leftcenterrightdel
Các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài trên địa bàn TPHCM nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TPHCM 

Sáng 7/9, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ kiều bào hồi hương, thân nhân kiều bào nhằm trao đổi về những mối quan tâm của kiều bào trong quá trình trở về đóng góp xây dựng và phát triển đất nước.

Tại hội nghị, bà Mimi Vũ - kiều bào Mỹ đã về sống và làm việc tại Việt Nam từ năm 2006. Hiện tại, bà đang làm việc trong lĩnh vực tư vấn xã hội, môi trường. Sau khi hết hạn thị thực cho nhà đầu tư, bà gặp rất nhiều khó khăn trong việc xin cấp thị thực mới.

Bà Mimi Vũ kiến nghị các cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ kiều bào trong việc thực hiện các thủ tục cấp giấy phép lao động và tạm trú cho kiều bào trẻ có 10 năm sống và làm việc tại Việt Nam. "Tôi hy vọng những kiều bào chứng minh được rằng họ đã sống và làm việc tại Việt Nam 10 năm và đang tiếp tục đầu tư vào các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ được ưu tiên cấp giấy phép lao động và thẻ tạm trú. Điều đó sẽ thu hút được các thế hệ/doanh nhân trẻ như chúng tôi và các nhà đầu tư mang dòng máu Việt có mong muốn mang tài chính về cho đất nước" - bà Mini Vũ bày tỏ.

Ông Lê Ngọc Lâm, kiều bào tại Nhật Bản cho biết, hiện nay, số lượng kiều bào ở các quốc gia, vùng lãnh thổ trở về quê hương sinh sống rất lớn. Đây là nguồn lực vô cùng hữu ích để kết nối các doanh nghiệp Việt Nam với thế giới. Do đó, cơ quan chức năng nên tăng cường sự liên kết với những kiều bào này để tạo cầu nối đưa sản phẩm của Việt Nam đến với thế giới nhiều hơn.

“Kiều bào trở hồi hương có gia đình, con cháu, công ty ở các nước. Nếu kết nối được với họ thì sẽ là con đường ngắn nhất để đưa sản phẩm trong nước đến với thế giới”, ông Lâm nói.

Hơn 400 kiều bào xin đăng ký thường trú và hồi hương tại TP.HCM

Ông Võ Thành Chất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của kiều bào. Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM sẽ tiếp tục cố gắng, phối hợp cùng các sở ngành liên quan có các giải pháp hỗ trợ kiều bào trong việc xử lý các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Võ Thành Chất cho biết, hiện nay, ước tính có hơn 2 triệu kiều bào, chiếm khoảng 40% đồng bào ta ở nước ngoài có xuất thân hoặc có liên hệ với TP.HCM. Đặc biệt, trong những năm qua, TP.HCM đã thu hút hàng trăm lượt chuyên gia, trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nhiều quốc gia trên thế giới về đầu tư kinh doanh, hợp tác nghiên cứu, làm việc dài hạn tại thành phố. Hiện nay, tại TP.HCM có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư với số vốn hơn 45 nghìn tỷ đồng, thu hút hơn 400 trí thức kiều bào về làm việc dài hạn, gần 200 tri thức tham gia hợp tác nghiên cứu. 

Từ năm 2018 đến tháng 8/2022, có hơn 400 đồng bào ta ở nước ngoài xin đăng ký thường trú, xin được hồi hương, trong đó đã có 350 trường hợp làm thủ tục đăng ký thường trú.

"Thành phố đã rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng chuyên gia, tri thức kiều bào tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ; có chính sách tiền lương, phụ cấp tương xứng khi ký kết hợp đồng lao động với các cơ quan nghiên cứu khoa học; hướng dẫn quy trình, thủ tục tuyển chọn, bố trí, bổ nhiệm chức danh, sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi để chuyên gia, trí thức kiều bào làm việc, đóng góp vào sự phát triển chung của Thành phố" - Ông Võ Thành Chất cho biết.

Nhân dịp này, Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã trao Bằng khen của UBND Thành phố cho các kiều bào có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM thời gian qua.

Hải Yến