GS.TS Nguyễn Tấn Hùng - phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ Swinburne - Ảnh: swinburne.edu.au

 

Tôi quan tâm đến kết quả các công trình nghiên cứu giúp bệnh nhân và người khuyết tật có thể hoạt động độc lập.                                                                                                                                  

                        GS.TS Nguyễn Tấn Hùng


"Giúp người khuyết tật nặng hoạt động độc lập và kiểm soát tốt hơn là trọng tâm trong sự nghiệp của giáo sư Hung Nguyen từ hàng chục năm qua. Là kỹ sư từng đoạt giải thưởng về lĩnh vực sáng chế y tế, ông đã phụ trách công nghệ xe lăn thông minh Aviator. 

Hệ thống Aviator được xếp thứ ba trong 100 sáng chế hàng đầu của Úc năm 2011 do tạp chí kinh tế và cải tiến Anthill (Úc) bình chọn. Aviator do nhóm nghiên cứu của GS Hung Nguyen tại Đại học Công nghệ Sydney thử nghiệm sắp thay đổi cuộc sống của những người liệt hai chi dưới và người liệt chân tay, đặc biệt là người không thể sử dụng tay".

Lời giới thiệu trên đây đăng trang web "Người Úc của năm" khi GS.TS Nguyễn Tấn Hùng được đề cử đại diện cho bang New South Wales tranh giải "Người Úc của năm 2012".

Sáng chế vì người khuyết tật

GS.TS Nguyễn Tấn Hùng (Hung Nguyen), 66 tuổi, đến Úc định cư từ năm 1979. Từ năm 2018, ông giữ chức phó hiệu trưởng phụ trách khoa khoa học kỹ thuật và công nghệ tại Đại học Công nghệ Swinburne. Trước đó tại Đại học Công nghệ Sydney (UTS), ông lần lượt giữ chức phó trưởng khoa (năm 2003-2009) và trưởng khoa (năm 2010-2014) khoa kỹ thuật và công nghệ thông tin, trợ lý phó hiệu trưởng (năm 2014-2017). Đam mê của ông là nghiên cứu kỹ thuật y sinh, trí tuệ nhân tạo và khoa học thần kinh.

Làm thế nào để người khuyết tật nặng điều khiển xe lăn mà không dùng tay, đó là niềm trăn trở của ông và ông quyết định áp dụng công nghệ để giúp đỡ họ. Sáng chế nổi tiếng nhất của ông là xe lăn thông minh Aviator. Công nghệ Aviator được phát triển với hai loại xe lăn. Một loại tên là SAM (thiết bị bán tự động) và loại thứ hai tên TIM (thiết bị thông minh do suy nghĩ điều khiển).

Đối với xe lăn SAM, người sử dụng đội mũ trang bị cảm biến không dây và cử động đầu để điều khiển xe với sự hỗ trợ của máy tính và các cảm biến laser và camera. Còn với xe lăn TIM, người sử dụng mang máy quét nhỏ hơn hộp diêm sau đầu. Máy quét nhận diện sóng não (điện não đồ) rồi diễn dịch thành lệnh điều khiển xe lăn.

GS.TS Nguyễn Tấn Hùng giải thích: "Tôi bắt đầu phát triển hệ thống chuyển động đầu vào năm 1997, sau đó mới sáng chế công nghệ thu nhỏ không dây. Về công nghệ kiểm soát bằng suy nghĩ, chúng tôi sử dụng nhiều loại điện cực. Tôi quan tâm đến kết quả các công trình nghiên cứu giúp bệnh nhân và người khuyết tật có thể hoạt động độc lập và công nghệ xe lăn Aviator đáp ứng được điều đó".

GS.TS Nguyễn Tấn Hùng (ngồi xe lăn, bìa phải) đã sáng chế công nghệ xe lăn thông minh Aviator - Ảnh: UTS

GS Hùng còn phát triển nhiều thiết bị và hệ thống y sinh để dự báo, chẩn đoán và phục hồi các bệnh tiểu đường, rối loạn thần kinh, ung thư vú và tim mạch như máy theo dõi hạ đường huyết không xâm lấn cho người mắc bệnh tiểu đường, hệ thống chẩn đoán sớm ung thư vú, hệ thống theo dõi và ngăn ngừa mệt mỏi nơi người lái xe dựa trên điện não đồ.

Nhà tương lai học về trí tuệ nhân tạo

Thế hệ nhà khoa học gốc Việt tiếp bước GS.TS Nguyễn Tấn Hùng tại UTS chính là con trai ông, TS Jordan Nguyễn 35 tuổi. Giới khoa học gọi Jordan Nguyễn là nhà tương lai học về trí tuệ nhân tạo. Theo anh, siêu nhân không phải là chuyện khoa học giả tưởng vì máy móc thông minh có thể mở ra kỷ nguyên mới trong tiến hóa con người.

Hồi học kỹ thuật điện tử ở UTS, Jordan Nguyễn bị đập đầu khi nhảy xuống hồ bơi. Anh nghe tiếng rắc nơi cổ rồi cổ không còn giữ thẳng được nữa. May mắn anh chỉ nằm cố định một ngày. Tai nạn ấy đã làm thay đổi quan niệm sống của anh, từ đó anh quyết tâm ứng dụng khoa học công nghệ giúp người khuyết tật cải thiện chất lượng cuộc sống.

Trong trường, anh chuyển hướng nghiên cứu sang kỹ thuật y sinh, khoa học thần kinh, rồi sau đó là tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và dụng cụ y sinh. Năm 2012, anh thực hiện đề tài nghiên cứu tiến sĩ công nghệ y sinh về giải pháp kỹ thuật hoàn chỉnh để kiểm soát và điều khiển xe lăn điện bằng suy nghĩ. Xe lăn sử dụng trí tuệ nhân tạo để tránh chướng ngại vật và hoạt động nhờ năng lượng điện của não.

Trong bộ phim tài liệu Trở thành siêu nhân phát trong chương trình khoa học "Nhân tố xúc tác" trên kênh truyền hình ABC (Úc) năm 2016, Jordan Nguyễn đã bố trí cho em Riley Saban, 13 tuổi, bị bại não nặng, mang một thiết bị sử dụng mắt để bật tắt thiết bị điện.

Thông qua điện nhãn đồ (EOG-tín hiệu điện trong mắt), não của Riley sẽ nhận biết bốn hình thái chuyển động của mắt (lên xuống, phải trái) rồi chuyển cho máy tính để trí tuệ nhân tạo phân tích và điều khiển thiết bị điện. Sau đó, anh tiếp tục thực hiện dự án giúp bé Riley điều khiển ôtô bằng cử động mắt. Phim Trở thành siêu nhân đã mang lại cho anh nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế.

Jordan Nguyễn hiện là người sáng lập và giám đốc điều hành Công ty khởi nghiệp Psykinetic. Anh được đề cử vào danh sách bình chọn giải "Người Úc của năm 2017".

TS Jordan Nguyễn (phải) thử nghiệm thiết bị điều khiển bằng mắt với em Riley Saban bị bại não - Ảnh: freeview.com.au

 Thành tích nổi bật của hai cha con

GS.TS Nguyễn Tấn Hùng đã có 330 bài nghiên cứu xuất bản với các bút danh Nguyen, HT; Nguyen, Hung T.; Nguyen, Hung Tan. Ông đã được cấp 13 bằng sáng chế, được trao huân chương "Thành viên Úc" (AM-Member of the Order of Australia) năm 2002, giải thưởng Giảng dạy UTS (hạng mục cá nhân) năm 2000 và huy chương về nghiên cứu đặc biệt tại UTS năm 2016.

TS Jordan Nguyễn có tên trong danh sách các kỹ sư sáng tạo nhất của Úc năm 2016 do tạp chí Create bình chọn, danh sách 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới về thực tại ảo năm 2016 và năm 2017 do Công ty Onalytica bình chọn, được trao giải thưởng Chuyên gia công nghệ thông tin chuyên nghiệp năm 2017 của Hiệp hội Tin học Úc. Tháng 3-2018, ông được vinh dự làm người dẫn chương trình trong chuyên mục trò chuyện với cựu tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm của ông Obama đến Sydney.

Kỳ tới: Nhà khoa học khởi đầu từ số không.

Theo tuoitre