Gần những này cuối hè của nước Úc, không khí đã không còn nóng khô mà dịu mát như xuân Việt Nam. Gió nhẹ khẽ đưa, những tà áo dài rực rỡ sắc màu bay bay theo những bước chân các chị, các mẹ. Mặc tấm áo dài, quỳ lạy dưới bàn thờ Phật, chúng tôi như thấy cả cái tết quê hương.
Chúng tôi mặc áo dài đi chùa Tây, cùng nhau cầu an cho năm mới
Nhớ ngày còn ở trong nước, sau khi cả nhà ngồi quây quần đón giao thừa xong, mẹ tôi sẽ hạ mâm cúng giao thừa gồm chè xanh đánh, đĩa xôi đậu xanh và tất nhiên cả khay bánh mứt hạt dưa nhiều màu sắc để cả nhà cùng phá cỗ... giao thừa.
Sau đó, chị em tôi được bố mẹ mừng tuổi cho những trong chiếc phong bao nhỏ xinh và đỏ thăm. Cả nhà chúc nhau những điều may mắn và tốt đẹp cho năm mới.
Trước khi đi ngủ, mẹ tôi vẫn không quên dặn dò chị em tôi mai dậy sớm đi hái lộc, và đi chùa cùng mẹ. Và mẹ luôn dặn nên đi theo hướng này, hoặc hướng kia để nghênh đón thần Phúc – Lộc – Thọ, tùy theo lưa chọn mỗi người mà mẹ đã đọc tham khảo đâu đó trong cuốn sách lịch vạn niên dành cho mỗi năm mới.
Mẹ tôi thường nói, cả năm mọi người đã làm việc vất vả, đầu tắt mặt tối rồi, tết đến xuân về là dịp mọi người được nghỉ ngơi, thăm hỏi lẫn nhau. Thường các bà các mẹ sẽ chọn đi viếng chùa chiền, lăng miếu để tỏ lòng biết ơn một năm bình an, đủ đầy. Và nhân dịp năm mới, các bà, các mẹ lại cầu nguyện cho một năm mới mưa thuận gió hòa, gia đình hạnh phúc, ấm no.
Thiêng liêng hơn, mỗi dịp năm mới, nhiều người là con, là cháu, là vợ, là chồng có khi là ông, là bà, cũng đến chùa, ngoài lễ phật cầu an thì còn là dịp để họ đến viếng thăm và thắp nén nhang, dâng đĩa trái cây, oản bánh cho người thân đã quá cố mà hồn cốt, bài vị được xin nương gửi nơi cửa phật sau khi họ qua đời.
Ngoài ra, đi lễ chùa đầu năm còn là dịp để những người con thoát ly đi làm ăn xa, những người định cư, du học hay đi lao động ở nước ngoài trở về quê hương; Họ cùng không hẹn mà gặp nhau ở sân chùa.
Tà áo dài kỳ diệu lắm, nhóm chị em chúng tôi mặc vào ai cũng duyên dáng, trẻ trung
Trước là họ đến tạ ơn trời Phật, quê cha đất tổ đã giúp họ thành công nơi đất khách quê người, sau nữa họ cầu mong ơn trên phù hộ để lại có một năm chân cứng đá mềm khi xa nhà, xa quê hương. Và bạn bè lâu ngày gặp lại nơi chùa làng lại có dịp thăm hỏi, sẻ chia chuyện nhân tình thế thái xứ người; Và để cùng động viên nhau ngày sau trở về no ấm thành đạt hơn xưa.
Thú vị hơn, đã có nhiều cặp đôi nam thanh nữ tú đã nên duyên từ những lần đi chùa lễ phật. Cùng nhau nên vợ, nên chồng, rồi họ lại tiếp tục dẫn các con, các cháu đến chùa lễ phật trong những mùa xuân sau tới.
Chuyện đi chùa lễ phật đầu năm mới, mỗi nơi, mỗi vùng quê và với mỗi nhà có thể khác nhau nhưng sâu xa của tục lệ này vẫn là một nét đẹp văn hóa truyền thống mang màu sắc Á Đông, thể hiện tinh thần hướng thiện, nhớ nguồn, sự kính trọng những giá trị tâm linh ở một một đất nước thời xa xưa là thuần nông, và việc mưa hay nắng, mất mùa, hay bội thu chỉ biết trông chờ vào trời đất...
Và ngày nay, dù cuộc sống có hiện đại ra sao, con người có vội vã, bận rộn thế nào, thì hết mùng vẫn còn tết, các bà, các mẹ, các chị vẫn hẹn nhau lên chùa lễ phật cầu một năm khỏe mạnh, bình an, thuận vợ thuận chồng, con cái hiếu thảo; Và các nam thanh nữ tú thì hẹn nhau đi chùa lễ phật để cầu tình duyên bền chặt, sắt son!
Nhóm chị em ở Perth mặc áo dài đi lễ chùa đầu năm
Vậy mới nói, đi lễ chùa Ta ở Tây ngày đầu xuân, đâu chỉ là hoạt động tâm linh để lạy phật, cầu bình an; mà hơn thế, còn là dịp để người Việt xa quê nhớ về nguồn cội, là dịp thể hiện tình yêu với quê hương, xứ sở của mình.
Mặc tấm áo dài, trong tiềm thức tôi câu hát quen thuộc một thời lại ngân lên:
“... Đẹp biết bao, quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu
Dù ở đâu, Paris, London hay những miền xa
Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố
Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó, em ơi...”
Theo phunuonline.com