Tòa nhà nơi Nguyễn Hường (26 tuổi) sống ở Bangsar South, Kuala Lumpur có 10 người mắc Covid-19, nhưng đợt phong tỏa bắt đầu từ 1/6 của Malaysia đã trở thành điều quen thuộc với cô.

“Tòa nhà không bị cách ly. Mọi người vẫn ra vào bình thường, vẫn ngồi chờ hàng loạt dưới sảnh tòa nhà để lấy hàng mua online", cô kể với Zing. "Vậy nên cả tuần tôi chỉ dám ra khỏi nhà đúng một lần để đi siêu thị rồi về ngay”.

Không chỉ riêng Hường mà nhiều người lao động Việt Nam khác ở Malaysia cũng mang tâm lý tương tự. Dù Malaysia đang là một trong những nước có tình hình dịch đáng lo ngại nhất ở Đông Nam Á, một số người Việt ở đây không quá lo lắng vì đã quen với các lệnh phong tỏa và hạn chế hơn một năm nay.

Quen với phong tỏa


Malaysia là một trong những điểm nóng Covid-19 ở Đông Nam Á những ngày gần đây. Số ca bệnh và ca tử vong vì đại dịch ở nước này đang tăng mạnh và liên tục phá kỷ lục của ngày trước đó. Theo thống kê của Bộ Y tế Malaysia, số ca mắc mới Covid-19 ở nước này luôn vượt mức 6.000 trường hợp suốt tuần qua, theo AP.

Dẫu vậy Mỹ Huyền (26 tuổi), lao động Việt Nam ở Kuala Lumpur, cũng không quá lo vì luôn làm ở nhà, luôn tuân thủ các biện pháp hạn chế, và chỉ ra đường khi đi siêu thị.

                             Số ca bệnh và tử vong vì Covid-19 ở Malaysia tăng liên tục trong những ngày gần đây. Ảnh: DPA.


Tuy nhiên, vừa nghe tin ở huyện Hóc Môn có ca nhiễm, Huyền sốt sắng gọi điện ngay về nhà căn dặn bố mẹ hạn chế đi lại và đeo khẩu trang cẩn thận.

Đến chiều 30/5, sau khi biết tin nhiều người dân TP.HCM đổ xô đến siêu thị để tích trữ đồ vì sắp giãn cách xã hội trên toàn thành phố, Huyền tiếp tục gọi về, định dặn bố mẹ đừng đi siêu thị lúc này vì đông người. Chưa kịp nói gì, mẹ đã kể chuyện vừa đi mua đồ về xong.

“Tôi chỉ biết biết cười trừ, bảo bố mẹ cẩn thận và khuyên đừng đi tích đồ như vậy nữa”, Huyền nói.

Theo AP, Malaysia quyết định nâng cảnh báo về Covid-19, theo đó nước này sẽ tiến hành phong tỏa toàn diện trong 2 tuần kể từ ngày 1/6 để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tất cả trung tâm mua sắm và các hoạt động sản xuất, dịch vụ không thiết yếu đều bị đóng cửa và tạm dừng.

Nhã Trúc, nội trợ ở Cheras Maluri, Kuala Lumpur cho biết thêm người dân bị cấm di chuyển xuyên bang hoặc qua lại giữa các quận. Trường học và các địa điểm tôn giáo bị đóng cửa tạm thời. Mỗi hộ gia đình có tối đa hai người được phép ra ngoài để mua thực phẩm và vật dụng thiết yếu.

Trong trường hợp bắt buộc phải ra ngoài để đi làm, người dân nhất thiết phải có giấy xác nhận của công ty. Họ phải mang khẩu trang mỗi khi đi ra ngoài, và sử dụng phần mềm quét mã trên điện thoại di động để truy vết khi đi đến bất kỳ địa điểm nào.


Người dân đã quen với các biện pháp hạn chế và phong tỏa, cuộc sống vẫn bình thường vì siêu thị vẫn mở. Ảnh: Asia News Network.


“Tuy nhiên, về cơ bản thì sinh hoạt không có gì thay đổi do siêu thị vẫn mở bình thường”, Trúc nói.

"Cá nhân tôi và một số người quen ở đây không gặp quá nhiều khó khăn", Trần Thu Trang, hiện sống tại Cheras, Kuala Lumpur, cũng chia sẻ tương tự. Do các cửa hàng hạn chế số khách theo quy định giãn cách, Trang thường mua đồ dùng sinh hoạt đủ cho 7-10 ngày trong một lần.

Những đồ có thể mua online như cà phê thì Trang chỉ cần canh giờ phù hợp để đặt hàng, miễn đảm bảo shipper đến trước 20h hàng ngày, theo quy định giới nghiêm của chính phủ.

Anh Lê Văn Duẩn, sống tại Kuala Lumpur từ năm 2007, đồng tình: "Khu tôi ở có siêu thị ngay dưới nhà. Lúc nào cần mua gì thì xuống. Ở đây, các tiệm thuốc hay các cửa hàng phục vụ nhu yếu phẩm vẫn diễn ra bình thường".

Anh nói thêm: “Tôi là người ở trong tâm dịch nên đã quá quen với việc phong tỏa. Từ tháng 3 năm ngoái đến giờ, Kuala Lumpur đóng cửa thường xuyên, riết tôi chán”.

“Ngọn đèn trước gió”


Tuy nhiên, anh Duẩn cho biết vì phong tỏa thường xuyên và dịch bệnh vẫn cứ diễn biến nghiêm trọng nên “sống ở Malaysia đợt này như ngọn đèn trước gió”, phần vì khó khăn kinh tế, phần vì nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Suốt từ tháng 3 năm ngoài, công việc của Duẩn không lúc nào ổn định. Trước dịch, anh làm tổ chức triển lãm và sự kiện. Đến khi Malaysia đóng cửa ba tháng, ngành triển lãm bị ngưng trệ nên anh buộc phải đóng xưởng một thời gian.

"Thời điểm đó, tôi chuyển sang làm xây dựng. Công việc bước đầu cũng khó khăn. Thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống thôi chứ chưa dư giả để đầu tư vào các lĩnh vực khác”, Duẩn kể.


Anh Lê Văn Duẩn đã ở Malaysia hơn 10 năm. Anh cho biết cảnh phong tỏa và áp đặt hạn chế diễn ra thường xuyên ở nước này sau những lần ca mắc bệnh bùng phát. Ảnh: NVCC.


Ngoài ra, Duẩn cho rằng nhịp sống vẫn diễn ra bình thường trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay cũng là điều đáng lưu tâm.

“Số ca mắc tăng lên cao quá, mà người dân thì vẫn sống, đi lại bình thường. Giờ hệ thống y tế quá tải nên người ta mới phong tỏa đấy. Tôi bây giờ chỉ còn nước cố bảo vệ bản thân thôi”, Duẩn nói.

Trang bổ sung: "Tôi nghe nói các bệnh viện ở đây đã đầy 75-80% sức chứa, nên người ta lo ngại bệnh viện quá tải. Các trường hợp bệnh nhẹ sẽ được hướng dẫn cách ly và chữa tại nhà".

Trong bối cảnh đại dịch, vaccine trở thành giải pháp duy nhất. Malaysia đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine để ngăn chặn đại dịch. Theo Trang, ai cũng có thể đăng ký đi tiêm dù có phải công dân Malaysia hay không.

"Người nước ngoài cũng được tiêm như người bản xứ, thủ tục đăng ký không khác gì. Bạn tôi đã đăng ký được và đang chờ đến ngày hẹn để tiêm phòng", Trang nói.

Hường cũng chia sẻ rằng mình đã đăng ký thành công và được hẹn đi tiêm vào ngày 17/7.

Theo Zing