Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia giúp đỡ bà con gốc Việt tại Campuchia. (Nguồn: Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia)
Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia giúp đỡ bà con gốc Việt tại Campuchia. (Nguồn: Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia)

Từ năm 2018, Bộ Nội vụ Campuchia đã chính thức đưa Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia (tiền thân là Hội Liên hiệp Khmer-Việt Nam tại Campuchia) vào danh sách các hội được phép thành lập và hoạt động hợp pháp tại Campuchia.

Sau khi được nhận quyết định, Hội đã trao con dấu hoạt động cho 25 chi hội Khmer-Việt Nam tại tất cả các tỉnh, thành Campuchia. Việc làm này đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho Hội trong các hoạt động phục vụ cộng đồng, giúp đỡ bà con người Việt ổn định cuộc sống và hòa nhập tốt hơn trong xã hội Campuchia.

Với tư cách pháp nhân mới được chính quyền Campuchia công nhận lại, Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia đã có nhiều hoạt động tích cực, hữu ích cho cộng đồng cũng như xã hội sở tại, góp phần xứng đáng vào việc tăng cường tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước.

Hội hiện là tổ chức quần chúng đại diện cho người Khmer gốc Việt Nam và bà con Việt Nam sang sinh sống và làm ăn hợp pháp tại Campuchia.

Mái nhà ấm tình thân

Thời gian qua, Ban chấp hành hội và các chi hội trực thuộc đã nỗ lực khắc phục khó khăn để thực hiện các mục tiêu đề ra trong hoạt động giúp đỡ cộng đồng người gốc Việt cải thiện đời sống, vươn lên trong làm ăn, học tập, góp phần xây dựng xã hội sở tại.

Đặc biệt, trong giai đoạn xảy ra dịch Covid-19, Hội đã phối hợp các chi hội liên hệ với chính quyền sở tại, tổ chức cho hầu hết bà con gốc Việt Nam được tiêm vaccine phòng dịch; nỗ lực cùng Đại sứ quán và các địa phương, cơ quan, đơn vị trong nước kịp thời vận chuyển, phân phát vật tư phòng dịch và hàng cứu trợ đến các hộ gặp khó khăn vùng dịch.

Bên cạnh đó, Hội đã tích cực phối hợp với cơ quan chức năng của Campuchia và các bộ, ngành của Việt Nam hỗ trợ cấp thẻ cư trú thường trực; thực hiện các bước theo quy định để người đủ điều kiện được nhập quốc tịch Campuchia. Hội còn vận động doanh nghiệp xây dựng trường học, nhà đa năng, nhà ở, học bổng cho sinh viên.

Có thể cảm nhận hết nghĩa tình của những người gốc Việt khi ở địa phương, các chi hội cũng tích cực cùng Hội có những hành động thiết thực vì bà con.

Điển hình như Hội Khmer-Việt Nam chi nhánh thủ đô Phnom Penh đã phát quà hỗ trợ cho các hộ gia đình bị hỏa hoạn tại phường Chrang Chamres 1, quận Russey Keo. Hội đã đi thăm và động viên bà con trên bè nổi bị di dời, cùng tìm hiểu và nắm tình hình thực tế để bàn bạc tìm phương hướng giúp bà con giảm bớt khó khăn và từng bước ổn định cuộc sống.

Mới đây, Hội Khmer-Việt Nam chi nhánh tỉnh Prey Veng tiếp nhận từ Công an ngoại kiều tỉnh Prey Veng hai trường hợp là mẹ và con gái quê ở Cao Lãnh (Đồng Tháp), bị lừa sang Campuchia làm việc. Các thành viên trong Hội đã đưa hai mẹ con đến cửa khẩu Vịnh Bà làm thủ tục bàn giao về lại Việt Nam, giúp họ trở về nước đoàn tụ gia đình.

Hiện tại, khoảng 500 hộ bà con người Khmer và người Khmer gốc Việt tại ấp Chhnok Tru, xã Chhnok Tru, huyện Boribo, tỉnh Kompong Chhnang đang bị ngập lụt do ảnh hưởng của mưa bão. Nước ngập lên cao làm cho nhà cửa, cây trồng, vật nuôi, đồ dùng vật dụng của bà con bị thiệt hại nặng nề, cả vùng nước ngập mênh mông, không thể đi lại, cuộc sống của bà con rất khó khăn.

Trước tình trạng này, Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia kịp thời có thư kêu gọi các doanh nghiệp, mạnh thường quân và các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ bà con. Đây là nguồn động lực to lớn không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần giúp bà con ổn định cuộc sống.

Gìn giữ văn hóa truyền thống

Dù còn gặp nhiều khó khăn trong đời sống, nhưng bà con gốc Việt tại Campuchia vẫn luôn cố gắng vươn lên hòa nhập với xã hội sở tại, đồng thời giữ gìn các giá trị truyền thống của dân tộc, trong đó có tiếng Việt. Với sự trợ giúp từ nhiều nguồn lực, việc học tập của con em người gốc Việt tại đây đang có bước chuyển biến mạnh mẽ.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Hội, hiện có khoảng 30 điểm trường, lớp dạy học bằng hai ngôn ngữ là tiếng Khmer và tiếng Việt tại thủ đô Phnom Penh và 14 tỉnh khác với gần 1.400 học sinh theo học. Con em cộng đồng người gốc Việt đến các điểm trường, lớp này được học miễn phí theo chương trình của Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia, đồng thời học tiếng Việt theo sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Từ nhiều năm qua, việc xây trường, tổ chức lớp học cho con em người gốc Việt được các đoàn thể, địa phương trong nước quan tâm giúp đỡ. Nhận thức được tầm quan trọng của việc học hành, nhiều gia đình gốc Việt quyết tâm thu xếp công việc để đưa con đến trường, lớp học bằng hai ngôn ngữ Khmer và Việt Nam.

Ban chấp hành Hội thường xuyên đến các gia đình động viên đưa con em đến các trường, lớp học tiếng Khmer và tiếng Việt, hướng dẫn các cháu nhỏ hướng về nguồn gốc dân tộc Việt Nam.

Được biết, từ năm 2006 đến nay, Hội đã xin được hơn 200 suất học bổng trong nước cho các cháu. Hiện tại, hơn 150 em đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam và quay trở về Campuchia sinh sống và làm việc. Đây là nguồn nhân lực để cùng nhân dân Campuchia xây dựng đất nước, góp phần nâng vị thế của người Việt Nam tại Campuchia.

Cô trò tại lớp học tiếng Việt tại Campuchia. (Nguồn: Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia)
Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia Châu Văn Chi (hàng trên, bên phải) vui Tết Trung thu 2022 cùng các em học sinh gốc Việt tại tỉnh Siem Reap. (Nguồn: Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia)

Những người lãnh đạo tận tâm

Để có được những hoạt động tích cực trong thời gian qua cần phải nhắc đến người lãnh đạo tận tâm là ông Châu Văn Chi - Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam tại Campuchia, người đã có gần 40 năm gắn bó với công tác hỗ trợ bà con gốc Việt trên địa bàn.

Là ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ năm 1999, mỗi lần về nước dự hội nghị hay tiếp đón các vị lãnh đạo nhân dịp sang thăm nước bạn, ông Châu Văn Chi đều nhận được lời động viên cố gắng hoạt động để giúp đỡ bà con kiều bào có đời sống ngày một tốt hơn.

Với những nỗ lực hoạt động vì cộng đồng, ông Châu Văn Chi được Bộ Ngoại giao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các cơ quan đoàn thể tặng nhiều bằng khen và kỷ niệm chương. Những phần thưởng đó được ông trân trọng lưu giữ, tâm niệm là động lực để tiếp tục đồng hành cùng bà con.

Khi được bầu làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2021-2026, ông Châu Văn Chi nhận thức sâu sắc đây là một vinh dự hết sức lớn lao và cũng là một trách nhiệm hết sức nặng nề. Thế nhưng, vì lợi ích chung của cộng đồng, ông tin các thành viên trong Hội sẽ luôn đoàn kết, tương thân tương ái, giữ gìn và phát huy bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, luôn hướng về Tổ quốc, cũng như tôn trọng phong tục, tập quán của dân tộc Campuchia.

Ông khẳng định, trong thời gian tới sẽ xây dựng tổ chức Hội sâu rộng, chặt chẽ; quan tâm sâu sát tới bà con cộng đồng người Việt ở Campuchia. Đặc biệt, Hội sẽ thắt chặt mối quan hệ với chính quyền Campuchia và Đại sứ quán Việt Nam, các Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Campuchia, phấn đấu trở thành chỗ dựa thực sự vững chắc của cộng đồng bà con người Việt ở đây.

Ở thành phố Sihanoukville, tỉnh Preah Sihanouk, cộng đồng người Việt cũng luôn nhớ đến tấm lòng nhân hậu của ông Trần Văn Năm - Chủ tịch Hội Khmer-Việt Nam tại đây. Không chỉ là chủ của một cơ sở sản xuất đồ gỗ có tiếng, nhiều năm qua, ông luôn hưởng ứng tích cực cả về vật chất và tinh thần trong tất cả các hoạt động từ thiện do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam phát động.

Luôn hướng về cội nguồn, ông Trần Văn Năm còn dành nhiều thời gian và tâm huyết cho việc duy trì văn hoá Việt Nam. Bởi vậy, Hội Khmer-Việt Nam tỉnh Preah Sihanouk đã tổ chức được một lớp học văn hóa Việt Nam cho con em người gốc Việt, một lớp dạy văn hóa Khmer cho con em những người không đủ điều kiện học trường công tại Campuchia.

Theo baoquocte