Bà Tham Nguyen (78 tuổi) thu hoạch rau tại trang trại VEGGI ở đông New Orleans - CHỤP MÀN HÌNH CIVIL EATS
Cộng đồng khoảng 14.000 người gốc Việt ở khu phía đông TP.New Orleans, bang Louisiana, Mỹ đã kiên cường vượt qua thách thức sau thảm họa bão Katrina năm 2005. Sau đó, sự cố tràn dầu của Hãng BP năm 2010 đã tàn phá ngành công nghiệp đánh bắt thủy sản vốn thu hút nhiều lao động Mỹ gốc Việt tại đây. Trước tình hình đó, Tổ chức phi chính phủ về phát triển cộng đồng MQVN hồi năm 2010 đã thành lập Hợp tác xã VEGGI, phát triển nông nghiệp đô thị và tạo cơ hội việc làm mới cho người gốc Việt.
Trồng rau sạch
Hằng năm, VEGGI với hàng trăm thành viên đã cung cấp cho thị trường địa phương hàng tấn rau củ sạch. Hợp tác xã cung cấp giống, đào tạo cho thành viên cách trồng rau hữu cơ trong sân vườn tại nhà hoặc đến làm việc tại trang trại rộng 8.000 m2, theo trang Civil Eats. “Tôi làm việc từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Tôi thích trồng trọt”, bà Tham Nguyen (78 tuổi), một thành viên VEGGI, nói trong lúc cùng chồng thu hoạch cải bẹ xanh.
Mục tiêu của VEGGI là giúp cộng đồng gốc Việt có được thu nhập hơn hoặc ít nhất bằng với mức trước khi sự cố tràn dầu xảy ra hồi năm 2010, đồng thời cung cấp rau củ sạch cho chợ và các nhà hàng địa phương. Thu nhập cao nhất của một nông dân tham gia VEGGI có thể lên đến 50.000 USD/năm (hơn 1,1 tỉ đồng).
“Sau hai thảm họa, nhiều người rời khỏi đông New Orleans đến nơi khác sinh sống và chính quyền thành phố ban đầu lên kế hoạch chuyển đổi nơi này thành một khu đất để hứng nước nếu có bão trong tương lai. Tuy nhiên, người gốc Việt đã bỏ ra quá nhiều thời gian để gầy dựng cộng đồng này từ bàn tay trắng nên chúng tôi không thể từ bỏ và cùng nhau đấu tranh, xin phép chính quyền giữ lại một khu đất để phát triển nông nghiệp đô thị”, anh Khai Nguyen, điều phối viên của MQVN - chịu trách nhiệm vận hành VEGGI, cho biết.
Ngoài trồng trọt, trang trại VEGGI cũng trở thành nơi để những người gốc Việt giao lưu, quây quần bên nhau, thắt chặt tình đoàn kết và giữ gìn văn hóa truyền thống. Trang trại cũng hợp tác với các trường mẫu giáo và tiểu học địa phương để tổ chức những chuyến tham quan thực tế cho trẻ em.
Thách thức mới
Trang trại VEGGI đang phải đối mặt hai thách thức cùng lúc: tác động từ biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 làm giảm sức mua của người tiêu dùng. Anh Khai cho biết phía đông New Orleans có địa hình ở dưới mực nước biển và trong 3 năm qua, mưa lớn gây ngập lụt trở nên thường xuyên hơn do đây là vùng đất quá thấp nên không thể thoát nước. Điều này gây khó khăn lớn đối với cộng đồng gốc Việt đang làm việc tại đây.
Bên cạnh đó, việc hầu hết nông dân quản lý hợp tác xã đều là người cao tuổi, trong khi nhiều thanh niên gốc Việt rời khỏi đông New Orleans để học đại học hoặc tìm kiếm cơ hội việc làm khác gây lo ngại về sự thiếu hụt đội ngũ kế cận, theo tờ The Nation. Tuy vậy, anh Khai chia sẻ: “Nhiều người quay trở lại với nghề đánh bắt hoặc tìm công việc khác nhưng chúng tôi rất may mắn vì có các thành viên yêu thích trồng trọt vẫn còn ở lại. Miễn là có thành viên bám trụ với hợp tác xã, chúng tôi sẽ tiếp tục sản xuất. Tôi vẫn hy vọng rằng những sáng kiến vì cộng đồng như thế này sẽ giúp thu hút thêm nhiều thành viên trẻ”.
Các chuyên gia đánh giá Hợp tác xã VEGGI ở đông New Orleans là mô hình phát triển cộng đồng dựa trên nông nghiệp đô thị bền vững, theo Đài DW. Trong một nghiên cứu xã hội học, tiến sĩ Eric Tang thuộc Đại học Texas (Mỹ) cho biết bão Katrina năm 2005 và sự cố tràn dầu năm 2010 là phép thử đối với sự kiên cường của một cộng đồng. “VEGGI rõ ràng là mô hình hợp tác xã thể hiện sự đoàn kết vượt qua mọi thách thức sau thảm họa”, ông Tang nói.
Theo thanhnien