leftcenterrightdel
 Đại sứ Phạm Việt Anh nhận hoa chúc mừng từ đồng nghiệp và bạn đọc tại buổi giao lưu, ra mắt sách ngày 24/11. (Ảnh: Lê An)
Mới đây, Học viện Ngoại giao cùng Nhà xuất bản Trẻ đã phối hợp tổ chức buổi giao lưu và ra mắt sách Vương quốc Hà Lan-Những từ khoá làm nên sự thành công và độc đáo của nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan Phạm Việt Anh.

Cuốn sách nhỏ giống như bức tranh nhiều mảnh ghép, phản ảnh con người và cuộc sống muôn màu, muôn mặt của đất nước hoa tulip.

Đây là kết quả của những quan sát, trải nghiệm thực tế được xâu chuỗi lại giúp bạn đọc cảm nhận rõ hơn cách tư duy, ý chí và những nỗ lực không ngừng nghỉ của những con người biết “chung lưng đấu cật”, “tát nước ra sông tìm đất sống” và đưa Hà Lan trở thành quốc gia thịnh vượng.

Những điều thú vị ở “vùng đất thấp”

Với tâm nguyện phải tìm được nhiều nhất có thể những cái hay của bạn để mang về Việt Nam, qua mỗi trang sách của Đại sứ Phạm Việt Anh, đất nước Hà Lan hiện lên thật mới mẻ cùng nhiều câu chuyện từ thực tế cuộc sống.

Đại sứ chia sẻ: “Chúa đã tạo ra thế giới, còn người Hà Lan tạo ra đất nước Hà Lan. Câu nói này không rõ của ai, có từ bao giờ nhưng hay được nhắc đến, ẩn chứa những điều kỳ diệu tạo nên một đất nước, một dân tộc, một nền văn hoá”.

Theo Đại sứ, toàn bộ những nỗ lực, kiến thức, kinh nghiệm của người Hà Lan được đúc kết qua nhiều thế kỷ, truyền qua nhiều thế hệ, phục vụ một mục tiêu duy nhất là thích nghi, tồn tại trước thiên nhiên hà khắc, những biến cố lịch sử để vươn xa, vươn cao bằng con đường riêng của mình.

“Vùng đất thấp khó nhọc” này sinh ra những bác học vĩ đại, những phát minh khoa học (kính hiển vi, kính viễn vọng, sơn dầu), những danh họa tài ba như Rembrandt van Rijn hay Vincent van Gogh. Dân tộc này sản sinh ra những thế hệ doanh nhân chinh phục thị trường thế giới từ thế kỷ XVI, khởi đầu thị trường chứng khoán, công ty cổ phần.

Người Hà Lan tạo ra những bước ngoặt trong công nghệ số với những phát minh vĩ đại về băng từ, CD, VCD, wifi, chip bán dẫn siêu việt. Người dân vùng đất thấp đã làm cho nhiều thứ ở nước khác thì bình thường nhưng thăng hoa tại Hà Lan như hoa tulip, cối xay gió, pho mai và guốc gỗ.

Không đi theo chương mục như những cuốn sách thông thường, các mục sách của Đại sứ Phạm Việt Anh được xếp theo thứ tự 20 chữ cái tiếng Anh - ngụ ý về những từ khóa làm nên sự thành công của Hà Lan, như: Adaptation (Thích ứng), Balance (Cân bằng), Circular Economy (Kinh tế tuần hoàn)…

Ông giải thích: “Các vấn đề được xếp theo thứ tự ABC, mỗi mục là một vấn đề, khái niệm hay thực tế cuộc sống được góp nhặt từ nhiều nguồn tài liệu, quan sát thực tế và qua trao đổi với người bản địa.

Vì vậy, các mục nhỏ trong cuốn sách này không độc lập, mà liên quan với nhau, để minh họa cho những nét đặc sắc của “đất nước hoa tulip”. Những con số có thể không phải là mới nhất, nhưng góp phần minh họa cho những câu chuyện xuyên suốt thành công của Hà Lan”.

Theo Đại sứ, từ một vùng đất thấp sình lầy không được các vương triều, đế chế để mắt tới, được đặt tên bằng đặc điểm “đất thấp”, cộng đồng nơi đây đã biết chung tay tìm ra cách đưa Hà Lan trở thành một quốc gia thịnh vượng như ngày nay.

Người Hà Lan luôn biết cách hợp lực để tạo ra những giá trị lớn hơn và tạo ra sự khác biệt; khi tin tưởng đã đi đúng đường, khi được đánh giá đúng thì họ quyết tâm làm đến cùng và rất chú ý đem lại giá trị gia tăng trong công việc.

Một trong những điều làm nên sự thành công của Hà Lan là sáng tạo không ngừng nghỉ. Cạnh tranh cũng bằng sức sáng tạo để đưa các sản phẩm của mình cùng phát triển chứ không triệt tiêu lẫn nhau, cùng đạt đến sự phong phú, đa dạng và bền vững.

Tác giả nhấn mạnh câu nói ưa thích của người dân Hà Lan là “Không phải loài hoa mạnh nhất, không phải loài hoa thông minh nhất mà là loài hoa dễ thích nghi nhất với sự thay đổi để sống sót” của Charles Darwin.

Ông chia sẻ: “Cuốn sách nhỏ này không thể phản ánh hết được toàn bộ những điều đặc biệt của Hà Lan, chỉ mong đem đến cho người đọc những cảm nhận mà tôi may mắn trải nghiệm trong thời gian công tác tại Hà Lan về những điều đáng quý của người dân nơi này”.

Món quà ý nghĩa cho tình hữu nghị hai nước

Đại sứ Phạm Việt Anh công tác nhiệm kỳ tại Hà Lan trong giai đoạn từ 2020-2023. Những điều ông ghi lại trong cuốn sách rất thiết thực và có nhiều thông tin hữu ích cho những ai có dự định du học, định cư, hợp tác làm ăn... tại Hà Lan, bởi nó rất khác biệt với cẩm nang hướng dẫn du lịch chung chung.

Ngoài việc giới thiệu tầm vóc quốc gia này, tác giả đề cập đến mối quan hệ với Việt Nam, thông qua một số chương trình phát triển kỹ thuật, xã hội. Ông coi cuốn sách là món quà nhỏ góp mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023).

leftcenterrightdel
 Bìa sách của Đại sứ Phạm Việt Anh. (Nguồn: NXB Trẻ)

Nói về cuốn sách, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Cees van Baar, bày tỏ: “Làm thế nào để hiểu rõ hơn về đất nước của chính bạn? Hãy để một người nước ngoài kể cho bạn câu chuyện về những cuộc gặp gỡ, về những gì người đó đọc được trên báo chí, về những trải nghiệm và đặc biệt là những điều làm người đó ngạc nhiên ở đất nước của bạn”.

Theo Đại sứ Cees van Baar, cuốn sách chính là lời giới thiệu về Hà Lan - đất nước có mối quan hệ hơn 400 năm với Việt Nam một cách sinh động nhất.

Cả hai quốc gia đều phải đối mặt với những thách thức cũng như được hưởng lợi từ nguồn nước, đều trở thành nền kinh tế đang phát triển nhờ nông sản dồi dào. Nước và nông nghiệp gắn kết chúng ta, giờ đây cùng song hành trong nền kinh tế chuyển đổi xanh và bền vững.

Thị trưởng thành phố La Haye Jan van Zanen cho biết: “Bạn khó có thể tìm thấy những điều này trong hướng dẫn du lịch phổ biến, vốn tập trung vào các địa điểm thu hút khách du lịch và thông tin cần thiết cho du khách. Nhưng để thật sự hiểu một đất nước và con người ở đó là một vấn đề hoàn toàn khác.

Ông Jan van Zanen cho rằng, tác giả có cái nhìn cởi mở và chân thật đối với đất nước và con người Hà Lan. Đặc biệt, ra đời vào 2023, cuốn sách còn ý nghĩa góp phần vun đắp tình hữu nghị và phát triển mối quan hệ hai nước trong tương lai.

 “Với tôi, Hà Lan luôn thôi thúc khám phá, không phải vì sự bí hiểm hay những góc khuất thú vị. Ngược lại, tất cả đã bày ra trước mắt, càng quan sát kỹ, càng tìm hiểu sâu thì càng khám phá ra những điều thú vị, không chỉ để thoả mãn nhu cầu biết, mà còn đem lại sự gợi mở và khát vọng học tập. Càng tìm hiểu kỹ, liên kết các sự việc càng thấy rõ sự sâu sắc, toàn diện, trí thông minh, sắc sảo, tính thực tế trong cách nghĩ, cách làm của người Hà Lan thật đáng khâm phục và cần học tập”, Đại sứ Phạm Việt Anh.

Theo baoquocte