“Nắng nóng cực đoan là có thật. Tôi thực sự mệt mỏi vì thời tiết này”, chị Miho Bùi, một lao động Việt sinh sống ở thủ đô Islamabad, chia sẻ với Zing về tình hình thời tiết ở Pakistan.
Chị cho biết dù những ngày gần đây mức nhiệt đã giảm so với lần đạt đỉnh 50 độ C hồi giữa tháng 5, nhiệt độ trung bình vẫn dao động ở mức cao, 37-44 độ C.
Trong những tháng gần đây, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nắng nóng cực đoan ở vùng Nam Á, đặc biệt là Ấn Độ và Pakistan, trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người dân.
Nhiệt độ có khi lên đến 50 độ C trong nhiều ngày, nhất là ở vùng Tây Bắc Ấn Độ và Đông Nam Pakistan. Tình trạng nắng nóng kéo dài cũng dẫn đến lũ lụt do băng tan trên dãy Himalaya, góp phần gây ra tình trạng thiếu điện và làm giảm sản lượng lương thực của Ấn Độ, theo New York Times.
Từ Bengaluru, Ấn Độ, chị Bùi Ngọc chia sẻ với Zing rằng dù khu vực chị ở nắng nóng không quá gay gắt, chị vẫn thường nghe báo đài trong nước đưa tin về việc có người chết ở những vùng gần sa mạc.
Bên cạnh đó, nhiều người Việt ở hai quốc gia này cũng cho biết thời tiết khắc khiệt không chỉ gây mệt mỏi mà còn dẫn đến nhiều bất tiện do thiếu điện và nước.
“May mắn vì chưa gục ngã”
Chị Mai Hoa, sống tại Islamabad được một năm, cho biết đây là lần đầu chị trải nghiệm cái nóng “kinh khủng” như vậy. Chị cảm thấy may mắn vì bản thân chủ yếu làm việc trong văn phòng, không phải ra ngoài mưu sinh dưới cái nắng độc hại những ngày này như nhiều người khác.
|
Người mẹ dùng giấy quạt cho con giữa lúc Jacobabad bị cắt điện hôm 11/5. Ảnh:AFP.
|
“Báo đài cũng cảnh báo và đưa tin rất nhiều về thời tiết dạo gần đây. Họ nói rằng có người chết. Tôi thấy may mắn vì chưa gục ngã”, chị chia sẻ.
Chị Hoa trích dẫn các tin tức ở tỉnh Sindh, một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đợt nóng cao độ gần đây ở Pakistan, đỉnh điểm lên đến 51 độ C hồi giữa tháng 5.
AFP cũng đã đưa tin về tình trạng báo động ở khu vực này, nói rằng các con kênh trong tỉnh - nguồn cung cấp nước tưới quan trọng cho các trang trại - đã cạn kiệt. Phó ủy viên Abdul Hafeez Siyal cũng cho biết thành phố đang ở "tuyến đầu khi đối mặt với biến đổi khí hậu".
Trong khi đó, nhiều người Việt chia sẻ cảnh nắng nóng ở Ấn Độ cũng khắc nghiệt không kém. Trong tháng 5, có những ngày nhiệt độ tại thủ đô New Delhi lên tới 46,7 độ C.
“Ở những vùng như Kolkata, nắng nóng đến mức không chịu nổi. Người dân gần như phải bật điều hòa 24/24. Mọi người cũng nói năm nay nóng hơn nhiều so với những năm trước”, chị Ngọc cho biết.
“Tôi nghe tin ở những bang gần sa mạc còn có người chết vì cảnh nắng nóng, thiếu không khí. Lúc ra đường tôi cũng phải trùm kín như ninja để tránh nắng”, chị chia sẻ thêm.
Chị Lan Hương, người Việt ở Kolkata, bang Tây Bengal, Ấn Độ, cũng cho biết: “Nắng nóng rát da lắm! Người đổ mồ hôi như tắm nên nhà tôi bật điều hòa 24/7. Có những ngày ở ngoài đường như 40 độ C”.
Khu vực Nam Á không còn xa lạ với nắng nóng vào thời điểm này trong năm, nhưng đợt nắng nóng năm nay bắt đầu sớm, từ đầu tháng 3 và vẫn đang tiếp tục ở một số khu vực. Sóng nhiệt lần này được dự báo sẽ chỉ giảm nhẹ cho đến khi mùa mưa đến trong vài tháng tới, theo New York Times.
Các chuyên gia cho rằng thời tiết khắc nghiệt ở Ấn Độ và Pakistan là một phần của sự nóng lên toàn cầu. Họ nói khả năng xảy ra một đợt nắng nóng như vậy đã tăng ít nhất 30 lần kể từ thế kỷ 19.
Trong một bài phân tích của Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh, các nhà khoa học cũng ghi nhận khả năng xảy ra những đợt nắng nóng kỷ lục ở khu vực Tây Bắc Ấn Độ và Pakistan đã tăng cao gấp 100 lần. Theo đó, xác suất tự nhiên của một đợt sóng nhiệt vượt quá nhiệt độ trung bình từ năm 2010 trở đi là một lần trong 312 năm. Tuy nhiên, nếu tính thêm tác động từ biến đổi khí hậu, xác suất trên sẽ thay đổi thành một lần trong mỗi 3,1 năm.
“Gần như ngày nào cũng mất điện”
“Do nắng nóng mọi người sử dụng điện nhiều, khu vực chỗ tôi sống gần như ngày nào cũng mất điện. Thường xuyên có những ngày mất điện 3-5 lần, lần nào cũng 1 tiếng trở lên”, chị Miho Bùi nói với Zing.
|
Người vô gia cư tránh nắng dưới một cây cầu ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh:Reuters.
|
Nắng nóng cao độ cùng với việc cúp điện thường xuyên và bất chợt khiến cả công việc lẫn sinh hoạt hàng ngày của chị và gia đình gặp nhiều rắc rối. Chị cảm thấy “rất bất tiện” vì không thể làm gì trong lúc mất điện.
“Mỗi lần mất điện chúng tôi cũng không được thông báo trước”, chị nói.
Tương tự, chị Mai Hoa cũng thường xuyên gặp tình trạng mất điện.
“Hôm nay (1/6) cúp điện lúc 13h, ngay lúc tôi đang làm việc. Tôi thậm chí chưa kịp lưu dữ liệu vào máy tính. Hôm qua, lúc 19h, tôi đang nấu cơm thì mất điện nên chúng tôi phải nhịn bữa tối. Lúc có điện trở lại, gạo trong nồi đã bị trương lên phải bỏ đi, rất phí phạm”, chị kể lại.
Ở Bengaluru, Ấn Độ, chị Ngọc cũng chia sẻ những vùng sử dụng lưới điện treo tương tự Việt Nam thường sẽ bị cắt điện khi có gió mạnh. Trong khi đó, “các khu đô thị dùng lưới điện âm dưới đất sẽ ít bị ảnh hưởng hơn”.
Mô tả của các cư dân trùng khớp với các báo cáo về tình trạng mất điện trên diện rộng tại nhiều khu vực ở cả Pakistan và Ấn Độ, theo trích dẫn của bà Roop Singh, cố vấn rủi ro khí hậu của Trung tâm Khí hậu Trăng lưỡi liềm Đỏ thuộc Hội Chữ thập đỏ.
Báo cáo cho biết tình trạng này một phần do nhu cầu sử dụng điện để làm mát tăng mạnh, khiến hệ thống điện bị quá tải, và một phần do tình trạng thiếu than ở Ấn Độ.
Dù cuộc sống bị ảnh hưởng nhiều, cộng đồng người Việt cũng như cư dân ở Ấn Độ và Pakistan nói chung chưa thể tìm ra giải pháp để “chạy trốn” cái nóng. Họ chia sẻ chỉ có thể tiếp tục chịu đựng tình cảnh này và chờ đợi đến mùa mưa sau 1-2 tháng nữa.
Theo Zing