Ảnh: Trần Long/Vietnam+

Đoàn cũng đi khảo sát thực tế đời sống của bà con gốc Việt tại các bè cá trên sông thuộc phường Phsar Chhnang và số bà con đã di dời lên bờ thuộc huyện Boribour, tỉnh Kampong Chhnang, đồng thời trao quà tặng hơn 700 hộ dân.

Ảnh: Trần Long/Vietnam+

Liên quan đến việc di dời người dân tại Biển Hồ, phía Campuchia khẳng định chính sách di dời được áp dụng cho tất cả các hộ dân sinh sống trên Biển Hồ với mục tiêu bảo vệ môi trường và giúp bà con có cuộc sống tốt đẹp hơn, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục.

Phía bạn cho biết, so với thời gian trước khi di dời (giai đoạn 2016-2017), môi trường sống của bà con đã được phần nào cải thiện đáng kể, tỉnh Kampong Chhnang đã quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ công thiết yếu, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, mong phía Việt Nam có hỗ trợ nhất định. Tỉnh trưởng Chuc Chan Đươn cho biết khoảng 80-85% người đang làm nghề nuôi trồng thủy sản tại tỉnh là người gốc Việt và mong phía Việt Nam hỗ trợ phát triển ngành nuôi trồng thủy sản cho bà con ngư dân.

Ảnh: Trần Long/Vietnam+

Đoàn cũng đã có các cuộc làm việc với Hội Khmer – Việt Nam tại Campuchia, chi Hội tại tỉnh Kampong Chhnang và đi khảo sát thực tế đời sống của bà con gốc Việt tại các bè cá trên sông thuộc phường Phsar Chhnang và số bà con đã di dời lên bờ thuộc huyện Baribour, tỉnh Kampong Chhnang và trao quà tặng cho hơn 700 hộ dân.

Bà con bày tỏ xúc động, cảm ơn sự quan tâm thường xuyên của Đảng và Nhà nước và mong muốn tiếp tục nhận được hỗ trợ để vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay.

Theo báo cáo của Tỉnh Hội Khmer-Việt Nam ở Kampong Chhnang, toàn tỉnh có 6 chi hội chia thành 11 phân hội. Ban chấp hành tỉnh hội vẫn duy trì họp định kỳ hàng tháng và họp sinh hoạt bà con cộng đồng để giúp tìm hiểu về chính sách- luật pháp sở tại và vận động bà con cho con em đến trường học phổ thông Campuchia và học chữ Việt Nam tại địa bàn của mình.

Hội đã nỗ lực vận động bà con khắc phục và cải thiện đời sống sinh hoạt, công ăn việc làm theo tình hình thực tế, cũng như thay đổi sinh hoạt đời sống từ mặt nước lên đất liền trong bối cảnh nghề đánh bắt cá bị thất thu do nguồn cá ở khu vực Biển Hồ ngày càng suy giảm, tình hình chăm sóc sức khỏe-y tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do môi trường bị ô nhiễm.

Hội duy trì quan hệ tốt với chính quyền địa phương để làm giấy xác nhận khai sinh cho các em đủ tuổi đến trường đăng ký vào học chữ Khmer theo chương trình phổ thông Campuchia. Tính toàn tỉnh có khoảng 200 em đang học chữ Khmer. Toàn tỉnh có khoảng 2.050 hộ sống trên sông, trong số này có khoảng 1.500 hộ làm nghề đánh bắt cá, khoảng 550 hộ làm nghề mua bán, chăn nuôi cá. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có khoảng 300 hộ làm ăn sinh sống trên đất liền.

Từ ngày 17/9/2018, chính quyền tỉnh Kompong Chhnang đã triển khai việc di dời người dân sống trên sông buộc phải lên đất liền theo kế hoạch 5 năm (2015-2019). Từ khi di dời, bắt đầu từ tháng 10/2018 đến nay, chính quyền tỉnh sở tại đã hỗ trợ khám bệnh, điều trị miễn phí cho bà con. Điểm tái định cơ tạm thời của cộng đồng người gốc Việt nằm cách bờ sông khoảng 3-4km. Hiện tại, tổng số hộ đã di dời lên đất liền (khu vực trong trong tình trạng mùa mưa sẽ bị ngập) là khoảng 1.068 hộ, số hộ còn sống trên bè cá là 641 hộ, trong khi một số hộ đã về Việt Nam sinh sống.

Ảnh: Trần Long/Vietnam+

Trao đổi với phóng viên TTXVN thường trú tại Campuchia, ông Lê Văn Thọ, 71 tuổi ở Chnoc Trou, huyện Boribour tâm sự: “Gia đình tôi đã sinh sống tại đây qua ba bốn đời rồi, nghề chính vẫn là đánh bắt cá nhưng cuộc sống chỉ đủ đắp đổi qua ngày dù 6 người trong gia đình cũng cố gắng lắm. Con cháu thì không được học hành tử tế vì phải lo đi làm lo cho cuộc sống hằng ngày. Cuộc sống hiện tại so với lúc còn sống trên mặt nước thì khó khăn hơn. Sắp tới, khi chính quyền di chuyển ra khu định cư mới thì coi như tre, bọng, phuy nổi, nhà cửa chắc chắn sẽ hư hại nữa. Bây giờ, gia đình cũng chỉ có duy nhất nghề đánh cá, cũng chẳng biết chuyển qua nghề gì để làm”.

Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường cảm ơn tỉnh Kampong Chhnang đã cố gắng trợ giúp bà con gốc Việt trong khi triển khai di dời người dân, đồng thời đề nghị Tỉnh tiếp tục quan tâm hỗ trợ bà con khắc phục khó khăn và sớm ổn định cuộc sống mới.

Ảnh: Trần Long/Vietnam+

Ảnh: Trần Long/Vietnam+

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Quốc Cường đã trao tặng quà cho hộ gia đình người gốc Việt. Ảnh: Trần Long/Vietnam+

Kampong Chhnang (Campuchia) là tỉnh mà cộng đồng người gốc Việt tại đây đang gặp phải nhiều khó khăn. Cuộc sống lênh đênh trên Biển Hồ không đảm bảo tương lai cho trẻ em.

Ngày 15/8/2017, Chính phủ Campuchia đã ban hành Nghị định 129 về việc thu hồi và hủy bỏ giấy tờ hành chính Campuchia bất bình thường do người nước ngoài nắm giữ, sử dụng; và làm thủ tục cấp, đổi Giấy chứng nhận ngoại kiều, Thẻ thường trú ngoại kiều và những loại giấy tờ hành chính phù hợp với quy định của luật pháp Campuchia hiện hành cho bà con gốc Việt./.

Theo thoidai