leftcenterrightdel
 Gia đình chị Toán được ông Bình ra ga Katowice đón về nhà - NGUYỄN QUỐC BÌNH

Với họ, đó là hành trình giữ lấy tính mạng đầy ám ảnh nhưng cũng chan chứa tình thương của đồng bào.

Bỏ lại hết sản nghiệp

20 giờ ngày 4.3 (theo giờ Việt Nam), chị Trần Bích Ngọc (ở TP.Kharkiv, Ukraine) cho biết gia đình chị đang trên đường sang cửa khẩu Ba Lan, cách nơi chị sống 1.200 km. Hôm 3.3, vợ chồng chị và con gái quyết định đi ô tô cá nhân di tản sang Ba Lan, hiện tại gia đình chị vẫn ổn.

“Vì tàu mấy ngày nay đông quá, mà đông thì đàn ông sẽ phải ở lại nên nhà tôi đi xe cá nhân. Đến giờ gia đình tôi vẫn đang đi, không có trở ngại gì. Ra ngoại ô và di chuyển sang thành phố khác sẽ có trạm xăng nên tôi không quá lo. Đi dọc đường, gia đình tôi ăn tạm qua bữa vì đồ ăn mang theo lạnh cũng không ăn được”, chị Ngọc kể với PV Thanh Niên.

Con gái chị còn nhỏ, chưa hiểu xung đột ra sao, trên đường đi em băn khoăn hỏi: “Mình chuyển nhà mới hả mẹ, bao giờ thì mình quay lại đây?”. Chị Ngọc cố động viên, trả lời con rằng gia đình đi và chờ ngày hòa bình sẽ lại về, về với mọi người và bạn học của con.

“Mọi người xung quanh đi trước, nhà tôi cũng cố ở lại xem tình hình như thế nào nên giờ mới di tản. Chẳng ai muốn xung đột xảy ra, bây giờ dân di tản hết, chỉ còn các cụ già ở lại, tội lắm. Tôi cũng mong là cuộc sống sớm trở lại bình thường”, chị Ngọc bày tỏ.

Ngày 5.3, sau hơn 3 ngày ở trong khu nhà dành cho người tị nạn ở TP.Bremen (Đức), chị Mai Thu Hiền (35 tuổi, ở thủ đô Kyiv, Ukraine) mới có thể bình tâm nhớ lại hành trình vừa trải qua. Chưa bao giờ chị nghĩ rằng mình sẽ rời mảnh đất Ukraine, bỏ lại cửa hàng thực phẩm và căn nhà mà cả đời gầy dựng để cùng chồng và các con sang một mảnh đất xa lạ trốn chiến sự.

Sau khi đi xe đến Ba Lan, gia đình chị Hiền được các tình nguyện viên gồm người Đức và người Việt hỗ trợ đến Bremen vì nơi này có người em họ của chị sinh sống. “Mọi thứ vừa qua như một cơn ác mộng. Nhưng cả nhà bình an đã là tốt lắm rồi, cảm ơn tất cả mọi người. Ở đây chúng tôi được đối đãi tử tế không thiếu thứ gì”, chị tâm sự với PV Thanh Niên và dự định sẽ tìm một công việc nào đó để làm, chờ ngày trở lại Ukraine “làm lại từ đầu”.

leftcenterrightdel
 Khu vực dành cho người tị nạn mà chị Thu Hiền và gia đình ở tạm tại Ba Lan trước khi được chở sang TP.Bremen (Đức) - MAI THU HIỀN

“Ơn nghĩa này làm sao trả hết”

Đi hơn 1.400 km từ TP.Odessa (Ukraine) sang Ba Lan, ngày 3.3 chị Thái Thị Toán (27 tuổi) cùng chồng và con trai 5 tháng tuổi được gia đình ông Nguyễn Quốc Bình (49 tuổi) đón về nhà ở TP.Katowice để ở tạm. Gia đình chị được sắp xếp ở trong một khu nhà công nhân do ông Bình thuê từ nhiều tháng nay, tương đối rộng rãi và đầy đủ các điều kiện sinh hoạt cần thiết.

Chị Toán kể ngày 1.3 lo lắng tình hình chiến sự nguy hiểm, bom đạn lúc nào cũng ầm ầm bên tai, chị quyết định cùng gia đình đi tàu đến Ba Lan vì nghe mọi người nói rằng đến đây sẽ được an toàn, có đồng bào giúp đỡ. “Tôi đi qua 3 chuyến tàu, chen chúc, chờ đợi, mệt mỏi. Hành trình thoát thân đó có lẽ cả cuộc đời về sau tôi không bao giờ quên được. Bước tới biên giới Ba Lan, tôi thở phào như trút được gánh nặng. Hai vợ chồng nhìn nhau, nhìn con trai, vừa cười vừa trào nước mắt, nghĩ: “Vậy là thoát rồi!”, chị rưng rưng nhớ lại.

Trên chuyến tàu, chị thấy trên mạng xã hội có thông báo của ông Bình rằng ông có thể hỗ trợ chỗ ở cho người đi từ Ukraine sang, chị mừng rỡ nhắn tin. Lập tức, chị nhận được sự đồng ý của đầu dây bên kia. Sau khi qua Ba Lan, gia đình chị đi tàu đến ga Katowice lúc 4 giờ 30 ngày 3.3 và được ông Bình ra đón. Mọi người nhìn nhau tay bắt mặt mừng như gặp lại người quen, ông Bình dẫn gia đình chị Toán và một người phụ nữ khác quê Hải Phòng cũng vừa qua được biên giới, về nhà.

“Anh lo cho tôi chỗ ở, đồ ăn thức uống, thuốc men, còn cho tôi tiền nữa. Qua được biên giới mình mừng 1; đến được đây, được lo không thiếu thứ gì mình mừng 10. Ơn nghĩa này nặng quá, làm sao trả hết đây”, chị Toán bày tỏ.

Ngày 5.4, chị chào tạm biệt ông Bình, đến thủ đô Warszawa để ở nhà của người quen. Thời gian tới, hai vợ chồng chị Toán dự định tìm một công việc ở Ba Lan để mưu sinh. Đường cùng, chị sẽ tìm cách về Việt Nam thông qua những chuyến bay đưa người về nước.

Về phần mình, ông Bình tâm sự với PV Thanh Niên: “Đồng bào máu thịt với nhau như anh em một nhà, hoạn nạn sao mình làm ngơ được. Giúp được bao nhiêu thì giúp. Ban đầu tôi còn nói cho họ ở đến khi nào họ không còn muốn ở nữa thì thôi”.

Những người Việt ở lại “tâm bão”

Trao đổi với PV Thanh Niên sáng 5.3, ông Phan Đinh Thảo (62 tuổi) cho biết gia đình ông là một trong số chừng 10 hộ người Việt còn bám trụ lại Kharkiv. 34 năm gắn bó với Kharkiv, ông đã xem mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình. Những ngày qua, gia đình 4 người (gồm ông, người vợ Ukraine, 2 cô con gái) lần lượt chứng kiến người thân, hàng xóm sơ tán khỏi Kharkiv. Dù muốn đi để vợ và con an toàn nhưng bản thân ông Thảo phần bị thương tật, sức khỏe không cho phép nên cố bám trụ lại.

Ông cho biết xung quanh gần như mất điện, gas, nước. Ai nấy đều trú dưới hầm đến khi bên ngoài không nghe pháo kích nữa thì tranh thủ chạy lên lo thức ăn, nước uống. “Tôi cũng hơi sợ nhưng mà mình vẫn phải lạc quan, nhờ lạc quan vậy đó mới sống được tới giờ này. Hình như lại có tiếng pháo kích nữa, tôi phải xuống đây, ở dưới sóng yếu nên không nói lâu được”, ông ngắt máy và tiếp tục quay lại hầm trú ẩn.

Theo thanhnien