Kiều bào chung tay cùng đất nước vượt qua đại dịch Covid-19
Ngày 20/9, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tiếp nhận tiền và hiện vật với tổng trị giá gần 824 triệu đồng của cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc, Đức và Macao (Trung Quốc) ủng hộ công tác phòng, chống Covid-19 trong nước.

Luôn hướng về quê hương

Ông Đỗ Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Liên bang Nga chia sẻ, so với thế giới, Nga là nước có tỉ lệ người nhiễm và tử vong cao do Covid-19. Trong bối cảnh đó, cộng đồng người Việt tại Nga gặp nhiều khó khăn. Bà con đã động viên hỗ trợ nhau cùng vượt qua dịch bệnh, khôi phục sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là khởi động lại giải bóng đá năm 2021, tăng thêm tình đoàn kết trong cộng đồng.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cộng đồng đã triển khai dự án quyên góp “Đồng lòng Việt Nam” và chỉ trong vòng nửa tháng, kiều bào sống tại 26 tỉnh, thành phố Nga đã ủng hộ số tiền lên đến khoảng 130.000 USD.

Theo bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng gây không ít khó khăn cho cộng đồng người Việt tại Hungary.

Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary giúp đỡ các hội viên và bà con bằng nhiều hoạt động thiết thực như lập nhóm để phổ biến thông tin về các chính sách phòng chống dịch của chính quyền sở tại; tổ chức vận chuyển thực phẩm, nhu yếu phẩm đến tận các gia đình có F0 đang tự điều trị.

Hội cũng đã kêu gọi quyên góp ủng hộ cho người dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch, đến nay đã được hơn 20.000 Euro.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng khẳng định “cần có chính sách thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trong khi đó, ông Trần Bá Phúc, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại Australia cho biết, dù ở xa quê hương, cộng đồng người Việt Nam tại Australia rất quan tâm đến tình hình dịch bệnh Covid-19 ở quê nhà. Bà con có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 cũng như hỗ trợ công tác phòng chống dịch ở trong nước.

Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại Australia đang nỗ lực vận động đối với chính phủ Australia để viện trợ vaccine cho Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam mua vaccine được sản xuất tại Australia.

Trên chỉ là ba trong số nhiều câu chuyện được chia sẻ trong một hội nghị có sự tham dự của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hồi cuối tháng 8.

Không phai nhòa nguồn cội

Bên cạnh các Hội đoàn, nhiều cá nhân bà con cộng đồng cũng có những hành động thiết thực hướng về quê hương. Đó là ông David Dương, Chủ tịch Công ty California Waste Solutions (CWS) và Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam đã trao tặng 250 máy trợ thở.

Ông Trần Ngọc Phúc - nhà sáng lập kiêm Chủ tịch và Tổng giám đốc Metran, đồng thời là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nhật Bản, người phát minh máy hô hấp nhân tạo tần số cao Hummingbird, máy thở MV20 đã ủng hộ trong nước triển khai dự án hỗ trợ 2.000 máy thở MV20 đưa về Việt Nam. Luật sư Võ Đức Duy, Việt kiều ở Mỹ đã đàm phán mua 500.000 lọ vaccine Moderna tặng cho người dân thành phố Hồ Chí Minh…

Kiều bào chung tay cùng đất nước vượt qua đại dịch Covid-19. (Nguồn: Mattran.org)
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến: Sự đồng hành và tâm huyết của kiều bào trên mọi hành trình của dân tộc bắt nguồn từ tinh thần yêu nước, luôn hướng về quê hương của những người con đất Việt xa xứ. (Nguồn: Mattran.org)

Ghi nhận những tình cảm, trách nhiệm với quê hương, cùng những đóng góp về trí tuệ, công sức, vật chất để phát triển kinh tế cho đất nước, đặc biệt sự ủng hộ của kiều bào trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, sự đồng hành và tâm huyết của kiều bào trên mọi hành trình của dân tộc bắt nguồn từ tinh thần yêu nước, luôn hướng về quê hương của những người con đất Việt xa xứ, “dù đi xa vạn đỗi, không phai nhòa nguồn cội Rồng Tiên”.

“Điều đó thể hiện đậm nét văn hóa tốt đẹp, truyền thống của người Việt Nam, như "cây có cội, sông có nguồn", "bầu ơi thương lấy bí cùng". Đó là những tình cảm rất trân quý", ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu Mặt trận, chỉ tính từ ngày 31/12/2020 đến giữa tháng 8/2021, kiều bào từ 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có 362 dự án FDI đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 1,6 tỷ USD.

Báo cáo kinh tế-xã hội tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề cập: “Làm tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài và tranh thủ tối đa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp phục vụ phát triển đất nước”.

Trong 5 năm từ 2016-2020, tổng kiều hối đạt trên 88 tỷ USD; tổng số tiền kiều bào quyên góp, ủng hộ đất nước khi gặp khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh lên đến trên 100 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật, trang thiết bị, vật tư, y tế.

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc

Những con số ấn tượng nói trên chính là kết quả của quá trình tiếp tục “triển khai toàn diện và mãnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài” theo chủ trương, định hướng của Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Báo cáo Chính trị tại Đại hội khẳng định “cần có chính sách thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Báo cáo kinh tế-xã hội cũng đề cập: “Làm tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài và tranh thủ tối đa nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài tham gia đóng góp phục vụ phát triển đất nước”.

Đây là sự ghi nhận của Đảng về vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời chủ trương huy động nguồn lực của kiều bào (bao gồm các nguồn lực kinh tế như đầu tư, kiều hối, nguồn lực tri thức và nguồn lực “mềm” như đóng góp xây dựng thương hiệu quốc gia, quảng bá văn hóa Việt Nam...).

Đó cũng là sự cụ thể hóa quan điểm của Đảng về “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Thời gian qua, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước;

Thường xuyên nắm bắt, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đề xuất, kiến nghị với các cơ quan chức năng, với Đảng, Nhà nước và Quốc hội;

Tham gia xây dựng, rà soát bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về người Việt Nam ở nước ngoài, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đó nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài;

Vận động người Việt Nam ở nước ngoài tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương đất nước...

Lớp bồi dưỡng cho giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài tại Hà Nội.
Một lớp bồi dưỡng cho giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài tại Hà Nội.

Trước những khó khăn mà bà con kiều bào đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao hỗ trợ 4 tỷ đồng cho cộng đồng người Việt Nam tại 4 nước Lào, Campuchia, Thái Lan và Malaysia vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19; triển khai, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm vận động, tập hợp, đoàn kết người Việt Nam ở nước ngoài; cùng chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Theo ông Phạm Quang Hiệu - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, triển khai Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ Giáo dục-Đào tạo để chuẩn hóa hóa hệ thống sách giáo khoa; phối hợp với các Hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài nhằm cải tiến hình thức dạy học qua hình thức dạy học trực tuyến, dạy học online để đưa tiếng Việt đến với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, không bị gián đoạn trong tình hình dịch bệnh.

Đối với công tác hỗ trợ cộng đồng kiều bào nâng cao địa vị pháp lý, ông Hiệu cho biết, trong thời gian tới Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài sẽ khảo sát, tập hợp những vướng mắc của bà con kiều bào để kiến nghị sửa đổi bổ sung cho phù hợp.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan để tiếp tục thúc đẩy công tác kiều bào ngày càng thực chất, hiệu quả, đáp ứng tốt hơn nữa sự mong đợi, nhu cầu của kiều bào.