|
|
Lê Vũ Thảo Nguyên hiện làm nhân viên văn phòng, sinh sống tại Osaka (Nhật Bản). |
Qua Nhật sinh sống và làm việc hai năm, Lê Vũ Thảo Nguyên (sinh năm 1994) lâu rồi mới cảm nhận không khí lễ hội rõ nét như năm nay. Cô gái Việt có đam mê với ẩm thực xứ phù tang nhưng chưa từng nấu thử. Lần này, Thảo Nguyên 'đánh liều' làm hộp cơm năm mới osechi - nét ẩm thực truyền thống của Nhật Bản.
Osechi có tên gọi đầy đủ là osechi ryori, là bữa ăn truyền thống mừng năm mới, gồm ba khay đồ ăn đựng trong tráp sơn (jubako), xếp chồng lên nhau, có nắp đậy. Có hơn 10 món ăn được chuẩn bị, màu sắc sặc sỡ, ấn tượng, mang ý nghĩa may mắn, cầu phúc. Các món này không cố định mà tùy theo sở thích và điều kiện mỗi gia đình.
"Với tôi, món Nhật ngon, đẹp, hợp khẩu vị, dù bạn bè người Việt đều bảo không ngon, không hợp. Tôi có thể ăn được hầu hết món nhưng gần như chẳng biết nấu. Hương vị hai nền văn hoá cũng khác hẳn. Năm ngoái, tôi tính học nấu ăn nghiêm túc món Nhật nhưng cứ trì hoãn vì nghĩ khó và phải mua thêm quá nhiều gia vị. Nhật Bản đang trong kỳ nghỉ Tết dương lịch kéo dài một tuần, không khí năm mới nhộn nhịp. Thấy mọi người mua sắm tấp nập, siêu thị bán đủ loại thực phẩm sặc sỡ, bắt mắt, tôi muốn tập nấu món ăn truyền thống ngày đầu năm để hòa theo không khí. Đây là một thử thách lớn, tôi cũng gặp vài bối rối để thích nghi với văn hóa nấu ăn của người Nhật", Thảo Nguyên nói.
Với người Nhật, để nấu một hộp osechi cũng rất cầu kỳ vì phải chuẩn bị rất nhiều món. Thảo Nguyên lên mạng, tra tên món ăn và ngắm kỹ cách người Nhật truyền thống nấu thế nào, món ăn gồm nguyên liệu gì, trình bày ra sao, mỗi nguyên liệu có ý nghĩa gì. Sau đó, cô gái Việt lại xem video do các Youtuber người Nhật chế biến để biết cách làm tổng quát. Cuối cùng, Thảo Nguyên nghiên cứu cách một số mẹo nhỏ cho từng món, đảm bảo làm ngon và thành công.
Set osechi của cô nàng gồm 12 món, mỗi thứ một chút nhưng món nào cũng cần sự tỉ mẩn, kỹ càng trong từng chi tiết. Thảo Nguyên tâm đắc nhất món onisshime bởi mang không khí mùa xuân với nhiều loại rau củ được tỉa hình hoa, ninh với nước dashi. Cà rốt được tỉa hình hoa mơ - một trong những loài hoa biểu tượng cho mùa xuân ở đất nước mặt trời mọc. Củ sen cũng được cô tỉa rất kỹ thành từng cánh hoa.
Món konnyaku được người Nhật ưa chuộng vì rất ít calo, tốt cho sức khỏe. Tạo hình cho konnyaku rất dễ dàng bằng cách cắt miếng konnyaku độ dày 1 cm, sau đó rạch một đường tầm 5 cm ở giữa miếng konnyaku, sau đó cầm một đầu nhét vào khe hở vừa cắt kéo ra là xong. Nếu không thích mùi của loại thực phẩm này, bạn có thể cho một muỗng muối vào bóp nhẹ rồi rửa lại với nước.
|
|
Set osechi hoàn chỉnh của Thảo Nguyên. |
Bò áp chảo cũng là một trong những món ăn được người Nhật làm kỳ công ngày Tết. Bò sau khi áp chảo các mặt mỗi mặt 30 giây, sẽ được đặt lên hành tây, rưới thêm rượu, đậy nắp nấu thêm khoảng 5 phút mỗi mặt. Tiếp theo là món ăn mô phỏng kadomatsu - biểu tượng ngày Tết ở Nhật. Kadomatsu nghĩa là "cổng thông" được chưng thành cặp ở trước cửa, với ý nghĩa là đón ông bà tổ tiên về nhà.
Người Nhật cũng thường ăn món chua ngọt để giải ngấy giống người Việt. Thảo Nguyên dùng quả yuzu, một loại quả thuộc họ cam quýt, khoét hết ruột để làm chén đựng đồ. Món duy nhất cô mua ở siêu thị là chả cá kamaboko, sau đó tỉa và tết nơ. Thảo Nguyên cho biết lẽ ra set osechi còn cần thêm súp và cá chiên xù. Nguyên liệu đã mua đủ nhưng cô không nấu vì nhà chỉ có hai vợ chồng nên không ăn hết.
Để hoàn thành set đồ, Thảo Nguyên tốn gần 12 tiếng, bao gồm mua sắm, chuẩn bị nguyên liệu, cắt tỉa và chế biến từng món ăn. Do muốn mua đủ hết đồ, cô phải đạp xe tổng cộng 10 km. "Làm osechi không khó lắm nhưng cần sự kiên trì vì có nhiều thành phần. Tôi theo trường phái 'hoa lá cành', thích món ăn đẹp nên mất thời gian trau chuốt từng chi tiết. Nhờ nấu bữa ăn này, tôi có nhiều cảm nhận sâu sắc hơn về nét văn hóa ẩm thực của người Nhật, học thêm được nhiều điều mới", Thảo Nguyên nói.
Một số hình ảnh về món osechi do Thảo Nguyên chế biến:
|
|
Món onishime mang không khí mùa xuân, gồm các loại rau củ với nước dashi. |
|
|
Cà rốt được tỉa hình hoa mơ, củ sen cũng được tỉa kỹ càng. |
|
|
Bò áp chảo mỗi mặt 30 giây, thêm hành tây, rưới thêm rượu, đậy nắp nấu thêm khoảng 5 phút mỗi mặt. |
|
|
Chả cá kamaboko tỉa và tết nơ. |
|
|
Món ăn mô phỏng Kadomatsu - một biểu tượng ngày Tết ở Nhật. Kadomatsu nghĩa là 'cổng thông' được chưng thành cặp ở trước cửa với ý nghĩa là đón ông bà tổ tiên về nhà. |
|
|
Konnyaku được tạo hình bằng cách cắt miếng độ dày 1 cm, sau đó rạch một đường tầm 5cm ở giữa, sau đó cầm một đầu nhét vào khe hở vừa cắt kéo ra là xong. Nếu không thích mùi của loại thực phẩm này, bạn có thể cho một muỗng muối vào bóp nhẹ rồi rửa lại với nước. |
|
|
Cắt lấy vỏ quả yuzu (một loại quả thuộc họ cam quýt) để làm chén đựng đồ chua ngọt. |
Theo ngoisao