leftcenterrightdel
Cây đổ trên đoạn đường Opanuku, thung lũng Henderson, gần nơi chị Jenny Pham sống ở thành phố Auckland, New Zealand hôm 14/2. Ảnh:NVCC

Suốt 17 năm sống tại New Zealand, chị Eva Ly - sống tại thành phố Napier - chưa từng chứng kiến cơn bão với mức độ tàn phá lớn như vậy.

“Cây cầu giữa hai thành phố Napier và Hastings bị ngập nặng vì mưa bão nên không ai di chuyển được. Nhiều nhân viên trong cửa hàng của tôi phải nhờ lực lượng cứu hộ hỗ trợ. Trước mắt, họ đã được đưa đến nơi an toàn”, chị Ly chia sẻ.

Thành phố chị đang sống - thuộc vịnh Hawke - nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bão Gabrielle.

“Thành phố Napier và Hastings nước ngập rất cao. Người dân tại những khu vực này bị mất điện và Internet. Tôi cũng không rõ nhà tôi có bị ngập không, do chưa thể liên lạc được với bất cứ ai”, chị Ly nói thêm, đồng thời bày tỏ mong muốn nước sẽ sớm rút.

Cơn bão Gabrielle cũng khiến lịch trình quay trở lại Việt Nam dự đám cưới em trai của chị Ly bị gián đoạn. “Gia đình tôi thuê Airbnb gần sân bay hai đêm rồi. Đáng lẽ hôm nay gia đình tôi sẽ bay về Việt Nam, nhưng chuyến bay bị hoãn tới ngày mai”, chị Ly nói.

Không chỉ chị Ly, nhiều người Việt cho biết cuộc sống đã bị ảnh hưởng sau khi cơn bão Gabrielle quét qua. Chính phủ New Zealand ngày 14/2 đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc khi cơn bão này tàn phá cơ sở hạ tầng và gây thiệt hại tại nhiều khu vực.

Bộ trưởng ứng phó tình trạng khẩn cấp Kieran McAnulty cho biết bão Gabrielle là “hiện tượng thời tiết chưa từng có tiền lệ, gây ra tác động nghiêm trọng tại khu vực Đảo Bắc” của New Zealand.

Dù là tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, phạm vi áp dụng không bao trùm toàn bộ New Zealand. Các khu vực được ban bố khẩn cấp toàn quốc là những nơi trước đó đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở cấp địa phương.

Tính đến ngày 14/2, tình trạng khẩn cấp quốc gia được áp dụng cho các khu vực Northland, Auckland, Gisborne, vịnh Plenty, Waikato, vịnh Hawke và quận Tararua.

“Tiếng còi hú liên tục”

Từ Auckland, chị Kasey Phạm Trinh cho biết cả đêm qua, nhà chị không ai dám ngủ vì gió rít rất mạnh và sợ mất điện. Ngoài ra, tiếng còi hú liên tục khi đội cảnh sát và đội cứu hộ đến hỗ trợ người dân suốt đêm.

“Tôi thức suốt đêm cập nhật tin tức về cơn bão này”, chị chia sẻ.

Dù khu phố chị đang sống không mất điện, nhiều khu vực lân cận đang gặp tình cảnh này. Vào thời điểm trò chuyện với Zing chiều 14/2, chị cho biết trời đã hết mưa nhưng vẫn âm u và gió rất mạnh.

“Tôi may mắn ở khu Pine Hill - khu vực có địa thế cao - nên không bị ngập lụt. Dẫu vậy, nhiều vùng khác sát biển tại Auckland lại hứng chịu ngập khá nặng”, chị nói. “Trong lúc nhắn tin hỏi thăm bạn bè, tôi biết nhiều gia đình bị mất điện”.

leftcenterrightdel
Cây đổ trước cửa nhà bạn chị Kasey Phạm Trinh ở Auckland hôm 14/2. Ảnh:NVCC
 

Bên cạnh đó, chị Kasey cũng cho hay nhiều người bạn ở khu vực trũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là khi vừa trải qua ngập lụt hai tuần trước.

“Hai tuần trước ở đây có ngập lụt. (Người dân) không nhận được thông báo trước nên thiệt hại rất nặng nề. Tôi đi làm về cũng bị kẹt xe và thấy mọi người phàn nàn nhiều”, chị nhớ lại.

“Cửa hàng bạn tôi phải đóng cửa vì bị lụt nên phải gỡ hết đồ sửa lại. Nhà một người khác bị lụt garage. Khi gọi bảo hiểm, người ta nói phải kiên nhẫn vì giờ có rất nhiều nhà chung tình trạng, mình phải tự tháo đồ rồi đợi người đến sửa”, chị nói thêm.

Về công việc và sinh hoạt hàng ngày, chị Kasey cho hay tiệm của chị phải đóng cửa và cho nhân viên nghỉ: “Chồng tôi làm ngân hàng, phải làm việc tại nhà trong hai ngày thứ hai, thứ ba. Hai con tôi cũng bị ốm, sốt nên phải chuẩn bị thuốc men”.

Tương tự, chị Snow Nguyễn, sinh sống ở phía nam Auckland, cho biết tình hình thời tiết chiều 14/2 đã có phần tốt hơn so với mấy ngày qua, khi gió giật mạnh từng cơn và thỉnh thoảng mới có mưa. Trong khi đó, khu vực phía bắc chịu nhiều thiệt hại hơn.

“Dù không bị ảnh hưởng trực tiếp do nằm trên cao, nhà hàng của tôi ở khu vực phía bắc phải đóng cửa và không thể nhập đủ hàng để bán. Tôi cũng cho nhân viên tiệm tóc nghỉ để đảm bảo an toàn”, chị nói.

“Siêu thị Pak'nSave ở Wairau cũng đóng cửa vì nước ngập sâu, đồ đạc hỏng hết. Sân bay Auckland những ngày đầu ngập như sông và các chuyến bay bị huỷ gần hết”, chị lo lắng.

Chị Snow Nguyễn cho hay nhiều bạn bè ở phía bắc Auckland bị ảnh hưởng nặng bởi cơn bão. “Có người rời nhà đi tìm chỗ trú tạm do nước ngập sâu gần một m, có nhà ôtô ngập nước không di chuyển được. Nhẹ nhàng nhất cũng ngập hết thảm và sàn nhà”, chị nói.

“Nhiều người bạn của tôi phải đến ở nhờ người thân hoặc thuê khách sạn”, chị nói thêm.

leftcenterrightdel
 Đoạn đường gần nhà chị Jenny Pham ở thành phố Auckland bị sạt lở hôm 14/2. Ảnh:NVCC.
 

Chị Jenny Pham, ở thành phố Auckland, là một trong số những người chịu cảnh mất điện do bão.

“Toàn bộ khu vực tôi sống không có điện từ ngày 13/2 và chưa nhận được thông báo chắc chắn về thời điểm có điện trở lại. Gia đình phải dùng đến máy phát điện và các bình sạc để sinh hoạt”, chị nói.

“Hơn 20 năm sinh sống tại New Zealand, tôi chưa gặp cơn bão nào giống lần này, đặc biệt là vào mùa hè. Tôi rất bất ngờ với thời tiết cực đoan hiện tại”, chị nói thêm.

May mắn, chị Jenny đã chuẩn bị đủ thực phẩm trước cơn bão, do đó trong những ngày này, gia đình chị chủ yếu ở nhà, hạn chế ra đường. “Các con cũng được nghỉ học. Nếu tình trạng mất điện kéo dài, có khả năng tôi sẽ di chuyển đến khu vực nhà người thân có điện”, chị dự tính.

Điều lo ngại nhất

Trước khi bão đổ bộ, gia đình chị Snow đã mua đồ tích trữ để chuẩn bị cho những tình huống xấu như thực phẩm, mì tôm, bình gas mini. Bên cạnh đó, gia đình chị đã sạc đầy pin điện thoại phòng trường hợp mất điện.

“Đến giờ, thời tiết đã ổn định hơn. Nhiều khách hàng cũng gọi nên chúng tôi quyết định tiếp tục công việc vào ngày mai”, chị nói.

Chị Snow dành nhiều lời khen ngợi đối với công tác chuẩn bị và khắc phục bão từ chính quyền New Zealand. Theo chị, giới chức đã đưa ra thông báo tới người dân trước khi cơn bão đổ bộ.

leftcenterrightdel
 Thời tiết Auckland chiều 14/2 vẫn âm u sau trận bão lớn. Ảnh:NVCC.

Đây cũng là cảm nhận của chị Kasey về các động thái của chính phủ. Chị cho hay do đã có kinh nghiệm từ trận ngập lụt hai tuần trước, gia đình chị đã chuẩn bị tốt hơn theo khuyến cáo của chính phủ.

“Lần này chính phủ chuẩn bị rất kĩ và dự báo sớm. Từ ngày 11/2, chính phủ New Zealand thông báo mọi người cần dự trữ thức ăn, gas và nước sạch cho 3 ngày. Nhờ vậy, hiện gia đình tôi không gặp tình trạng thiếu thực phẩm”, chị nói.

Tuy nhiên, khi người dân đổ xô tích trữ đồ thiết yếu, nhiều siêu thị cũng hết sạch nước, gas và một số thực phẩm như trứng.

“Hôm 11/2, siêu thị rất đông và chen chúc nhau. Tình hình tại siêu thị rất hỗn loạn, tôi phải xếp hàng dài mà không có chỗ đậu xe. Bên cạnh đó, gia đình tôi cũng không thể mua được trứng và bánh mì tại siêu thị gần nhà”, chị Kasey nói, chia sẻ thêm chồng chị phải “tìm đến nhiều siêu thị để mua nước suối, bình gas mini dự trữ”.

Hôm 14/2, siêu thị gần nhà chị Kasey đã ra thông báo về một số gián đoạn trong khâu vận chuyển hàng hóa đến từng nhà và yêu cầu người dân chỉ mua những gì họ cần.

Giữa tình cảnh này, điều chị Kasey lo lắng nhất là những ảnh hưởng của cơn bão tới thu nhập gia đình. “Bão ai cũng bị ảnh hưởng, cả việc kinh doanh của tôi cũng không ngoại lệ. Cửa hàng tôi kinh doanh bấp bênh từ 2 tuần nay rồi. Bão thế này, có ai hứng đi làm đẹp đâu!”, chị nói.

Với chị Eva Ly, những tiệm làm đẹp và nhà hàng của chị cũng phải đóng cửa vì mưa bão. “Trước tình hình lũ lụt như vậy, không ai dám mở cửa và cũng không ai dám ra đường. Thiệt hại chắc chắn rất lớn, nhưng tôi hiểu đây là tình hình chung của nhiều khu vực”, chị nói.

“Nhiều nhân viên của tôi mới từ Việt Nam qua chưa đến hai tháng, nhưng họ đã phải chịu cảnh này. Ở cương vị quản lý, tôi thấy rất tội lỗi”, chị Ly nói thêm.

Theo zingnews