20 kg gạo, 8 kg thịt lợn, 4 con vịt và 3 cây bắp cải là số lương thực thực phẩm mà anh Trần Xu vừa nhờ chị gái đi siêu thị mua hộ hôm nay để đề phòng tình trạng khan hiếm hàng khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh.
"Tôi sống một mình, tính toán chừng đó đủ ăn trong một tháng", anh Xu chia sẻ với VnExpress. "Anh em người Việt chúng tôi ở đây đều bảo nhau tích trữ những thứ cần thiết để phòng dịch".
|
Ba phụ nữ đeo khẩu trang đi mua sắm ở phố Dongseong-ro, trung tâm Daegu hôm nay. Ảnh:Reuters |
Thành phố Daegu nơi anh sống nằm cách thủ đô Seoul khoảng 240 km, chiếm phần lớn trong tổng số 204 ca Covid-19 hiện nay của Hàn Quốc. Riêng 100 ca nhiễm nCoV mới được ghi nhận hôm nay đã có tới 85 ca liên quan đến nhà thờ thuộc giáo hội Shincheonji ở Daegu, nơi một nữ tín đồ được cho là đã lây nhiễm hàng chục người khác.
Từ hai ngày nay, thành phố lớn thứ tư Hàn Quốc vắng vẻ hơn khi người dân được khuyến cáo ở nhà, hạn chế ra ngoài để tránh lây nhiễm virus. Một số chợ còn mở cửa đặt sẵn nước rửa tay sát trùng cho khách hàng. Hai tuần trở lại đây, khẩu trang bắt đầu trở nên khan hiếm hơn, nhiều cửa hiệu thông báo hết hàng. Đi mua khẩu trang, anh Xu chỉ được người bán cho 2 chiếc. Hàng ngày, khi đi làm ở công ty sản xuất phụ tùng ôtô, anh và các công nhân luôn được yêu cầu đo thân nhiệt và sát trùng tay.
Cũng là công nhân một nhà máy ở Daegu, anh Nguyễn Văn Dũng cho hay hôm nay đi làm phải ăn cơm hộp vì bếp chung của khu công nghiệp đã đóng cửa sau khi có một công nhân dương tính với nCoV từng đến ăn. Cả ngày chỉ quanh quẩn trong nhà máy nhưng anh và các đồng nghiệp luôn đeo khẩu trang và rửa tay bằng nước sát trùng.
Ở cách điểm dịch 7 km, cuộc sống của Trần Tuấn Vũ chưa bị xáo trộn nhiều nhưng anh vẫn lo xa khi mua gạo và đồ khô tích trữ sẵn, phòng trường hợp thành phố bị phong toả. Hiện các công ty giao hàng ở những vùng có dịch đã tạm ngừng hoạt động nên việc mua sắm trở nên khó khăn hơn.
"Tôi làm ở công ty thực phẩm, phải rửa tay liên tục, đeo khẩu trang 24/24h", anh Vũ cho biết. "Tuy nhiên, khẩu trang phải mua qua ứng dụng trên mạng còn ở các cửa hàng tiện lợi không có hàng".
Thị trưởng Daegu Kwon Young-jin hôm qua cảnh báo thành phố "đang ở trong một cuộc khủng hoảng chưa từng có" và yêu cầu 2,5 triệu dân của thành phố không ra ngoài, đeo khẩu trang ngay cả khi ở trong nhà. Chính quyền cũng ra lệnh đóng cửa tất cả nhà trẻ, trong khi các trường học cân nhắc hoãn học kỳ hai dự kiến bắt đầu vào đầu tháng 3.
Vốn tập trung nhiều trường đại học, Daegu có lượng du học sinh Trung Quốc và Việt Nam khá lớn. Đang trong kỳ nghỉ đông và chuẩn bị tinh thần bước vào học kỳ hai đầu tháng sau thì Nguyễn Nhật và Trần Hòa đều nhận được thông báo lịch học lùi lại thêm hai tuần vì dịch Covid-19.
"Văn phòng trường cho biết khu vực xung quanh đã có hai ca nhiễm nCoV và khuyến cáo các sinh viên phải đeo khẩu trang, rửa tay nhiều lần trong ngày và tránh đến nơi đông người", Nhật, sinh viên người Việt năm hai, nói. Cậu may mắn vẫn còn một ít khẩu trang mua từ đợt mới xuất hiện dịch để dùng và có nước rửa tay của trường, trong khi nhiều sinh viên khác không có khẩu trang vì một số khu vực xảy ra hiện tượng "cháy hàng".
"Tụi mình rất lo vì sắp hết hạn ký túc xá và phải chuyển ra ngoài ở. Bây giờ khắp Daegu đâu cũng có dịch. Nhiều người Hàn Quốc trên mạng xã hội còn đề nghị chính phủ phong tỏa Daegu", Nhật nói thêm.
|
Quán ăn mà Trần Hoà làm thêm vắng khách vì dịch Covid-19. Ảnh:Nhân vật cung cấp |
Hòa cũng có chút hoang mang khi đọc những thông tin trên mạng về sự lây lan nhanh chóng của nCoV, bao gồm những thông tin thất thiệt như có người Việt ở Hàn Quốc dương tính với virus.
"Mẹ mình hàng ngày gọi điện sang bày tỏ lo lắng, dặn dò con gái đủ thứ", Hoà kể. "Mình đã mua một ít thực phẩm về dự trữ cho những ngày tới".
Mấy hôm nay, nữ sinh 21 tuổi vẫn đi làm thêm ở quán ăn gần nhà. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, quầy thu ngân có thêm nước rửa tay và khử trùng. Tuy nhiên, vì nỗi lo sợ virus corona, quán cũng thưa thớt khách.
"Nhiều nhà hàng đã đóng cửa. Mình không biết tình hình sẽ diễn tiến thế nào. Mình muốn về Việt Nam nhưng cũng phải dành tiền đóng học phí và tiền nhà".
Tối nay đi làm về qua chợ Hoa Đông, nơi tập trung nhiều hàng quán Việt Nam nhất Daegu, anh Xu cảm nhận được sự vắng lặng hơn trước. Đường phố lác đác vài phương tiện nhưng xe cứu thương thì hú còi liên tục.
Cập nhật thông tin cho thấy số ca Covid-19 ở Hàn Quốc tăng gấp ba chỉ trong hai ngày, anh không tránh khỏi lo lắng vì có thể công ty phải đóng cửa, khiến những công nhân như anh rơi vào cảnh "thất nghiệp tạm thời". Hàn Quốc hiện được đặt ở tình trạng báo động cấp 3, trong hệ thống 4 cấp, còn thành phố Daegu được đưa vào diện "quản lý đặc biệt".
"Nếu có ca nhiễm, công ty sẽ phải đóng cửa", anh Xu nói, thêm rằng nhiều công ty thực phẩm ở cùng khu công nghiệp đã đóng cửa và chưa biết khi nào mở lại. "Hôm nay, công ty chị gái tôi cũng cho công nhân nghỉ làm để tránh dịch. Không đi làm, chúng tôi không biết xoay xở thế nào với tiền thuê nhà, tiền bảo hiểm, sinh hoạt phí".
Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không nên đến các khu vực đang có dịch Covid-19 hoặc có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch theo khuyến cáo của giới chức Hàn Quốc. Công dân Việt Nam đang có mặt tại Hàn Quốc được đề nghị thường xuyên theo dõi và tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng sở tại để phòng tránh dịch. Để nhận được sự hỗ trợ, công dân liên hệ: - Đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc: +82 10-3622-6618 - Tổng đài Bảo hộ công dân: +84 981 84 84 84. |
Theo
vnexpress