Dãy nhà hàng và du thuyền bên sông Singapore gần như không một bóng người. - Ảnh: Enrico Massa
“Hai tuần qua, lượng khách ban ngày giảm khoảng 30% do nhiều công ty cho nhân viên làm việc ở nhà. Lượng khách buổi tối còn sụt giảm nhiều hơn nữa vì nhiều người ngại đi chơi. Không biết đến bao giờ dịch Covid-19 này mới kết thúc”, Kenny - tài xế Grab chở tôi sáng 22.2 nói chuyện qua lớp khẩu trang.
Tình trạng “ế khách” này xảy ra nhiều ngày qua, đặc biệt sau khi chính phủ Singapore thông báo nâng mức Hệ thống Điều kiện Ứng phó Bùng phát Dịch bệnh (DORSCON) lên mức Cam, mức cao thứ ba trong bốn mức cảnh báo. Đây là mức cảnh báo tương đương với dịch SARS năm 2003.
Orchard, khu phố mua sắm nổi tiếng nhất Singapore, đìu hiu vào ngày cuối tuần, khác hẳn với vẻ nhộn nhịp thường thấy - Ảnh: Vũ Lan Hương
Tính đến ngày 23.2, Singapore đã có tổng cộng 89 ca nhiễm Covid-19. Người dân vẫn lo lắng vì số người nhiễm vẫn tăng lên và số lượng người bị lây nhiễm trong nước đã cao gấp gần ba lần so với những ca đến từ Trung Quốc. Trong số đó có tới 9 ca chưa xác định được nguồn lây nhiễm.
Singapore là một đảo quốc nhỏ với mật độ dân cư dày đặc, đa số người dân sử dụng phương tiện công cộng, sống và làm việc trong các tòa nhà cao tầng. Bên cạnh đó, Singapore cũng là trung tâm tài chính, kinh doanh, du lịch và trạm trung chuyển của khu vực châu Á. Đã có khoảng 10.000 người Vũ Hán đến đảo quốc sư tử này trong tháng 12.2019 và tháng 1.2020 trước khi dịch bệnh bùng phát tại đây.
Cháy hàng trên nhiều... mặt trận
Ngay sau khi Chính phủ Singapore nâng mức báo động lên mức Cam vào chiều ngày 7.2, người dân Singapore đã đổ xô đi siêu thị tích trữ hàng hóa, đặc biệt là đồ ăn khô và giấy vệ sinh. Chỉ vài tiếng sau thông báo của chính phủ, các kệ hàng này ở những siêu thị lớn đều trống trơn. Các trang đặt hàng online cũng cháy hàng.
Tình hình hỗn loạn tới mức Thủ tướng Lý Hiển Long phải đích thân quay một video phát trên mạng xã hội và truyền hình để trấn an người dân, đồng thời kêu gọi mọi người kiềm chế, không tích trữ hàng hóa.
Mặc dù vậy, trong suốt hai tuần tiếp theo, nhiều người vẫn “săn lùng” hàng, dẫn tới tình trạng khan hiếm. Những loại gia vị được cho là tốt cho sức khỏe như gừng, hành, tỏi cũng cháy hàng.
Gia đình tôi không kịp đi gom hàng mặc dù nhà chỉ cách siêu thị vài bước chân, nhưng may mắn được một người bạn gửi cho một túi gừng tươi bằng đường máy bay từ Việt Nam qua. Một đồng nghiệp cũ của tôi cũng vô cùng cảm kích khi được bạn tặng cho… 2 cuộn giấy vệ sinh vì chị đã hoàn toàn bó tay sau 2 tuần săn lùng ở các siêu thị.
Những sản phẩm “hot” khác như khẩu trang y tế và nước rửa tay khô thì đã cháy hàng từ trước Tết và trong suốt một tháng nay, tôi không thể tìm thấy ở bất cứ hiệu thuốc nào.
Cũng rất may là tôi được bạn bè từ Việt Nam và thậm chí từ Mỹ qua cũng mang cho một ít khẩu trang và nước rửa tay để phòng thân.
Chính phủ Singapore cũng trấn an người dân bằng cách phát miễn phí 4 chiếc khẩu trang cho mỗi hộ gia đình và truyền thông liên tục rằng chỉ những người bị bệnh mới cần đeo khẩu trang và khuyến khích người dân rửa tay thường xuyên để tránh lây nhiễm virus.
Nhà hàng, trung tâm thương mại đìu hiu
Những người làm trong ngành dịch vụ như Kenny cảm nhận rõ nhận tác động của đợt dịch Covid-19 này lên đời sống và kinh tế của Singapore. Những khu mua sắm và vui chơi sầm uất vốn luôn chật kín người như đường Orchard, khu Chinatown, Clark Quay… giờ vắng vẻ đìu hiu hơn hẳn. Nhiều trung tâm thương mại lớn như Tang Plaza hay Takashimaya phải rút ngắn giờ mở cửa để tiết kiệm chi phí vận hành vì lượng khách ít hơn hẳn so với bình thường.
Những ngày này, gia đình tôi hạn chế đi ra ngoài ăn và chỉ đi mua sắm nhu yếu phẩm cần thiết. Trước Tết, tôi có hẹn với vài hội bạn người Việt ra Tết sẽ tập trung làm vài bữa tân niên nhưng giờ tất cả đều bị hoãn vì ai cũng ngại tụ tập đông người.
Linh, một người bạn của tôi làm cho một công ty công nghệ lớn, chia sẻ rằng cô “tự giam” ở nhà suốt 10 ngày, nếu cần ăn gì thì gọi giao hàng tận nhà. Khi quay lại công ty làm việc, Linh cẩn trọng hơn và rửa tay thường xuyên hơn.
Trung tâm thương mại Takashimaya trên phố Orchard thông báo từ ngày 20.2.2020 sẽ mở cửa từ 11 giờ đến 20 giờ thay vì 10 giờ đến 21 giờ 30 như bình thường. - Ảnh: Vũ Lan Hương
Chuỗi nhà hàng Sushi Tei vốn luôn kín khách và khách thường phải xếp hàng dài chờ tới lượt vào ăn, giờ thì luôn còn bàn trống. Tuy vậy, chủ nhà hàng vẫn rất cẩn trọng. Mỗi khách hàng trước khi vào cửa đều phải được đo thân nhiệt. Những ai trên 37,6oC và có các biểu hiện cúm như ho, khó thở, chảy nước mũi đều bị từ chối.
Một người bạn của tôi chuyên buôn hàng từ Trung Quốc về Singapore và có hai kho hàng ở hai nước đang rất lo lắng vì hàng hóa ách tắc. Anh nói nếu tình hình tiếp diễn thêm vài tháng, chắc doanh nghiệp của anh sẽ phá sản.
Một người bạn khác đang làm cho một công ty truyền thông đa quốc gia cũng buồn rầu tâm sự rằng chị rất lo sẽ bị mất việc vì trong hai quý đầu năm nay, chẳng doanh nghiệp nào tổ chức các sự kiện lớn, tập trung đông người nữa.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ
Những tuần qua, Chính phủ Singapore đã và đang rất nỗ lực để thông tin kịp thời tới người dân về diễn biến dịch Covid-19 và hướng dẫn doanh nghiệp cũng như người dân thực hiện những biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Cụ thể, chính phủ khuyến khích các công ty chia nhân viên thành 2 nhóm và luân phiên làm việc tại nhà để giảm số lượng người tập trung tại công ty cùng một thời điểm. Các công ty cũng khuyến khích tổ chức họp online. Người dân Singapore hoặc những người có thẻ cư trú dài hạn trở về từ Trung Quốc thì nghỉ tại nhà trong 14 ngày. Riêng nhóm trở về từ tỉnh Hồ Bắc thì phải cách ly bắt buộc tại nhà hoặc cơ sở cách ly do chính phủ chỉ định và được trợ cấp 100 đô la Singapore mỗi ngày. Ai vi phạm quy định cách ly có thể đối mặt với 6 tháng tù và mức phạt lên tới 10.000 đô la Singapore.
Các trường học ở Singapore vẫn mở cửa nhưng tất cả các hoạt động ngoại khóa hoặc tập trung đông học sinh đều bị tạm ngừng. Học sinh được chia nhóm để nghỉ giải lao và ăn trưa. Các bài học về Covid-19 và vệ sinh cá nhân phòng chống virus được đưa vào chương trình giảng dạy.
Ngày 18.2, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Singapore Heng Swee Keat đã công bố một loạt gói hỗ trợ tài chính trong khuôn khổ Ngân sách 2020. Theo đó, 800 triệu đô la Singapore sẽ được sử dụng để hỗ trợ các đơn vị ở “tuyến đầu” của dịch Covid-19. Những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất như hàng không, bán lẻ, nhà hàng và vận tải sẽ được hỗ trợ bổ sung, bao gồm hoàn lại 30% thuế nhà đất cho các đơn vị lưu trú, tài trợ cho người lao động tham gia các khóa học nâng cao kỹ năng và nhiều chính sách hỗ trợ ngắn hạn khác.
Bên cạnh đó, chính phủ sẽ dành ra 4 tỉ đô la Singapore để giúp người lao động và giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cụ thể, chính phủ sẽ chi trả 8% lương của khoảng 1,9 triệu người Singapore và người thường trú với mức trần là 3.600 đô la Singapore/tháng và trong 3 tháng. Các doanh nghiệp được hoàn thuế thu nhập cũng như hưởng một số chính sách hỗ trợ thuế khác.
Kết thúc chuyến xe, tài xế Kenny chia sẻ với tôi rằng, anh đang mong chờ nhận trợ cấp từ chính phủ để bù đắp phần nào thiệt hại kinh tế trong đợt dịch này. Nhưng anh cũng lạc quan là tình hình sẽ khá hơn và cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường.
Theo thanhnien