như giảm thuế, miễn thuế nhập khẩu cho thiết bị công nghệ cao và cung cấp các ưu đãi tài chính cho các công ty công nghệ lớn. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ cao như các khu công nghiệp công nghệ cao và trung tâm nghiên cứu phát triển cũng rất quan trọng trong thu hút các công ty công nghệ quy mô loại này.
“Chính phủ cần cải thiện cung cấp thông tin về các cơ hội đầu tư và chính sách hỗ trợ cho các chuyên gia và doanh nghiệp, thông qua thiết lập các cổng thông tin đầu tư trực tuyến, tổ chức các hội nghị đầu tư quốc tế và cung cấp tài liệu hướng dẫn chi tiết cho các công ty công nghệ”, nhà đầu tư Eric Nguyen đề xuất.
Ông cũng nói thêm, Việt Nam nên hợp tác với các tổ chức và các cơ quan xúc tiến đầu tư của các quốc gia khác để học hỏi và áp dụng các mô hình hỗ trợ đầu tư hiệu quả.
Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao
Khẳng định ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy các công nghệ tiên tiến, ông Nguyễn Ngọc Mai Khanh - chuyên gia phát triển sản phẩm bán dẫn ở Nhật Bản cho rằng, ngành đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm chi phí sản xuất ngày càng tăng, căng thẳng địa chính trị và sự thống trị của một số nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực này.
|
|
Chuyên gia Nguyễn Ngọc Mai Khanh, Việt kiều Nhật Bản. |
Theo đó, để phát triển ngành vi mạch, Việt Nam có thể học hỏi từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), vốn đã đạt được thành công lớn nhờ vào việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường nội địa mạnh mẽ và sự đầu tư từ các nhà đầu tư lớn.
Ông Nguyễn Ngọc Mai Khanh cho biết, từ những năm 1950, Nhật Bản đầu tư mạnh mẽ vào công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là sản xuất transistor và thiết bị điện tử.
Chính phủ trao quyền lớn cho Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế, giúp cơ quan này trở thành trung tâm lãnh đạo ngành công nghiệp điện tử. Đến những năm 1970, Nhật Bản triển khai kế hoạch VL Project - chiến lược quốc gia nhằm phát triển công nghệ vi mạch với quy mô tích hợp siêu lớn.
Kế hoạch này không chỉ tập trung vào chế tạo vi mạch mà còn bao gồm cả phát triển thiết bị sản xuất vi mạch nội địa.
Sự hợp tác giữa các tập đoàn công nghệ lớn như Fujitsu, Hitachi, Mitsubishi, Toshiba… giúp Nhật Bản nâng cao khả năng tự cung cấp thiết bị chế tạo vi mạch và duy trì vị trí hàng đầu trong nhiều năm.
Ông Nguyễn Ngọc Mai Khanh nhấn mạnh: “Tại Việt Nam, ngành vi mạch chủ yếu mới dừng lại ở công đoạn gia công và thiếu đội ngũ kỹ thuật có khả năng làm chủ sản phẩm hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, với quy mô dân số lớn và định hướng chuyển đổi số của Chính phủ, Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển bằng một số cách như: tăng cường đào tạo kỹ sư vi mạch từ cấp đại học và cao đẳng, kết hợp với các chương trình đào tạo nghề; phối hợp với các tập đoàn công nghệ và trường đại học để xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến về vi mạch; mở rộng mạng lưới trung tâm nghiên cứu và đào tạo, cung cấp trang thiết bị và hỗ trợ kiến thức chuyên sâu; thúc đẩy chính sách thu hút và giữ chân nhân tài”.
Cũng theo ông, để phát triển ngành vi mạch, Việt Nam nên tập trung vào các công đoạn này trong ngắn hạn, đồng thời chuẩn bị năng lực để mở rộng sang sản xuất; đầu tư vào thiết kế vi mạch Analog và High-Speed - những lĩnh vực phù hợp với năng lực và sự sáng tạo của giới trẻ, sinh viên Việt Nam; cung cấp chính sách bảo hộ và hỗ trợ tối đa cho đăng ký bản quyền liên quan vi mạch.
Doanh nhân kiều bào Nhật Bản tin rằng: “Việc áp dụng những bài học từ các quốc gia tiên tiến đặc biệt chú trọng vào chia sẻ tài nguyên vi mạch và giữ chân nhân tài có thể giúp Việt Nam xây dựng nền tảng vững chắc và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực này”.
Tận dụng các cơ hội hợp tác quốc tế
Cùng tâm huyết với sự phát triển của ngành bán dẫn ở Việt Nam, tháng Chín vừa qua, GS.TS Phan Mạnh Hưởng (Đại học Nam Florida), đã đưa đoàn của Đại học Arizona (Mỹ) về làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Nhân dịp này, GS.TS Phan Mạnh Hưởng cùng đoàn Mỹ thảo luận các điều kiện, cơ hội để giúp Việt Nam tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn.
|
|
GS.TS Phan Mạnh Hưởng cùng các đồng nghiệp Việt Nam và Mỹ. (Ảnh: NVCC) |
Khi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, họ đã thảo luận về các chính sách mà Việt Nam và Mỹ có thể kết hợp, đồng hành trong việc xây dựng những cơ chế liên quan đến tài trợ cho các nhóm nghiên cứu, các nhà khoa học của hai bên.
Đặc biệt, đoàn đã ký kết thỏa thuận với Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, thúc đẩy các hoạt động hợp tác chung về nghiên cứu, liên kết đào tạo, phát triển khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn.
GS.TS Phan Mạnh Hưởng cho biết, Arizona là bang trung tâm công nghiệp bán dẫn, chiếm 25% thị phần công nghiệp bán dẫn trên toàn nước Mỹ.
Đại học Arizona đã xây dựng thành công mô hình liên kết trong đào tạo gồm: trường đại học + doanh nghiệp + chính phủ. Với sự quan tâm và triển khai hợp tác với Việt Nam, ông hy vọng rằng các chương trình từ Đại học Arizona được đưa về Việt Nam sẽ đạt hiệu quả trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg ngày 21/9/2024 ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.
Chiến lược đề ra con đường phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2050 theo công thức sau: C = SET + 1. Trong đó: C: Chip (Chip bán dẫn), S: Specialized (Chuyên dụng, Chip chuyên dụng), E: Electronics (Điện tử, Công nghiệp điện tử), T: Talent (Nhân tài, Nhân lực), + 1: Việt Nam (Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn).
|
Theo baoquocte