leftcenterrightdel
 Các nữ sinh viên Việt Nam học ngành Thú y tại Trường Đại học Tổng hợp La Habana (Cuba) những năm 1967-1968 (Ảnh: FB Ký ức Cuba).
Bà Phương Song Liên (73 tuổi, Câu lạc bộ cựu du học sinh Việt Nam tại Cuba) kể: Mùa thu năm 1967, ở tuổi 17, tôi lên tàu sang Cuba học chuyên ngành Thú y - Trường Đại học Tổng hợp La Habana. Sau gần một tháng ròng rã, tôi đặt chân đến Cuba. Từ đây tôi được sống một cuộc sống sôi nổi đậm chất Latinh, vô tư và phóng khoáng, được nhân dân Cuba dang rộng vòng tay đón nhận, sẵn sàng truyền dạy kiến thức, nghề nghiệp mà Việt Nam đang cần.

Điều bà Liên trân quý nhất là tình cảm của người dân Cuba dành cho các du học sinh Việt Nam. Dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn do bị bao vây, cấm vận song người dân Cuba vẫn chắt chiu, nhường cơm sẻ áo, dành cho lưu học sinh Việt Nam những điều kiện tốt nhất để học tập, sinh hoạt. Bà nhớ sự quan tâm của bà Margos, đại diện cơ quan quản lý sinh viên nước ngoài của Cuba, của ông Gallo, của bác lái xe, của các "mami" lo từng bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa...

"Hàng ngày xe chở bánh mỳ, sữa đến giao từng nhà. Tất cả luôn là đồ tươi mới. Ở Việt Nam, chúng tôi không biết nước ngọt như thế nào nhưng ở Cuba, chúng được chở đến chỗ sinh viên Việt Nam hàng tuần.

Khi chúng tôi ăn, các “mami” cứ hỏi: Các con ăn ngon miệng không? Món ăn thế nào? Đáp lại tình cảm đó chúng tôi đều ăn hết và thường giúp các “mami” dọn rửa khay ăn và khu bếp.

Lần đầu tôi và các bạn nếm mùi vị của một thứ sữa còn chua hơn cả dấm, sữa chua! Ngày ngày các "mami" làm món này và hướng dẫn chúng tôi ăn. Ban đầu tôi không quen nhưng các "mami" cứ ép, bảo "món này tốt cho tiêu hóa". Dần dà sữa chua trở thành món yêu thích của tôi", bà Liên kể.

Năm thứ nhất, thứ hai đại học, các sinh viên Việt Nam học tập trung ở La Habana. Hàng ngày bà Liên bắt xe buýt tuyến 19, 27 từ Nuevo Vedado để đến trường. Xe thường chạy đúng giờ, nhiều hôm chậm một chút là bà phải chạy vội chạy vàng mới kịp chuyến. Sáng nào cũng vậy, khoảng 6 giờ bà Liên chạy xuống nhà ăn, uống vội cốc sữa, ăn lát bánh mỳ rồi ra bến xe là vừa. Chuyến xe thường chật ních, nhiều khi bà Liên vừa đứng trên xe vừa lơ mơ gà gật. Những lúc như thế, các bạn Cuba thường nhường chỗ hoặc có ánh mắt, cử chỉ an ủi, cảm thông.
leftcenterrightdel
Bà Phương Song Liên, đại diện Câu lạc bộ cựu du học sinh Việt Nam tại Cuba phát biểu tại buổi gặp gỡ Thủ tướng Cuba Manuel Marreo Cruz hồi cuối tháng 9/2022 (Ảnh: Thu Hà). 

Ở rạp chiếu phim của Cuba, sinh viên Việt Nam được vào xem miễn phí. Có những ngày bà Liên và các bạn xem liền ba lượt phim, nhờ vậy học thuộc từng câu từng chữ những bài hát nổi tiếng trong phim.

"Thế hệ lưu học sinh chúng tôi luôn biết ơn những con người sôi nổi, nhiệt tình nơi đảo ngọc xa xôi đã hết lòng chăm lo, đào tạo, trang bị kiến thức cho chúng tôi, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ở trong giai đoạn khó khăn, ác liệt của thập kỷ 60, 70, 80 của thế kỷ trước. Cuba là tổ quốc thứ hai của tôi, dù cách nhau nửa vòng trái đất nhưng tình cảm lúc nào cũng sâu đậm, gần gũi lạ thường", bà Liên nói.

Theo thoidai