Trong lễ hội đón Tết Nguyên đán ở St Albans, thành phố ngoại ô cách Melbourne khoảng 17 km về phía tây bắc hôm qua, Trung Truong, một doanh nhân địa phương, tham gia biểu diễn hàng loạt bản nhạc từ jazz tới Latin, nhạc truyền thống Việt Nam tới nhạc pop phương Tây.
Đại dịch Covid-19 chưa kết thúc và năm mới âm lịch đã qua gần hai tuần, nhưng với Truong và hàng chục nghìn người tham dự, lễ hội Tết muộn mang tới hương vị cần thiết về một cuộc sống bình thường.
Mọi năm, con phố Alfrieda ở St Albans thường bị cấm đường để cộng đồng người Việt tổ chức lễ hội Tết Nguyên đán kéo dài 12 tiếng. Năm ngoái, sự kiện buộc phải tổ chức trực tuyến do hạn chế ngăn Covid-19.
Khi quy định về hạn chế tụ tập đông người được Australia dỡ bỏ gần đây, Truong, 54 tuổi, tham gia ủy ban tình nguyện nỗ lực hết mình để lễ hội có thể diễn ra trực tiếp, dù họ chỉ có khoảng 6 tuần để chuẩn bị. Người quen gặp nhau trong lễ hội luôn miệng "Chúc mừng năm mới".
Sự kiện tổ chức nhiều hoạt động như múa lân, múa rồng, ca nhạc truyền thống Việt Nam, bắn pháo hoa và lễ hội hóa trang. Các nhà hàng và quán cà phê trong khu vực trở nên tấp nập khác thường.
Du Huynh, chủ nhà hàng Fresh Chilli Deli, cho hay đã bán được gần 1.000 bánh mỳ Việt, nhiều hơn 50% so với ngày thường.
Nga Nguyen, 34 tuổi, cùng một người bạn và 6 trẻ em, trong đó có cặp song sinh của cô là bé Giselle và Zoe, 2 tuổi, lái xe 50 km từ Springvale tới tham gia sự kiện ở St Albans, vì các lễ hội Tết Nguyên đán khác đã bị hủy. Nguyen muốn các con, những đứa trẻ lớn lên trong nền văn hóa phương Tây, biết về văn hóa truyền thống Việt Nam.
Ông Truong cho hay lễ hội là cách tốt để nhắc nhở bản thân và thế hệ trẻ về nền văn hóa quê hương. Nó gắn kết cộng đồng, giúp các doanh nghiệp phục hồi sau hai năm đại dịch khắc nghiệt.
Doanh nghiệp du lịch của Truong chủ yếu bán tour đi Việt Nam và đã gặp rất nhiều khó khăn trong đại dịch. Doanh thu từ mảng kinh doanh bất động sản và sửa chữa điện thoại, phụ kiện của ông cũng giảm 50%.
Gia đình Truong từ Việt Nam sang St Albans năm 1994. Truong cho hay Australia là mảnh đất giúp ông học hành, lập nghiệp và xây dựng gia đình, cho con cái tương lai tươi sáng.
Gemma Loyer, đồng quản lý lễ hội, cho biết mới vài tháng trước, ban tổ chức không biết được sự kiện có được phép diễn ra hay không. Dù muộn hơn dự kiến, lễ hội Tết cuối cùng vẫn diễn ra, "là minh chứng cho tình cảm của mọi người với cộng đồng này", Loyer nói.
Theo vnexpress