Gia đình nhỏ của chị Thuỷ quyết định không về nước chạy dịch
Kinh nghiệm chống dịch và những chiếc khẩu trang từ quê nhà là phao cứu sinh
"Tôi cùng chồng quyết định ở lại Đức, vì đi lại tránh dịch cả gia đình khá tốn kém. Bên này tuy đang lây lan dịch nhưng y tế của Đức vẫn tốt. Bây giờ Chính phủ Đức kêu gọi người dân hạn chế ra đường, chắc dần tình hình sẽ ổn. Chúng tôi sẽ trở lại công việc thường nhật sớm thôi" – chị Trần Thuỷ, ở Giessen, thuộc Bang Hessen (Đức) nói.
Bãi xe vắng bóng người ở Giessen, thuộc Bang Hessen (Đức) chiều 19/3/2020
Chị Thuỷ cho biết, ngay khi Châu Âu công bố dịch Covid -19 đã có ở Italy thì người dân nói chung rất thờ ơ. Họ vẫn tụ tập vui vẻ, vẫn lễ hội triền miên và coi đó không nguy hiểm, chỉ như cúm mùa. Họ phát biểu đó chẳng phải lý do để họ ngừng lễ hội.
Ngày 24/2/2020, Đức chính thức có ca nhiễm đầu tiên đi về từ Ý.
Liên tục những ngày sau đó, số ca tăng dần lên ở 3 bang nhưng Chính phủ Đức chưa có bất cứ một biện pháp khoanh vùng nào được đưa ra, ngoại trừ khuyến cáo người dân nên thường xuyên rửa tay.
Chị Trần Thủy trong "Hưởng ứng Tuần lễ áo dài Việt Nam" tại Đức
Biên giới Châu Âu vẫn thông thương, vì thế, trong một khoảng thời gian rất ngắn, hầu như toàn châu lục bị nhiễm bệnh. Cuối tuần đó, thành phố nơi gia đình chị Thủy sinh sống và những thành phố lân cận lần lượt xuất hiện ca dương tính đầu tiên với Covid-19.
Chị Thủy kể: "Tôi làm nghề làm đẹp ở đây, việc tiếp xúc với những cô gái trẻ hàng ngày rất nhiều. Không chỉ tôi, mà hầu hết những người Việt ở Đức với công việc như làm nhà hàng, bán hoa, bán quần áo, làm nails thì nguy cơ nhiễm bệnh luôn tiềm ẩn ở mức độ rất cao. Thế nhưng chúng tôi không thể tự đóng cửa hàng".
Lý do không thể đột nhiên đóng cửa hàng bởi khi bạn kinh doanh ở đây, bạn phải đối mặt với hóa đơn thanh toán hàng tháng lên đến vài ngàn Euro. Việc đơn phương đóng cửa hàng, đồng nghĩa với việc cửa hàng bạn bị nghi có dịch. Khách hàng sẽ bỏ rơi, tẩy chay bạn, công sức bao năm gây dựng thành công cốc, rất khó lấy lại. Tâm lý chung của đại đa số các hộ kinh doanh là duy trì đến khi có lệnh đóng cửa hàng chính thức của Chính phủ.
Sân chơi trẻ em ở khu tập thể ở Đức vắng lặng sau kêu gọi người dân nên ở trong nhà của Chính phủ chiều 19/3/2020
Những ca nhiễm dương tínhCovid-19 ở Đức đang tăng nhanh mỗi ngày. Hàng chục, hàng trăm, rồi lên đến nghìn người chỉ trong vòng mấy ngày. Nước khử trùng, khẩu trang y tế là những thứ vô cùng khan hiếm.
"Mặc dù có bài học từ Vũ Hán (Trung Quốc) nhưng chúng tôi vẫn không hề thấy sự chuẩn bị chỉn chu từ Chính phủ Đức. Tôi đành phải học các kinh nghiệm từ Việt Nam, lấy luôn lọ cồn 80 độ tự xịt khử trùng cho khách mỗi lần đến cửa hàng. Đó cũng là cách giữ an toàn cho bản thân tôi và mọi người", chị Thủy kể.
Chị Thủy còn cho biết, những xấp khẩu trang vải từ Việt Nam được gia đình gửi sang như phao cứu sinh cho cả nhà. Cả ngày những người làm nghề như chị Thủy đeo khẩu trang, găng tay kín mít. Nhưng khoảng cách với khách chỉ 50 cm, tay kề tay, không khí ngột ngạt, ẩn chứa mầm bệnh dịch. Chị cho biết: "Làm việc, nhưng chúng tôi nơm nớp lo mình bị phơi nhiễm, rồi sẽ về lây ra cả nhà và cả khách hàng khác".
Trái với những lo lắng về dịch bệnh lây lan của những người như chị Thủy, người dân Đức ở đây lại rất bình thản. Họ vẫn đi xem ca nhạc, bóng đá, ngồi đầy quán kem và nhà hàng vẫn chật kín người. Có người còn bảo với chị, hãy tìm hiểu mà xem hàng năm họ có cả trăm ngàn người nhiễm cúm. Số người chết có mấy trăm, thì với ngàn người bị nhiễm Covid -19, vài ba người chết đã nhằm nhò gì mà cuống.
Mới đây, Thủ tướng Đức đã coi đây là đại dịch không thể đẩy lùi được và phải sát cánh lâu dài. Bà còn dự đoán có thể đến 70% dân số Đức sẽ bị nhiễm. Nhưng sau bài phát biểu ngày 11/3/2020 của bà Thủ tướng, cả nước Đức vẫn chưa có biện pháp mạnh nào chống dịch được đưa ra. Con số người nhiễm Covid -19 đã lên hơn 1.000 người trên toàn bộ nước Đức. Bệnh viện chỉ tiếp nhận những trường hợp mới bị viêm phổi, còn lại khuyến cáo người dân tự cách ly, chữa trị tại nhà.
Chị Trần Thủy cùng con trai ở nơi xa xứ
Chị Thủy tâm sự: "Là người Việt, chúng tôi vẫn cập nhật thông tin chống dịch Covid-19 ở Việt Nam và gia đình, nên chỉ biết thở dài và chờ đợi. Chúng tôi được nhận lời dặn dò từ cha mẹ ở quê nhà Việt Nam, nên ăn uống thật tốt, giữ gìn sức khỏe. Bởi trong cuộc chiến này, nếu bị nhiễm Covid-19, những người Việt không được sinh ra trên xứ lạnh này, suốt ngày vất vả, tất bật mưu sinh như chúng tôi thì đề kháng làm sao tốt như người Tây được? Ngoài kia, còn biết bao những phận tằm long đong của người Việt làm mướn, làm thuê trên khắp nước Đức không có bảo hiểm, không người thân, biết bấu víu vào đâu nếu chẳng may bị bệnh?".
Tình đồng bào trong dịch Covid-19
Theo chị Thủy, cộng đồng người Việt ở Đức rất đoàn kết, bảo nhau chống dịch Covid -19. Những địa chỉ cho ở nhờ, những số điện thoại phiên dịch giúp khi bạn bị bệnh mà không biết tiếng đã được đưa lên trang mạng xã hội của người Việt. Những lời khuyên, những phương pháp phòng tránh từ Việt Nam được lan truyền rộng rãi tới cộng đồng người Việt ở Đức.
Trong khi đó, những con số người nhiễm Covid-19 và tử vong do bệnh này tăng lên chóng mặt. Vào ngày 12/3/2020 ở Ý là 17.000 người nhiễm, 1.300 người đã chết. Ở Đức đã có 2.300 người nhiễm, với 7 người chết. Pháp, Anh, Tây Ban Nha đều trên 2.000 người nhiễm Covid-19. Cả Châu Âu đã thành tâm điểm của dịch Covid-19 chỉ trong thời gian rất ngắn.
Ngày 13/3/2020, nhiều nước trong liên minh Châu Âu đã đơn phương đóng cửa biên giới. "Tôi không dám hình dung khi những ngày bệnh dịch căng thẳng như các nước láng giềng sẽ diễn ra ở Đức – nơi chúng tôi đang sống. Chỉ trong 4 ngày liên tục, từ 13/3 – 17/3/2020, nước Đức đã tăng gần 10.000 nghìn người nhiễm bệnh dịch. Những con số người nhiễm tăng chóng mặt theo giờ, khiến Chính phủ không thể bảo thủ hơn được nữa. Ngày 16/3/2020, Chính phủ chính thức cho học sinh trên toàn nước Đức nghỉ học, ở nhà học online. Chúng tôi thở phào, nỗi lo cho con cái đi học bị lây nhiễm đã được giải tỏa. Nhưng chúng tôi vẫn mong chờ những quyết sách mạnh hơn của bà Thủ tướng. Thực sự tôi rất lo khi thấy mọi người ngày chủ nhật vừa qua vẫn vui vẻ sưởi nắng đầy ở quán kem, các chuyến xe Bus vẫn rất đông người", chị kể trong nỗi lo lắng.
Theo chị Thủy, chỉ đến khi thông tin từ chính phủ Pháp và Tây Ban Nha phong tỏa cả nước, giới nghiêm với dân chúng thì Chính phủ Đức mới ra lệnh đóng cửa hàng, quán bar… từ ngày 18/3/2020, ngoại trừ những siêu thị thực phẩm, thuốc men được phép mở.
Chị Thủy cho biết, lệnh đóng cửa của Chính phủ cũng là cơ hội để gia đình Việt quan tâm đến nhau hơn sau bộn bề lo toan ở xa xứ. Sắc xuân ở châu Âu lúc này đẹp lắm, vẫn ánh nắng chan hoà như rót mật, hoà cùng khung trời xanh thẳm. Nhưng ngoài kia là những con đường bị phong tỏa bởi nạn dịch Covid-19. Những công viên không bóng người, những sân chơi vắng lặng.
Trước khi ngắt kết nối với chúng tôi, chị Thủy tâm sự: "Với người Việt xa xứ chúng tôi, đều rất tự hào vì là người Việt Nam. Trong cuộc chiến này, Chính phủ Việt Nam đã ngăn chặn dịch rất tốt ngay từ những ngày đầu. Chỉ một số vùng, một số người bị cách ly trong vòng kiểm soát. Còn lại đa số người dân trên cả nước vẫn bình an với cuộc sống đời thường. Không như đất nước Đức, chỉ vì coi thường dịch bệnh mà nay đang phải gồng mình chống trả dịch bệnh Covid -19. Dù vậy, người Việt còn ở lại châu Âu chúng tôi hiện vẫn bình an giữa mùa dịch. Cầu mong quê nhà Việt cũng sớm bình an".
"Những người bạn tôi ăn Tết ở Việt Nam rồi trở lại Đức rất ngạc nhiên khi quê hương mình chống dịch rất mạnh mà đến sân bay Đức vội vàng tháo ngay khẩu trang giấu đi vì sợ kì thị. Không cách ly, không đo thân nhiệt hành khách đến từ vùng dịch". Chị Trần Thuỷ, ở Giessen, thuộc Bang Hessen (Đức) |
Đức Trần - K.L