|
|
Năm 2021, Nguyễn Bá Phước (Fuku Nguyễn) là người Việt Nam đầu tiên và là người nước ngoài thứ 9 nhận được huy hiệu vàng Taste of Japan do Chính phủ Nhật Bản trao tặng. |
Từ nhỏ đã là bếp trưởng của gia đình
Nguyễn Bá Phước sinh năm 1992 trong một gia đình thuần nông tại Sơn Tây (Hà Nội). Gia đình Phước có truyền thống đàn ông vào bếp. Từ ông nội, các chú bác và bố Phước đều là đầu bếp chính trong nhà.
Năm lên 6 tuổi, Phước bắt đầu được bố dạy cách nấu các món đơn giản. Mỗi khi bố mẹ, anh chị bận việc đồng áng, cậu bé Phước thường được “cắt cử” về trước nấu cơm cho cả nhà.
Mới đầu, Phước rất khó chịu vì phải nấu cơm. Nhưng từ khi phát hiện nếu nấu cơm sẽ không phải làm các việc khác, lại được mọi người khen nấu ăn ngon, cậu hăng hái “lăn” vào bếp trổ tài. Học cấp 2, Phước trở thành đầu bếp chính trong căn bếp gia đình.
Đam mê nấu ăn theo Phước lớn lên cùng năm tháng. “Em thích trở thành diễn viên nhưng bố bảo ‘làm bếp không bao giờ chết đói’, vậy là em đi học nấu ăn khi học xong cấp 3”, Phước nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp khoa nấu ăn ở trường dạy nghề, Phước đi làm và được tiếp xúc với đồ ăn Nhật Bản. “Em bị sự tinh hoa của nghệ thuật ẩm thực Nhật mê hoặc. Em rất muốn học nhưng lĩnh vực đó còn quá mới mẻ, ở Hà Nội không có ai dạy. Vậy là em quyết tâm sang Nhật học về ẩm thực truyền thống của họ để thỏa mãn đam mê khám phá của mình”, Phước kể.
Năm 2015, sau khi thuyết phục được gia đình cho đi học và chuẩn bị đủ kinh phí, Phước khăn gói lên đường du học tự túc tại xứ sở hoa anh đào.
“Em thuộc thế hệ người Việt đầu tiên sang Nhật học nấu ăn. Mọi thứ em phải tự mình khai phá. Có những lúc em bước sai đường, nhưng cuối cùng cũng tạo thành một con đường để có thể dẫn dắt thế hệ trẻ sau này nối bước”, Phước tự hào kể về 10 năm khổ luyện để trở thành đầu bếp cao cấp về ẩm thực truyền thống Nhật Bản.
|
|
Ông Tomisawa - Đại sứ văn hóa ẩm thực Nhật Bản, là người thầy có ảnh hưởng tới phong cách và tư duy ẩm thực của Phước nhiều nhất. |
Hai lần định bỏ cuộc
Để tiết kiệm thời gian và tiền bạc, Phước cố gắng học thật nhanh, tiếp thu thật chắc những kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản. 9X luôn khát khao được học nấu ăn sớm nhất có thể.
Thường những người nước ngoài khi sang đây sẽ phải mất 2 năm để học về ngôn ngữ, văn hóa rồi mới được học nghề nấu ăn. Nhưng Phước chỉ cần 1 năm đã trở thành sinh viên xuất sắc nhất khoa tiếng Nhật, đủ điều kiện được đi học nghề.
9X nhớ lại, chỉ tính riêng học phí đã ngốn của cậu 300 triệu đồng/năm - số tiền quá lớn với người xuất thân từ gia đình thuần nông như Phước. “Đúng lúc em định từ bỏ vì không đủ tiền theo học nghệ thuật ẩm thực, chuẩn bị nộp hồ sơ nhập học đại học ngành khác thì được nhận học bổng 100% của Học viện Ẩm thực Hokuta Bunka”, Phước nhớ lại.
Đây là học bổng đầu tiên học viện trao cho một học viên người nước ngoài có kiến thức, đam mê về văn hóa Nhật và muốn theo đuổi nghề đầu bếp.
Vì là người nước ngoài duy nhất theo học ẩm thực truyền thống Nhật Bản, Phước luôn được đối xử "đặc biệt". “Thầy giáo nói với em: những bạn người Nhật học thành công hay không là việc của họ. Riêng em, vượt 10.000km tới đây thì không được quên mục tiêu ban đầu là trở thành đầu bếp”, Phước nói.
Tuy nhiên, dù là học viên xuất sắc khi học ngôn ngữ và văn hóa Nhật, cậu vẫn gặp cú sốc khi bước vào kỳ học đầu tiên về chuyên ngành: “Học kỳ 1 học 16 môn, em thi trượt 5 môn. Nhà trường dọa cắt học bổng nếu kết quả học tập của em không thể cải thiện".
“Nếu em đã cố gắng rồi mà vẫn trượt thì chỉ có 2 lí do. Một là sự nỗ lực của em chưa đủ. Hai là sự cố gắng đó của em đã tới nhưng sai cách. Em nên xem xét và bắt đầu lại từ đầu”. Lời nói của cô hiệu trưởng khi Phước quá nản chí, định bỏ cuộc đã khiến cậu tỉnh ngộ.
Vượt lên mọi rào cản về ngôn ngữ chuyên ngành, Phước dần thích nghi với quá trình đào tạo khắt khe. 9X tốt nghiệp xuất sắc tại Học viện. 9X là người Việt Nam đầu tiên trở thành đầu bếp ẩm thực truyền thống Nhật Bản, có bằng đầu bếp cấp quốc gia năm 2018.
|
|
“Ba yếu tố tạo nên ẩm thực truyền thống cao cấp Nhật Bản: Trân trọng hương vị thuần túy vốn có của nguyên liệu, thực phẩm đa dạng, tươi ngon theo mùa; Chế biến ít chất béo, có sự cân bằng dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe; Trang trí tái hiện vẻ đẹp tự nhiên của nguyên liệu, sự luân chuyển của 4 mùa trong bài trí món ăn”, Phước cho biết. |
Nhờ quá trình đào tạo khắt khe của các thầy, giờ đây Phước dám tự tin khẳng định một đầu bếp thông thường người Nhật sẽ không thể hiểu sâu sắc về ẩm thực truyền thống Nhật Bản bằng mình.
10 năm khổ luyện
Càng được tiếp xúc với những đầu bếp giỏi, tầng lớp tinh hoa về ẩm thực, mục tiêu trong Phước càng lớn. 9X người Việt quyết tâm trở thành bếp trưởng trong căn bếp ẩm thực truyền thống Nhật Bản.
“Nhưng trước khi trở thành bếp trưởng, để được giao việc trong căn bếp Nhật, em phải thực sự ‘trầy da tróc vẩy’ mới đạt được”, Phước nói.
Hàng ngày, Phước cần mẫn làm việc từ 6h sáng tới 11h đêm. Có những hôm cậu làm việc 18-20 tiếng và phải ngủ luôn tại nhà hàng. 9X không ngại làm tất cả mọi việc trong bếp từ dọn dẹp, rửa đồ dùng, chuẩn bị mọi thứ cho tiền bối sẵn sàng công việc của ngày mới.
Phước luôn tâm niệm phải cố gắng hết sức mình, vượt lên định kiến người nước ngoài khó có thể thành công theo đuổi nghệ thuật ẩm thực truyền thống của Nhật.
|
|
Được mổ cá ngừ chính là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của chàng trai Việt, điều mà rất ít đầu bếp người nước ngoài có thể làm được. |
Năm 2019, lần đầu tiên Phước được mổ cá ngừ trên đất Nhật. Trước đó, những ngày bếp mổ cá ngừ, dù được nghỉ, Phước vẫn xin được đi làm, lăn xả vào mọi việc để có cơ hội học hỏi, tích lũy kinh nghiệm từ những người đi trước.
Vốn là người thuận tay trái, Phước phải rèn luyện hàng ngày để có thể cầm được dao mổ cá bằng tay phải. “Hơn 1 năm trời, em phải tập thói quen dùng tay phải từ việc nhỏ nhất trong sinh hoạt hàng ngày như đánh răng, cầm đũa… tới việc cầm các đồ dùng nhà bếp. Em tranh thủ tập luyện tay phải vào những lúc nghỉ để không ảnh hưởng tới công việc”.
Quá trình tập luyện và nỗ lực cố gắng mỗi ngày của Phước đã được những đầu bếp khó tính, khắt khe người Nhật ghi nhận. Chỉ hơn 1 năm vào bếp, Phước đã được cầm dao mổ cá ngừ, điều mà các đầu bếp thông thường phải mất 5 năm mới được làm. Điều đó chứng tỏ Phước đã nỗ lực gấp nhiều lần so với người bình thường.
|
|
Năm 2018, Phước được trao tặng danh hiệu công dân tiêu biểu của Thành phố Muroran, Hokkaidou. Anh xuất hiện trên báo, đài truyền hình... như một tấm gương đầu bếp người Việt tiêu biểu tại Nhật. |
Nhớ lại quãng thời gian từ khi tốt nghiệp học viện ẩm thực tới khi được công nhận là đầu bếp ẩm thực truyền thống Nhật Bản, Phước vẫn "rùng mình".
“Đó quả là những ký ức ‘kinh hoàng’. Ai cũng thắc mắc không hiểu em lấy năng lượng ở đâu để có thể làm việc miệt mài mà vẫn luôn tươi vui được như vậy. Khát khao trở thành đầu bếp ẩm thực truyền thống Nhật quá lớn khi đó chính là động lực giúp em làm được những điều mà bây giờ em cũng không thể làm lại được”, Phước nhớ lại.
Đi để trở về
Phước dành 3-5 năm để thuần thục kỹ năng trong bếp Nhật truyền thống, nhưng phải mất gần 10 năm để hiểu và tìm ra được hồn cốt trong nghệ thuật ẩm thực và được công nhận. Trải qua quá trình dài khổ luyện, tâm sức của Phước đã dần giúp anh tỏa sáng.
Năm 2021, Phước được tiến cử tham gia cuộc thi và giành được huy hiệu vàng chương trình Taste of Japan - giải thưởng danh giá nhất dành cho đầu bếp người nước ngoài nấu món ăn truyền thống Nhật Bản.
“Đạt được huy hiệu vàng nghĩa là tôi được Chính phủ và người Nhật công nhận. Những người theo đuổi ẩm thực truyền thống Nhật Bản lấy tôi làm động lực và chỗ dựa tinh thần, đó là điều tôi thấy tự hào nhất”, Phước nói.
|
|
Hoa sen Việt Nam và món ăn truyền thống Nhật Bản, sự kết hợp tinh tế của hai nền văn hóa. |
Không dừng lại ở đó, Phước vẫn tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu về ẩm thực truyền thống Nhật. Anh mong muốn có cơ hội giúp đỡ những người trẻ Việt Nam đam mê nấu ăn, muốn trở thành đầu bếp tại Nhật. Phước luôn sẵn sàng tiến cử và hỗ trợ họ xin học bổng, để không có ai phải tự lần tìm lối ra như anh trước đây.
Sau 10 năm khổ luyện ở nước ngoài, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, Phước vẫn quyết định trở về Việt Nam.
9X mở nhà hàng cao cấp giới thiệu nghệ thuật ẩm thực truyền thống của Nhật Bản, cũng là một cách để tri ân các bậc thầy ẩm thực Nhật đã tận tâm dạy anh nhiều năm qua.
“10 năm trước, em đi con đường chưa ai đi nhưng có đích đến rõ ràng. Em đi để trở về. Lúc nào em cũng khát khao được trở về quê hương, được theo đuổi con đường em đã chọn từ khi bắt đầu: trở thành đầu bếp ẩm thực truyền thống Nhật Bản”, Phước nói.
Theo vietnamnet