Nghệ sĩ Thanh Lê trong buổi tập chuẩn bị cho buổi diễn hòa nhạc nhạc cụ dân tộc tại Pháp
Vượt qua sự cạnh tranh gay gắt của nhiều loại hình giải trí hiện đại đối với giới trẻ Việt sinh ra và lớn lên tại các nước châu Âu, kiều bào ở đây tích cực tham gia các hội, đoàn có tổ chức văn nghệ hướng đến đời sống văn hóa cội nguồn Việt để tạo điều kiện cho giới trẻ tiếp cận văn hóa dân tộc. Mùa hè năm nay, ở các nước châu Âu như Đức, Pháp, CH Czech, Hungary, Bỉ..., nhiều chương trình biểu diễn về sân khấu cải lương, đờn ca tài tử diễn ra khá nhộn nhịp. Mỗi chương trình đều gửi đến những thông điệp tốt đẹp cho việc gìn giữ di sản văn hóa dân tộc, đồng thời nhắc nhở giới trẻ chung tay phát huy và giới thiệu đến bạn bè năm châu giá trị văn hóa - nghệ thuật của dân tộc.
Tự hào CLB Sân khấu Munich
Thành lập hơn 15 năm với nhiều dấu ấn đẹp để lại trong lòng khán giả kiều bào tại TP Munich - Đức, CLB Sân khấu Munich do soạn giả Lương Nhứt Nương - con gái của cố soạn giả Hoa Phượng nổi tiếng trong làng sân khấu Việt - tổ chức đã là điểm hẹn của những khán giả yêu thích bộ môn nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử Nam Bộ tại đây.
Điều đáng tự hào là trong nhiều hội, đoàn, CLB hoạt động biểu diễn nghệ thuật của nhiều cộng đồng như Hàn, Nhật, Trung Quốc, Việt Nam..., CLB Sân khấu Munich được Viện Goethe mời tham gia chương trình biểu diễn văn hóa mang tính quy mô, đã tạc dấu ấn mới cho hoạt động nghệ thuật truyền thống hướng đến công chúng trẻ. Soạn giả Lương Nhứt Nương cho biết: "Chúng tôi giới thiệu đến khán giả trang phục Việt Nam qua từng thời kỳ, lồng vào đó là âm nhạc cải lương, đờn ca tài tử Nam Bộ. Khán giả trẻ Việt thích thú, khán giả Đức cũng hào hứng, vì họ hiểu hơn về văn hóa, lịch sử của dân tộc Việt Nam qua lời thuyết minh. Nhiều bạn trẻ ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của trang phục Việt, trong đó có phần giới thiệu về nghệ thuật cải lương - bộ môn đã hơn 100 tuổi mà họ chưa được biết".
Khán giả ở Đức thực sự yêu thích nghệ thuật sân khấu Việt, khi không chỉ ở Munich, nhiều tỉnh - thành khác trong số 16 bang của nước Đức, nơi có đông kiều bào sinh sống, đều có những hoạt động biểu diễn của cộng đồng người Việt.
Ngay cả nghệ sĩ Hồng Mai (con gái của nghệ sĩ Hồng Nga, sinh sống tại Áo) cũng đã gắn bó với CLB Sân khấu Munich, góp phần đem lại sự phong phú, đa dạng qua những vai diễn của cô trong các buổi biểu diễn của CLB. Nghệ sĩ Hồng Mai nói: "Nhìn khán giả trẻ yêu sân khấu Việt, mình hạnh phúc lắm. Cho nên dẫu phải chạy xe hơn 300 km, từ Áo qua Đức để tham gia mỗi suất diễn, mình vẫn thấy không mệt mỏi, ngược lại cảm thấy rất hạnh phúc. Ngày nay, trước sự bùng nổ của nhiều bộ môn giải trí hiện đại, việc giữ chân giới trẻ của cộng đồng Việt đến với sân khấu dân tộc là một việc làm ý nghĩa. Ở những suất diễn, nghe bài vọng cổ vang lên, rồi tiếp theo là những tràng pháo tay của khán giả, cảm thấy như mình đang gần với quê nhà".
Vận dụng nhiều biện pháp tương tác
Khi chúng tôi đến Pháp, CH Czech, Đức, Áo, Hungary cũng là lúc cuộc thi "Tôi yêu tiếng nước tôi" vừa tổ chức thành công. Ngoài tổ chức thi hát còn có các buổi sinh hoạt chuyên đề hướng dẫn giới trẻ là người Việt sinh ra và lớn lên ở châu Âu làm quen với sân khấu và nhạc cụ dân tộc Việt. Mùa hè năm nay có đến 25 chương trình biểu diễn của nhiều hội, đoàn, CLB của cộng đồng Việt tại các quốc gia châu Âu. Những tương tác qua mạng xã hội về nội dung chương trình, những câu hỏi trải nghiệm in bằng nhiều ngôn ngữ đã giúp thanh thiếu niên Việt làm quen với sân khấu Việt. Ở đó còn có những bài giới thiệu về nhạc cụ dân tộc, tính năng độc đáo, khác lạ so với các loại đàn của những quốc gia châu Âu. Từ đó thành lập các diễn đàn, những nhóm có cùng sở thích, tạo mối liên kết để giới trẻ tìm gặp và trao đổi với nhau.
Nghệ sĩ Thanh Lê (em gái của nghệ sĩ đàn bầu Phạm Đức Thành và là chị của nghệ sĩ Thanh Huy - đàn tranh cho Đoàn Cải lương tuồng cổ Huỳnh Long) nhận xét: "Các bạn trẻ say mê đàn bầu và đàn tranh của Việt Nam. Trong đó có nhiều con em của khán giả các nước Đức, Bỉ, Hà Lan... Thông qua việc hướng dẫn các bạn trẻ học nhạc cụ, chúng tôi còn dạy tiếng Việt. Sự tương tác và đối thoại chính là lực hấp dẫn để giới trẻ tìm hiểu, nâng niu giá trị di sản".
Hội Bạn trẻ yêu thích đàn bầu Việt Nam do nghệ sĩ Thanh Lê tổ chức vì thế ngày càng có đông học viên tham dự, với giáo án giảng dạy được thiết kế hết sức khoa học, việc học đàn còn có sự tương tác qua mạng xã hội, tổ chức thi viết các bài bản mới, lời mới cho những điệu lý, câu hò trong nghệ thuật cải lương.
Ông Trần Văn Lai, Phó Chủ tịch HĐQT Trung tâm Thương mại Sa Pa (CH Czech) - nơi có 100% vốn của người Việt, cho biết: "CH Czech có 65.000 kiều bào đang sinh sống nên văn hóa - nghệ thuật của cộng đồng Việt phát triển rất mạnh. Ngày nay, để thu hút các bạn trẻ đến với sân khấu Việt, cần sự tương tác và đối thoại trong mỗi loại hình nghệ thuật. Qua đó, nêu cao tinh thần yêu nước và đoàn kết, để cùng xây dựng đời sống cộng đồng Việt tại các nước thuộc châu Âu ngày càng tốt đẹp hơn".
Số hóa để bảo tồn
Tuần qua, Viện Goethe đã mời 15 nhà hoạt động văn hóa, nhà phát triển phần mềm từ nhiều nước đến Munich để dự cuộc thi phát triển phần mềm cho văn hóa và đưa ra những ý tưởng ứng dụng tiên tiến cho việc số hóa các di sản văn hóa trên thế giới. Họ đã tìm đến những hoạt động nghệ thuật của người Việt để hình thành kế hoạch số hóa các di sản nghệ thuật của Việt Nam, trong đó có hát xoan, đờn ca tài tử, nghi thức hầu đồng, dân ca quan họ, ca trù... "Bây giờ chỉ với chiếc điện thoại, giới trẻ sẽ dễ dàng cập nhật thông tin về di sản. Nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử Nam Bộ trong nước, rất cần thiết lập việc số hóa có hệ thống một cách khoa học, để tạo sự tương tác. Có như thế mới thu hút giới trẻ giữ gìn và nâng niu di sản văn hóa mà ông cha để lại" - ông Nguyễn Nam Hòa, CLB Sân khấu Munich, bày tỏ.
Theo
Thời Đại