Lo lắng bao trùm
Trong bối cảnh cả thế giới đang nỗ lực kiểm soát virus corona, bên cạnh Hàn Quốc, Nhật Bản có thể trở thành quốc gia Châu Á thứ hai có nguy cơ bị loại virus này tấn công trên diện rộng. Là một công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại thành phố Suzaka, tỉnh Nagano, phấn khởi bao nhiêu khi nghe thông tin dịch bệnh virus corona COVID-19 ở Việt Nam được kiểm soát tốt, tôi càng không tránh khỏi hoang mang trước những diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh ở Nhật. Mỗi ngày tôi đều đọc báo để cập nhật tin tức mới về dịch, và đôi lúc tôi tự hỏi, phải làm sao để phòng bệnh khi một vật dụng thiết yếu như chiếc khẩu trang cũng khó có thể mua được.
Tại siêu thị Tsuruya nơi tôi làm việc, sau những ngày đầu dịch bùng phát, một lượng khẩu trang lớn đã được tiêu thụ sạch. Cả tuần nay, hầu như trên kệ đều trống trơn. Khách liên tục hỏi, nhưng ngay những người quản lý tại siêu thị cũng chỉ biết xin lỗi và không thể đưa ra câu trả lời chính xác về thời điểm.
Các kệ hàng trong siêu thị gần như hết sạch khẩu trang. Ảnh: P.T.
Sau khi hàng trăm người được rời khỏi du thuyền Diamond Princess, trong đó có 23 hành khách chưa được xét nghiệm virus corona cẩn thận, lo lắng dường như còn đẩy lên gấp đôi, đặc biệt là với những người dân sinh sống ở vùng lân cận cảng Yokohama (tỉnh Kanagawa), nơi du thuyền neo đậu trong thời gian cách ly. Một người bạn của tôi đang học tập tại Kanagawa lo ngại, dù những người được rời tàu đã được xét nghiệm âm tính với virus, nhưng vì ở lâu trên tàu nên có thể khả năng nhiễm bệnh vẫn rất cao, khó mà kiểm soát hành trình di chuyển của họ, trong khi tại những thành phố đông đúc phương tiện đi lại chủ yếu là tàu điện lại rất đông người, nguy cơ lây nhiễm càng khó tránh.
Bình tĩnh đối phó
Tâm trạng lo lắng dâng cao, nhưng cuộc sống vẫn diễn ra hầu như bình thường. Mọi người vẫn chủ động phòng tránh dịch, và từ lâu có thói quen giữ gìn vệ sinh, nên không thấy sự sợ hãi hoảng hốt như ở nhà. Điều đó làm tôi vững tâm hơn, tôi và gia đình chưa từng nghĩ đến việc sẽ về Việt Nam sơ tán, bởi hiện tại tình hình chưa quá nghiêm trọng.
Các trường học, cơ quan ở Nhật vẫn làm việc bình thường suốt thời gian qua. Mãi đến hôm nay 25.2, chúng tôi mới nghe tin Chính phủ Nhật sẽ quyết vào tối nay việc có cho mọi người làm việc online từ nhà hay không.
Cũng đến hôm nay, trường mẫu giáo của con trai tôi mới gửi thông báo đầu tiên liên quan đến dịch Covid-19, trong đó chủ yếu là cảnh báo các biện pháp phòng ngừa, và thông báo hủy một buổi tham quan lớp học vào tuần tới.
Vốn ngày nào trường cũng gửi email thông báo số lượng trẻ nghỉ ốm, nghỉ vì lý do gì, và nhắc nhở các bé giữ vệ sinh, khuyến cáo các bé thường xuyên rửa tay cả ở nhà và ở trường cũng như khi ra ngoài, đến cả đợt dịch này thông báo đó vẫn thường xuyên, nên tôi cũng như các phụ huynh khác đều khá an tâm.
Tại siêu thị Tsuruya nơi tôi làm việc, từ khi dịch bùng phát, tần suất thực hiện việc giữ gìn vệ sinh cũng gia tăng. Cứ một tiếng đồng hồ, chúng tôi lại thay phiên nhau đi rửa tay và xịt cồn, đồng thời súc miệng để đảm bảo vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt tối đa.
Học sinh Nhật đeo khẩu trang chuẩn bị vào trường để thi đại học ngày 25.2. Ảnh: Japan Times.
Sau những lo lắng ngày đầu khi dịch bùng phát, giờ đây cuộc sống của chúng tôi ở Suzaka vẫn bình yên và không có xáo trộn. Các cơ quan, trường học vẫn hoạt động bình thường và chưa có tình trạng tích trữ thực phẩm vì lo ngại dịch cũng như không có chuyện giá cả leo thang. Chính những điều ấy khiến tôi và gia đình không tính đến việc sơ tán khỏi Nhật Bản. Bạn bè tôi ở những vùng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm như Kanagawa, Chiba, Saitama vẫn thường xuyên chia sẻ với nhau nỗi lo về loại virus corona chủng mới, nhưng tất cả đều tự nhủ không được sợ hãi và chủ động phòng tránh dịch mọi lúc mọi nơi. Có thể sau thông báo tối nay của chính phủ, cuộc sống sẽ có những biến động, nhưng tôi tin sẽ không có sự hoảng loạn vì con virus corona.
Lạc quan nhưng không chủ quan
Bộ trưởng Y tế Nhật Bản đã kêu gọi dân chúng tránh tham gia các sinh hoạt đông người, sinh nhật Nhật Hoàng, marathon việt dã Tokyo… một loạt sự kiện văn hóa, thể thao đã bị hủy bỏ. Song về cơ bản người dân vẫn duy trì cuộc sống thường nhật, đồng thời thường xuyên theo dõi và tuân thủ các khuyến cáo của Chính phủ.
Các địa điểm du lịch dường như cũng không vì dịch mà trở nên vắng vẻ. Cuối tuần qua, cả gia đình tôi cùng bạn bè đến một vườn dâu tại địa phương vì đang mùa thu hoạch. Khác với tưởng tượng ban đầu, chúng tôi khá bất ngờ trước cảnh tượng khách nườm nượp ra vào xếp hàng mua vé tham quan. Tất nhiên không thể thiếu bóng dáng những chiếc khẩu trang và những bình xịt cồn được đặt khắp nơi để khách thường xuyên tẩy trùng.
Mặc dù đã có những nỗ lực để ngăn chặn dịch bệnh, Chính phủ Nhật vẫn đối mặt với những lo ngại ngày càng lớn từ người dân, rằng các biện pháp chống dịch hiện nay chưa đủ mạnh để ngăn dịch COVID-19 lây lan trước thềm Thế vận hội mùa hè Olympic 2020 tại Tokyo vào giữa năm nay. Trong cộng đồng người Việt tại Nhật, một số người cũng quan ngại về khả năng kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ hoặc cho rằng Chính phủ dường như còn khá bình tĩnh với dịch bệnh lần này.
Nhưng tôi cho rằng có lẽ hơi quá lời khi nói rằng Nhật Bản lơ là với dịch COVID-19. Những biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay hay dùng cồn sát khuẩn không phải đến dịch bệnh lần này mới ráo riết thực hiện mà vốn dĩ là việc làm hàng ngày ở hầu khắp các cơ quan, trường học, nhà máy hay các địa điểm công cộng. Bên cạnh đó, vào tầm tháng 10 hàng năm, đa số người dân Nhật Bản đều tiêm phòng bệnh cúm mùa, vốn có những biểu hiện khá tương đồng với virus corona chủng mới, nên nói một cách chủ quan, việc tiêm phòng cúm mùa có thể giúp ngăn ngừa phần nào nguy cơ lây nhiễm virus chủng mới.
Thêm nữa, Nhật Bản luôn phải đối mặt với rất nhiều thiên tai, song họ luôn chủ động, đoàn kết, trong việc đối phó cũng như giải quyết hậu quả, cố gắng tối đa không làm gián đoạn các hoạt động chung. Phải chăng vì luôn có tâm lý vững vàng ấy mà với dịch bệnh lần này họ cũng ứng xử không ngoại lệ!
Theo Dân Việt