Cô bé Jenna trên kênh Chương trình How to do stuff good. (Ảnh: NVCC)
Thưa nhà văn Tâm Phan, cơ duyên nào đưa bé Jenna - con gái chị đến chương trình riêng mang tên How to do stuff good trên kênh truyền hình ABC Me của Australia?
Chương trình How to do stuff good được quay những số đầu tiên từ năm 2018 khi Jenna mới 9 tuổi. Khi ấy con mới cùng gia đình chuyển nhà về Australia được hơn một năm và tham gia lớp diễn xuất gần nhà. Giáo viên dạy diễn xuất rất ấn tượng với Jenna và kể lại với giám đốc một hãng quản lý tài năng trẻ ở Australia. Bà giám đốc đã đích thân tới lớp để xem Jenna diễn tập và sau đó đã liên hệ với tôi.
Khi nhận được điện thoại của bà giám đốc hãng quản lý tài năng trẻ, tôi cũng khá bất ngờ. Bà đã đề nghị được làm “bà bầu” quản lý cho Jenna. Tôi có hỏi ý kiến Jenna và bạn ấy đồng ý ngay. Ngay hôm sau “bà bầu” đã gửi hai chương trình tuyển vai: một là phim quảng cáo chương trình bóng chày cho trẻ em Australia, tuyển vai chính hát rap, hai là dẫn chương trình truyền hình How to do stuff good cho Đài truyền hình Quốc gia Australia kênh lứa tuổi teen. Thật bất ngờ là Jenna đã vượt qua hàng trăm ứng viên và trúng tuyển cả hai chương trình. Đó là cột mốc đáng nhớ đánh dấu bước chân đầu tiên của Jenna vào showbiz Australia.
Đâu là những công việc hậu trường để bé có thể xuất hiện trên chương trình?
Các nhà đạo diễn truyền hình Australia luôn tôn trọng trẻ và để trẻ là chính mình một cách tự nhiên nhất. Vậy nên Jenna cũng không có gì phải chuẩn bị khi tới trường quay. Không trang điểm, không mặc trang phục gì đặc biệt. Bạn ấy xuất hiện với tư cách là Jenna, ở nhà như nào bạn ấy xuất hiện trên truyền hình cũng như vậy, mặc quần jean áo phông giản dị vậy thôi.
Không có kịch bản hay lời thoại. Đạo diễn đưa chủ đề để bạn ấy biết quay chương trình gì trước, chương trình gì sau. Các công thức làm slime hay làm thủ công Jenna đã viết gửi chương trình từ trước. Đến trường quay là các nguyên vật liệu đã được chuẩn bị sẵn sàng. Công việc dẫn chương trình truyền hình, hướng dẫn các khán giả làm thủ công khá tự nhiên, Jenna không phải diễn mà được là chính mình.
Năm ngoái, chị đã xuất bản cuốn sách mang tên Chuyện về Jenna. Mục đích của chị khi viết cuốn sách này?
Chuyện về Jenna là tập hợp những câu chuyện về Jenna từ 4 tuổi tới 9 tuổi. Mỗi câu chuyện là một kinh nghiệm nuôi dạy con mình đúc kết lại. Tuy nhiên, đằng sau mỗi câu chuyện đều có một thông điệp riêng cho những người trưởng thành. Nuôi dạy một cô bé chính là nuôi dạy một người phụ nữ trưởng thành, độc lập và tự tin trong tương lai. Từ những mối quan hệ của cô bé với bạn bè ở trường tiểu học, người đọc có thể suy rộng ra mối quan hệ với đồng nghiệp, với đối tác trong công việc. Mối quan hệ của cô bé với bạn gái, bạn trai ta cũng có thể suy rộng ra việc đối nhân xử thế với bạn thân, người yêu, chồng, bạn đời sau này.
Có thể nói, mỗi câu chuyện là một vấn đề tâm lý con cần phải tự suy xét và ra quyết định. Cha mẹ không chỉ cho con phải làm thế nào mà chỉ đưa ra nhiều khía cạnh của vấn đề. Con tự nhìn nhận và suy nghĩ thấu đáo. Việc này cũng là trang bị cho con những kỹ năng xã hội để khi trưởng thành con sẽ độc lập và tự tin với chính mình.
Mang một nửa dòng máu Việt, lớn lên tại Thụy Sỹ và thành công tại xứ sở kangaroo, chị có bí quyết gì trong việc nuôi dạy con trong môi trường đa văn hóa như vậy?
Tôi không có bí quyết gì cả (cười). Nếu có thì cũng phơi bày hết trong cuốn sách Chuyện về Jenna. Tôi đơn giản chỉ kể lại những câu chuyện và tình huống có thật Jenna gặp phải ở trường lớp hay trong công viên giao tiếp với người lạ. Dù sống trong môi trường nào tôi cũng khích lệ con làm những gì con đam mê và mong muốn. Dĩ nhiên khi con còn nhỏ mới 4-5 tuổi rất khó nhận biết con đam mê cái gì vì trẻ con thay đổi sở thích mỗi ngày.
Nhà văn Tâm Phan và con gái Jenna.
Tuy nhiên, tôi tạo mọi điều kiện môi trường sống mang lại cho con. Nếu như ở Geneva, người Thụy Sỹ nói tiếng Pháp thì Jenna sinh ra lớn lên cũng đi nhà trẻ, học trường công, nói tiếng Pháp như người bản xứ. Ngoài ra, tôi cho bé đi học các môn ngoại khóa như múa ba lê, học kịch nghệ bằng tiếng Pháp từ khi Jenna 4 tuổi. Sau một thời gian ngắn, Jenna không muốn học múa ba lê vì bạn ấy không thích. Vậy nên tôi cũng không ép con mà để con tự nhiên. Hỏi con có muốn tiếp tục học kịch nghệ không, bạn ấy gật đầu và nói rất thích, tuần nào cũng chỉ mong đến giờ học.
Khi Jenna 6 tuổi, tôi gửi con cho một trường nghệ thuật của Anh ở Thụy Sỹ. Con rất say mê với môn nghệ thuật “ca nhạc kịch” ở đây và nó trở thành môn ngoại khóa ưa thích sau giờ học. Khi đó, gia đình tôi có điều kiện cho Jenna học trường Quốc tế Geneva là ngôi trường danh tiếng và lâu đời nhất thế giới. Jenna học song ngữ Anh - Pháp và được phát triển toàn diện về thể thao, hội họa và thủ công bên cạnh những môn học chính.
Nhờ những nền tảng sẵn có nên khi 8 tuổi, Jenna cùng gia đình chuyển sang Australia, bạn ấy hòa nhập rất nhanh chóng với môi trường mới. Ngoài việc học ở trường, Jenna tiếp tục theo đuổi hai môn nghệ thuật là hội họa và kịch nghệ. Tôi nghĩ đứa trẻ nào cũng có một tài năng hay thiên hướng nào đó. Cha mẹ chỉ cần tạo điều kiện cho con được phát triển tài năng và không ép buộc làm những gì con không thích hoặc không muốn.
Jenna là một cô bé có tư duy độc lập từ bé. Chị có thể chia sẻ thêm một vài điều đặc biệt về con gái của mình?
Là một người mẹ, tôi không thấy con mình có gì đặc biệt bởi tôi tin đứa trẻ nào cũng có tài năng theo cách riêng của chúng. Jenna có thể giỏi về diễn xuất trước ống kính camera nhưng với môn Toán thì bạn ấy học rất kém. Đây cũng có thể là một điều đặc biệt chăng?! (cười)
Sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, có khi nào cô bé hỏi mẹ về nguồn gốc Việt Nam của mình không? Chị đã truyền dạy cho con những gì về truyền thống và văn hóa Việt Nam?
Jenna luôn ý thức và tự hào về dòng máu Việt trong mình. Từ nhỏ tôi có dạy con tiếng Việt và con nói khá tốt. Nhưng khi đi học nói tiếng Pháp, về nhà nói tiếng Anh với bố và ông bà nội, tiếng Việt bị mai một dần và đến giờ thì bạn ấy không nói tiếng Việt dù nghe và hiểu được chút ít.
Jenna đặc biệt thích các món ăn và văn hóa Việt Nam. Bạn ấy rất thích Tết vì được ăn bánh chưng rán và được nhận phong bao lì xì!
Nhà văn Tâm Phan sinh ngày 1978, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội năm 2000, từng sống và làm việc tại ở Geneva (Thụy Sỹ) trước khi chuyển về Australia. Chị là tác giả của nhiều cuốn sách được bạn đọc yêu thích, đặc biệt là những độc giả nữ ở tuổi trưởng thành như “Lần đầu làm mẹ”, “Hồi ký Tâm Phan”, “Yêu như là Sống”...
Theo baoquocte.vn