Minh Đức, người Việt đang sinh sống ở Osaka, từng nhiễm nCoV hồi tháng 4, thời điểm dịch tăng mạnh ở thành phố này. Anh hồi phục sức khỏe sau 10 ngày nghỉ ngơi.
Thời điểm này, chiến dịch tiêm chủng của Nhật khởi đầu một cách chậm chạp. Bảy tuần trước khi Olympic Tokyo diễn ra, mới chỉ 3,5% dân số Nhật Bản được tiêm chủng đầy đủ trong khi dịch diễn biến phức tạp, làm dấy lên làn sóng phản đối Thế vận hội trong dư luận nước này.
Đến cuối tháng 7, đầu tháng 8, Nhật Bản đối mặt với đợt bùng phát nghiêm trọng do biến chủng Delta. Số ca nhiễm mới tăng lên mức đỉnh điểm gần 26.000 ca hôm 20/8, thúc đẩy người Nhật vượt qua tâm lý ngần ngại vaccine, trong khi chính phủ cũng thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng.
"Trước đó, đăng ký tiêm chủng khó khăn do nguồn cung vaccine còn hạn chế. Nhưng từ đầu tháng 9, hầu hết cơ sở y tế trong nước đều có thể tiêm vaccine, nên tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh", anh Đức, người tiêm vaccine Pfizer hai tháng trước, nói với VnExpress.
Để đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng, chính quyền Nhật Bản sẽ gửi giấy đăng ký và phiếu tiêm miễn phí về nơi sinh sống của người dân, theo Đức Luân, người Việt sống ở Tokyo.
"Thủ tục đăng ký tiêm rất dễ dàng", anh nói. "Tiêm chủng cũng giúp cộng đồng người Việt sinh sống bên này yên tâm hơn, đặc biệt khi thường phải di chuyển trên các chuyến tàu đông người".
Hoàng Thắng, sống ở thành phố Tokyo, cho hay thủ tục đăng ký tiêm chủng của người Việt ở Nhật Bản cũng giống như người địa phương, "không có phân biệt hay bất tiện gì". Anh cho biết bản thân đã hoàn thành liệu trình tiêm chủng hồi tháng 8. "Tiêm vaccine giúp tôi yên tâm sống chung với dịch", anh nói.
Vài tuần gần đây, Nhật Bản chỉ ghi nhận chưa tới 200 ca nhiễm mới mỗi ngày. Ngày 7/11, lần đầu tiên trong vòng 15 tháng, Nhật Bản không ghi nhận ca tử vong mới.
Nhật Bản từ lâu theo đuổi chiến lược sống chung với Covid-19. Quốc gia Đông Á chỉ áp dụng phong tỏa từng phần cùng một số biện pháp hạn chế không bắt buộc, chủ yếu dựa trên tinh thần hợp tác của người dân, vốn có thói quen đeo khẩu trang và giữ khoảng cách xã hội.
Hoàng Thắng cho rằng thói quen đeo khẩu trang phổ biến của người dân, cùng tỷ lệ tiêm chủng cao trên 76% và đồng đều ở tất cả các tỉnh thành đã giúp số ca nhiễm nCoV ở Nhật Bản giảm mạnh, giúp cuộc sống của người dân tiếp diễn như bình thường.
"Cuộc sống ở đây hầu như không có gì thay đổi. Những hoạt động trong nước vẫn diễn ra bình thường", Hồng Vân, người Việt ở thành phố Osaka, cho hay. "Khi có người nhiễm cùng công ty hay lớp học của con, chúng tôi chỉ phải nghỉ 1-2 ngày để khử khuẩn".
Với tỷ lệ tiêm chủng cao, chính phủ Nhật Bản đã dỡ bỏ những biện pháp hạn chế cuối cùng ở thủ đô Tokyo và nhiều khu vực khác từ tháng trước. Các công ty cũng cho phép nhân viên quay lại hình thức làm việc trực tiếp.
"Vào thời điểm dịch căng thẳng, tôi cũng có thời gian phải làm việc tại nhà hoàn toàn và từ bỏ thói quen gặp gỡ bạn bè cuối tuần, hay ăn nhậu cùng đồng nghiệp, khách hàng. Gần đây, tôi đã quay lại công ty làm việc và được gặp gỡ mọi người. Điều này khiến tinh thần thoải mái hơn rất nhiều", anh Thắng nói.
Tuy nhiên, trước những diễn biến khó lường của Covid-19, chính phủ Nhật Bản cũng chuẩn bị trước kịch bản dịch có thể bùng phát trở lại như nhiều nước châu Âu hiện nay. Chính quyền đã tăng giường điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ở tất cả các tỉnh thành và chuẩn bị tiêm vaccine tăng cường từ đầu tháng 12, theo anh Thắng.
Chính phủ Nhật vẫn khuyến nghị người dân thực hiện các biện pháp an toàn như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và không tụ tập đông người. "Dù đã tiêm vaccine, tôi vẫn duy trì thói quen đeo khẩu trang và một số biện pháp an toàn để bảo vệ sức khỏe bản thân", anh Thắng nói.
Theo vnexpress