|
|
Anh Ngô Văn Hùng và chị Vũ Nhi Linh quản lý nhà hàng Ngô tại Praha, Séc. |
Hành trình lập nghiệp của thế hệ người Việt thứ nhất
Theo Đài Phát thanh Prague, với gần 31.500 người, cộng đồng người Việt hiện là cộng đồng thiểu số lớn thứ 3 ở Séc, sau người Slovak và người Ukraine. Mong muốn tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp cho gia đình, những người Việt Nam nhập cư vào Séc đã làm việc chăm chỉ 15 giờ/ngày, bắt đầu từ lúc sáng sớm đến tận tối mịt mới về nhà. Vũ Nhi Linh (23 tuổi), đang học báo chí tại Đại học Charles ở Praha cho biết, cô có thể cảm nhận sự nhọc nhằn của bố mẹ qua những đường nét khắc khổ trên gương mặt.
“Bố mẹ muốn mang đến cho chúng tôi nền giáo dục tốt nhất, họ đang cố gắng để chúng tôi có một tương lai tốt hơn, những cơ hội tốt hơn và cuộc sống tốt hơn so với những gì họ có”, Linh nói.
Linh sinh ra và lớn lên ở Séc. Ngoài tên Việt, cô có tên tiếng Séc là Hana. Linh kể: Bố mẹ cô đến Séc vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX. Công việc đầu tiên của bố Linh là làm việc trong trang trại nuôi bò, sau đó ông chuyển sang làm việc trong nhà máy Skoda ở Pilsen vì ở Việt Nam ông học Thạc sĩ công nghệ. Mẹ Linh sang đây muộn hơn, họ gặp và lấy nhau ở Séc. Ban đầu bà là thợ may, mấy năm sau thì chuyển sang bán hàng.
“Mẹ tôi sang Séc cùng với một nhóm khoảng 20 người. Mẹ tôi không nói nhiều về những ngày đó, nhưng tôi nghĩ mẹ rất cô đơn vì không biết ngôn ngữ và hồi đó cộng đồng người Việt không lớn như bây giờ”, Linh nói.
Cũng như Linh, bố mẹ Ngô Văn Hùng (27 tuổi) cũng sang Séc theo dạng hợp tác lao động giữa hai chính phủ vào những năm cuối thập niên 80 khi Hùng mới ba tuổi. Anh em Hùng ở Việt Nam với ông bà ngoại. Đến năm 13 tuổi, bố mẹ Hùng mới rước Hùng sang mở cửa hàng ăn uống. Đến nay, Hùng sang Séc được gần 15 năm.
Mẹ Hùng thường kể với anh rằng: Những ngày đầu sang Séc, người Việt không có lựa chọn nào khác hơn là vào nhà máy làm công nhân hoặc buôn bán dọc biên giới Đức và Áo. Khi đó, mẹ Hùng cùng những bạn đồng hành không ai biết tiếng Đức. Để bán được hàng, họ chỉ học những con số làm vốn liếng kinh doanh. Khi đi khám bệnh, họ cũng dùng ngôn ngữ cơ thể, lấy tay chỉ cho bác sĩ biết họ đau ở nơi nào. Sau đó mẹ Hùng bắt đầu học tiếng Séc, cuộc sống từ đó dễ dàng hơn và bà có thể giúp những người đồng hương của mình hiểu thêm về văn hóa Séc.
Tự hào và biết ơn nguồn cội
Với những công việc đòi hỏi khắt khe, một số cha mẹ người Việt không thể ở nhà với con cái và phải thuê bảo mẫu trông con. Nhiều đứa trẻ chỉ có thể gặp và chơi cùng bố mẹ vào cuối tuần. Vô tình các bảo mẫu lại đóng vai trò quan trọng kết nối trẻ em gốc Việt với văn hóa bản địa bằng cách dạy cho chúng về ngôn ngữ, ẩm thực và truyền thống Séc.
Linh cũng từng được bố mẹ gửi cho một bà người Séc trông coi. Song theo thời gian, cô theo mẹ đi bán hàng nhiều hơn. Linh cho biết, một số người ví von thế hệ người Việt thứ hai ở Séc giống như quả chuối: bên ngoài vỏ màu vàng nhưng trong ruột lại trắng. Linh không đồng ý hoàn toàn với cách nhìn nhận như thế: “Tôi đồng ý là tôi có màu da vàng bên ngoài, nhưng bên trong tôi không hoàn toàn giống người da trắng mà còn có một phần Việt Nam”.
|
|
Tại Praha, thủ đô Séc có rất nhiều quán ăn mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam. |
Linh tự hào về "bản sắc kép" của mình và giải thích rằng: “Tôi có cơ hội tiếp xúc hai nền văn hóa, văn hóa Séc và văn hóa Việt Nam và tôi giàu có hơn những người bạn chỉ có một nền văn hóa”.
Còn với Hùng, anh cảm thấy mình là người Việt Nam có một chút hòa trộn với văn hóa Séc. Nói về tương lai người Việt tại Séc, cả Hùng và Linh đều rất lạc quan khi ngày càng có nhiều người Việt trẻ thành công ở Séc và không quên mình là người Việt Nam.
Theo thoidai