Phiên dịch quan ngoại giao
Hoàng Quần sinh năm 1932 tại Quảng Đông - Trung Quốc. Năm 1938, khi lên 6 tuổi, ông theo mẹ đến Việt Nam sinh sống, học tập. Khi đó, gia đình ông ở thành phố Thái Nguyên. Tại đây, ông được tiếp nhận và theo học tại trường Hoa Kiều tại Hà Nội và Thái Nguyên.
|
Năm 6 tuổi Hoàng Quần (bên phải) tại Thái Nguyên, Việt Nam. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
|
Khi cuộc chiến tranh chống Pháp kéo dài, gia đình Hoàng Quần chuyển đến sống ở một vùng núi chiến khu phía Bắc Việt Nam.
Đầu năm 1947, Hoàng Quần tham gia Trung đoàn tự vệ chiến khu Việt Bắc và chính thức trở thành một chiến sĩ ở tuổi 15. Sau đó, ông được điều về Ban Hoa kiều, thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam để học nghiệp vụ vô tuyến thu và phát điện tín, rồi làm công tác liên lạc điện tín. Đồng thời, ông cũng đảm nhận công việc thu nhận điện tín của Tân Hoa Xã (Trung Quốc) để cung cấp thông tin chiến sự cho lãnh đạo tham khảo. Từ đó, ông đã trực tiếp tham gia vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
|
Hoàng Quần tuổi thanh niên và hình ảnh hoạt động tại Khu Đài căn cứ Trung ương ở miền núi phía Bắc Việt Nam (Ảnh: Nhân vật cung cấp). |
Năm 1950, Việt Nam – Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, do thông thạo tiếng Việt và hiểu sâu sắc văn hóa hai nước, Hoàng Quần được lựa chọn chính thức trở thành một “phiên dịch quan” ngoại giao. Ông đã tham gia phiên dịch trong Đoàn Cố vấn do Trung Quốc cử sang Việt Nam từ năm 1953 và trở thành người nối nhịp cầu cho tình hữu nghị Cách mạng giữa nhân dân hai nước. Năm 1956, Thủ tướng Chu Ân Lai lần đầu tiên dẫn đầu phái đoàn Đảng và Chính phủ Trung Quốc sang thăm Việt Nam, Hoàng Quần cũng đã hoàn thành xuất sắc vai trò của mình trong thực hiện nhiệm vụ phiên dịch được giao.
Mỗi lần nhớ lại, ông chia sẻ khoảnh khắc và tâm trạng lần đầu tiên phiên dịch cho Đoàn: “Khi nhận được thông báo, mình sẽ làm phiên dịch cho đoàn, tôi đã căng thẳng và hồi hộp đến nỗi mất ngủ. Mặc dù trước đó tôi cũng đã thường xuyên dịch cho các Lãnh đạo cấp cao của Việt Nam rồi, nhưng đây lại là lần đầu tiên, tôi phiên dịch cho Lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc".
Một kỷ niệm mà đến giờ mỗi khi nhắc lại, ông đều rưng rưng xúc động khi dịch bài diễn văn của Thủ tướng Chu Ân Lai trong tiệc chiêu đãi do Thủ tướng Phạm Văn Đồng đón tiếp, “…Do quá hồi hộp nên tôi đã cảm thấy choáng váng, chóng mặt và không thể đứng vững được nữa. Nhân viên Lễ tân ở bên cạnh lập tức đỡ tôi ngồi xuống ghế, sau khi dưỡng thần một chút mới tỉnh táo trở lại. Người ta gọi đây là chứng "sợ hãi sân khấu" - điều mà một số phiên dịch viên ngoại giao cấp cao thường mắc phải khi dịch lần đầu tiên cho sự kiện lớn. Đây cũng là kỷ niệm khó quên trên suốt chặng đường trong sự nghiệp dịch thuật của tôi”. Những “cú sốc” để đời đã thôi thúc cho ông tích cực rèn luyện về tâm lý và trau dồi kiến thức để trở thành một phiên dịch giỏi sau này.
Trong những lần phiên dịch cho các lãnh đạo cấp cao hai nước, Hoàng Quần có nhiều cơ hội được tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chu Ân Lai… Hơn ai hết, ông cảm nhận được sâu sắc những nhân cách vĩ đại, và cũng được chứng kiến nhiều chi tiết trong những mốc son lịch sử quan trọng của Việt Nam và Trung Quốc.
Việt Nam luôn trong trái tim tôi
Năm 1958, trở về Trung Quốc, Hoàng Quần liên tiếp được bổ nhiệm giữ các chức vụ quan trọng như Cục trưởng Cục hai Ban Liên lạc Quốc tế - Ủy ban Trung ương Đảng (Trung Quốc), Giám đốc Sở ngoại vụ tỉnh Quảng Đông và Giám đốc Ủy ban Đối ngoại Đại hội Đại biểu Nhân dân tỉnh Quảng Đông. Quá trình công tác, ông đã cống hiến và đóng góp rất lớn cho công tác ngoại giao hữu nghị của Trung Quốc với Việt Nam, Lào, Campuchia và các quốc gia khác. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, Hoàng Quần không chỉ là nhân chứng cho sự gây dựng mối quan hệ Việt - Trung, mà còn là người cán bộ ngoại giao tích cực hoạt động đối ngoại, góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
|
Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị cho ông Hoàng Quần. |
Nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954-2014), Hoàng Quần là một trong những thành viên Đoàn Cựu chiến binh Trung Quốc đã từng giúp đỡ Việt Nam và vinh dự được mời đến thăm lại Việt Nam.
|
Với Hoàng Quần thì Việt Nam luôn trong trái tim ông. |
Sau khi về hưu, Hoàng Quần trở thành Chủ tịch Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, là một thành viên phái đoàn Trung Quốc của Diễn đàn Nhân dân Việt - Trung. Ngoài ra, ông còn trực tiếp tham gia biên tập và xuất bản Sách "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc", "Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quảng Đông và Hồng Kông" cùng nhiều sách khác…
Năm 2019, Hoàng Quần vinh dự được Nhà nước Việt Nam trao tặng “Huân chương Hữu nghị” ghi nhận những đóng góp tích cực của ông trong việc củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Năm 2021, ông đã biên dịch sang tiếng Trung và xuất bản thành công cuốn "Quyền sư" của tác giả Trần Việt Trung, viết về câu chuyện cảm động có thật, kể về một võ sư Vịnh Xuân quyền Trung Quốc tại Việt Nam.
|
Hoàng Quần là một thành viên phái đoàn Trung Quốc của Diễn đàn Nhân dân Việt - Trung. |
Nay, tuy đã ngoài 90, nhưng ông vẫn bận rộn hàng ngày, với vai trò Cố vấn Hội hữu nghị đối ngoại nhân dân tỉnh Quảng Đông và Tổng cố vấn, tham mưu cho Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc. Bằng tình yêu và tấm lòng với Việt Nam, ông luôn mong rằng, các thế hệ trẻ sau này của Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Trung Quốc sẽ luôn tích cực đóng góp, cống hiến, hỗ trợ hết mình cho sự phát triển của hội nói riêng và cho doanh nghiệp hai nước nói chung, trở thành 1 trong những nhân tố “ngoại giao nhân dân” góp phần cùng nối dài và tô màu tươi thắm hơn cho những nhịp cầu hữu nghị Việt – Trung.
Theo thoidai