Đã gần 5 năm xa quê, sang Đài Loan làm giúp việc gia đình, năm nay, chị Nguyễn Mai Thương (Sơn La) vẫn chưa được về quê ăn Tết cùng gia đình. Tại Đài Loan, người dân cũng đón Tết Nguyên đán như Việt Nam, cùng gia chủ dọn nhà, trang hoàng đón Tết, nhiều lúc chị Thương lại bật khóc vì nhớ nhà.

Ngậm ngùi Tết xa quê, lao động Việt tại nước ngoài chắt chiu gửi tiền về nhà
Tết đến là thời điểm những người con xa xứ lại bồi hồi nỗi nhớ gia đình. (Ảnh minh họa)

“Ở nhà, tầm 27, 28 Tết cả nhà lại tất bật chuẩn bị lá dong, gạo, thịt gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa. Các con rối rít khoe tấm áo mới. Xa nhà bao năm, ngày này cũng chỉ được nhìn chồng con qua camera. 5 năm đi làm nơi đất khách, nhưng mỗi dịp Tết đến, cảm giác nhớ nhà, tủi thân vẫn như những năm đầu. Gần 5 năm sang đây làm việc, thì 2 năm dịch bệnh, bản thân tôi cũng mắc Covid khá nặng, phải điều trị nhiều ngày trong viện tốn kém. Đến năm nay khi dịch bệnh đã dần ổn định, nhưng dịp Tết vé máy bay rất đắt, lại chỉ còn 6 tháng nữa là hết hợp đồng, nên tôi quyết định cố gắng ở lại dịp Tết, tiết kiệm tiền gửi về cho gia đình”, chị Thương chia sẻ.

5 năm xa quê đi học và làm việc tại Nhật Bản, năm nay anh Nguyễn Trung Hiếu (Hải Dương) cũng chưa thể về đón Tết cùng gia đình. Làm kỹ sư cơ khí, sau Tết dương lịch là thời gian tăng tốc sản xuất để phục vụ nhu cầu thị trường quý 1, quý 2 của năm mới, công việc nhiều, bận rộn, thời gian nghỉ Tết của người Nhật lại không trùng với Tết Nguyên đán ở Việt Nam nên anh Hiếu quyết định ở lại làm Tết. Hơn nữa, sau 2 năm dịch bệnh, công việc và thu nhập đều bị giảm sút nghiêm trọng, Tết lại là thời điểm vé tàu xe, máy bay đều đắt, anh Hiếu quyết định ở lại nước bạn làm việc, để dành tiền gửi về cho gia đình.

“Dự kiến vào khoảng tháng 5, tháng 6 năm sau, có thể lấy ngày phép năm thì tôi sẽ xin về nhà 1 tuần. Tầm ấy trùng với dịp nghỉ của công ty, lại không vào mùa lễ tết, giá vé máy bay về nước cũng rẻ hơn.

Xa quê 6 năm, dù quen dần với công việc, nếp sinh hoạt, thế nhưng nếu nói không nhớ nhà thì không đúng. Hàng ngày bận rộn với công việc còn đỡ, đến Tết khi thấy bạn bè đồng nghiệp chuẩn bị đồ đạc về nước, gọi điện về nhà thấy cảnh mọi người đang dọn dẹp, gói bánh chưng lại thấy nhớ nhà da diết”, anh Hiếu chia sẻ.

Đồng hương xa xứ quây quần bên mâm cơm tất niên xua đi nỗi nhớ nhà

Tết năm nay trùng với ngày nghỉ cuối tuần, để có chút không khí Tết quê hương, anh Hiếu đã lên kế hoạch cùng một vài người bạn tổ chức ăn tất niên.

“Năm nào cũng vậy, vài anh em đồng nghiệp cùng công ty lại tập trung làm một mâm cơm truyền thống như ở nhà, có thịt gà, bánh chưng tự gói, năm nào bận thì sẽ đặt mua, canh măng miến, dưa hành muối… Quan trọng nhất là những ngày cuối năm, anh em đồng hương được ngồi cùng nhau cho vơi bớt nỗi nhớ nhà", anh Hiếu chia sẻ.

Ngậm ngùi Tết xa quê, lao động Việt tại nước ngoài chắt chiu gửi tiền về nhà
Mâm cơm tất niên của anh Hiếu và những đồng hương Việt Nam tại Nhật.

Hơn 7 năm đi làm tại Nhật, đây là năm thứ 4 liên tiếp anh Nguyễn Ngọc Hải (Thanh Hóa) lại phải đón Tết xa nhà. 2 năm trước dịch bệnh, năm nay kinh tế vẫn khó khăn, nên anh Hải quyết định sẽ về nhà vào một dịp khác trong năm tới không phải ngày Tết.

“Dù không phải năm đầu tiên xa nhà, nhưng đến Tết cảm giác nhớ nhà vẫn nguyên vẹn. Qua những cuộc gọi trên zalo, facebook tôi lại nhớ dáng mẹ tất bật dọn dẹp nhà cửa, đi chợ sớm, chuẩn bị mâm cơm tất niên. Cứ 28, 29 Tết, bố lại trải chiếu giữa nhà ngồi gói bánh chưng, mấy đứa cháu nhỏ tranh nhau xin phần để được gói riêng một chiếc bánh nhỏ. Không khí lúc nào cũng vui. Tết đến càng gần, nỗi nhớ nhà càng quay quắt, càng tủi thân, chỉ muốn xách vali về nhà ngay. Cũng bởi thế mà năm nào không thể về nhà ăn Tết, tôi thường đăng ký làm thêm giờ để công việc bận rộn, nguôi ngoai nỗi nhớ nhà”, anh Hải chia sẻ.

Để vơi bớt nỗi nhớ nhà, chị Nguyễn Thu Hằng (Nam Định) đang làm việc tại Hàn Quốc cũng tự tay đi chợ chọn nguyên liệu để làm giò tai, nem rán và bánh chưng Tết. Những nhu yếu phẩm này có thể tìm thấy ở những chợ Việt tại Hàn. Những năm không thể về quê ăn Tết, chị Hằng đều cùng những người bạn Việt Nam khác tại nước bạn chuẩn bị các món ăn truyền thống, cùng xem Táo quân, hay gọi điện về cho gia đình để vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Cùng cảnh xa quê, những người Việt ở nước ngoài lại xích lại gần nhau hơn, quây quần bên bữa cơm ấm cúm, đậm phong vị Tết Việt, những chiếc lì xì đỏ trao nhau cũng giúp những người con xa xứ được ấm lòng, an ủi hơn mỗi dịp Tết xa nhà.

Theo thoidai