leftcenterrightdel
 

 “Kể từ khi đồng USD tăng giá mạnh, giá thực phẩm tại Cairo có thể tăng khoảng 2-3 lần chỉ sau một đêm. Chẳng hạn, bình thường, cà chua có giá khoảng 5 bảng Ai Cập/kg, con số đó có thể tăng đến 12 bảng/kg vào sáng hôm sau. Thịt gà cũng vậy”, chị Quỳnh Anh - hiện làm việc trong lĩnh vực du lịch ở thủ đô Ai Cập - chia sẻ với Zing.

Trong khi đó, từ thành phố Pasay (Philippines), chị Trần Lệ Mỹ cho biết dù giá đã giảm, hành tây vẫn là mặt hàng đắt đỏ hàng đầu tại nước này trong thời gian gần đây. Chị cho hay điều này khiến nhiều người hạn chế sử dụng nguyên liệu này hết mức.

“Với thực trạng hiện tại, giá hành quá cao. Nhiều khi, với người dân có mức thu nhập trung bình, mua hành là điều xa xỉ. Tôi đi chợ có thấy một số người chỉ mua 3-5 củ hành nhỏ, không hiểu nấu được trong bao lâu?”, chị nói.

Philippines và Ai Cập chỉ là một trong số nhiều quốc gia đang hứng chịu vòng xoáy lạm phát trên toàn cầu. Tuyên bố chung ngày 8/2 từ những người đứng đầu một số tổ chức quốc tế như Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp, Quỹ Tiền tệ Quốc tế,... cho hay lạm phát lương thực vẫn ở mức cao trên thế giới, trong đó hàng chục quốc gia lạm phát hai con số.

Trên toàn cầu, cảnh nghèo đói và mất an ninh lương thực đang gia tăng sau nhiều thập niên đạt được thành tựu. Chuỗi cung ứng gián đoạn, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, tài chính thắt chặt do lãi suất tăng và chiến sự Ukraine đã gây ra cú sốc chưa từng có đối với hệ thống lương thực toàn cầu, trong đó nhóm dễ bị tổn thương ảnh hưởng nặng nề nhất.

Khi món bình dân thành mặt hàng xa xỉ

Sau nhiều tháng đồng tiền lao dốc, Ai Cập ngày càng cảm nhận rõ khủng hoảng lạm phát. Bloomberg đưa tin lạm phát tại nước này vượt quá 21% trong tháng 12/2022, theo cơ quan thống kê nhà nước CAPMAS. Con số này được thúc đẩy bởi sự gia tăng 37,2% trong chi phí thực phẩm và đồ uống.

Theo chia sẻ của chị Quỳnh Anh - sống 2 năm ở Ai Cập, người dân nước này ăn thịt gà nhiều nhất vì tươi và chi phí thấp, song giá của loại thực phẩm này lại tăng rất mạnh.

“Trước khi lạm phát leo thang, một kg ức gà tươi chỉ rơi vào khoảng 50-60 bảng, nhưng hiện tại nó hiện đã rơi vào khoảng 110 bảng”, chị nói.

“Nhóm thịt là tăng mạnh nhất, còn rau củ tôi thấy tăng ở mức chấp nhận được. Ngoài ra, chi phí mua xe, mua nhà hay thuê nhà cũng tăng mạnh”, chị chia sẻ thêm.

Ngay cả trứng gà cũng tăng giá chóng mặt tại Cairo.

“Trứng cũng trở nên đắt đỏ một cách khó hiểu nên gia đình tôi đã không mua trứng khoảng 2-3 tháng trở lại đây. Mặc dù vẫn nằm trong phạm vi giá mà gia đình tôi có thể chi trả, trứng khá đắt khi là loại thực phẩm cơ bản và thường có giá rẻ như vậy”, chị nói.

Chị cho biết trứng thậm chí đã tăng từ trước khi lạm phát và vẫn tiếp tục tăng ở thời điểm hiện tại. “Trứng bình thường có giá khoảng 15 bảng/một khay 10 quả, song sau một đêm, giá đột nhiên tăng lên 30-50 bảng/khay và vẫn tiếp tục tăng”, chị nói.

“Trứng thực sự đã trở thành thực phẩm xa xỉ ở Ai Cập”, chị Quỳnh Anh nhận định.

leftcenterrightdel
 Chị Quỳnh Anh hiện làm việc trong lĩnh vực du lịch ở thủ đô Cairo (Ai Cập). Ảnh:NVCC.
 

Do có nguồn thu nhập khá ổn định, cuộc sống của gia đình chị Quỳnh Anh không mấy xáo trộn trước cơn bão giá. “Lạm phát cũng gây ra đôi chút ảnh hưởng đối với gia đình tôi, nhưng cầu trời, chúng tôi vẫn có khoản đủ để tạm thời đối phó”, chị Quỳnh Anh nói.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của chị, cuộc sống của người dân Ai Cập hiện tại gặp muôn vàn khó khăn trong thời kỳ bão giá. Đối với những người dân thuộc nhóm có thu nhập trung bình thấp, họ phải vật lộn với chi phí trả tiền nhà và mua thực phẩm, chị Quỳnh Anh nói.

Chẳng hạn, đối với gia đình 4 người của em chồng chị, chi phí thực phẩm rơi vào khoảng 1.500 bảng/tháng - chiếm khoảng 30-40% thu nhập gia đình.

“Tôi nhận thấy nhiều người dân ở đây đi làm chỉ để mua thực phẩm và trả tiền nhà. Nhiều người dân phải hạn chế ăn trứng, uống sữa để có thể tiết kiệm thêm chi phí”, chị Quỳnh Anh cho biết.

Theo chia sẻ của chị Quỳnh Anh, thực phẩm đôi khi có thể chiếm tới 30-40% lương của một người dân Ai Cập bình thường.

“Vì vậy, việc giá nhiều thực phẩm đều tăng mạnh khiến cuộc sống của họ khó khăn tột độ. Đối với những hộ gia đình có thu nhập trung bình thấp, phải chắt chiu lắm mới có thể tiết kiệm được 100-200 bảng/tháng”, chị chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Ai Cập chứng kiến lạm phát 2 con số trong tháng 12/2022. Ảnh:Reuters

Tại Ai Cập, một quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chị cho biết nhiều người Ai Cập phải tiết kiệm cả đời để mua xe cũ do họ gặp nhiều bất tiện khi sáng sớm phải đi bắt tàu điện ngầm, đi bộ,...

Từ đó, chị nhận thấy nếu lạm phát tiếp tục leo thang như vậy, đối với người dân ở đây, chỉ việc ăn uống cũng có thể khiến họ khốn đốn, chứ chưa nói đến tiền nhà, tiền xe cộ,...

Trước tình hình lạm phát leo thang nhanh chóng như vậy, người dân Ai Cập phải xoay xở tìm cách đối phó. Theo chị, người dân ở đây thường chọn những món chay, nui hoặc những ăn món như taameya do chi phí thấp. Trong khi đó, đối với thịt bò và thịt cừu, họ lại hạn chế ăn lại vì giá cao, chị chia sẻ thêm.

Chưa phải là mức giá người dân mong muốn

Câu chuyện ở Ai Cập phần nào lặp lại tại Philippines. Inquirer đưa tin lạm phát tại Philippines đã tăng lên mức cao mới trong 14 năm là 8,7% vào tháng 1.

Trong một cuộc họp báo, quan chức Dennis Mapa cho biết nhóm gồm giá nhà ở, nước, điện, khí đốt và các nhiên liệu khác là nguyên nhân chính khiến lạm phát trong tháng 1 tăng nhanh hơn so với tháng 12/2022.

Yếu tố thứ hai góp phần vào lạm phát chung trong tháng 1 là thực phẩm và đồ uống không cồn. Giá trong nhóm phụ gồm rau và hành tây tăng 38% trong tháng 1, so với 32% trong tháng 12/2022.

BBC từng nhận định hành tây - thành phần chính trong ẩm thực Philippines - trở thành biểu tượng cho thực trạng chi phí sinh hoạt ngày càng tăng tại nước này. Tờ Manila Times cho hay giá hành tây ở Philippines đắt nhất trên Trái Đất.

Chị Trần Lệ Mỹ cho biết dẫu đã hạ nhiệt, giá hành tây tại Philippines “đúng là như mọi người nói, còn đắt hơn thịt”. Theo thống kê chính thức, hồi tháng 12/2022, giá hành tây ở Philippines tăng lên khoảng 700 peso/kg (tương đương 12,8 USD). Con số này cao hơn giá thịt và mức lương tối thiểu một ngày của quốc gia Đông Nam Á này.

“Tôi không rõ có áp dụng hạn chế số lượng khi mua hay không, nhưng giờ giá cũng đắt nên nhiều người không dám mua số lượng nhiều nữa. Chắc chỉ có các nhà hàng lớn cần hành để sử dụng mới xuống tay mua nhiều”, chị nói.

Chị cho biết tình hình giá hành tây lên cao đã xảy ra vài tháng từ trước Tết Dương lịch. Tuy mua nhiều hành tây giá sẽ rẻ hơn một chút, chị Mỹ thấy biện pháp này không đảm bảo chất lượng bởi hành chưa khô hẳn mua về để lâu sẽ bị hỏng.

leftcenterrightdel
 Hành tây là nguyên liệu quan trọng trong các món ăn của Philippines. Ảnh:Inquirer

Trước đây vài tuần, chị Mỹ đổi sang hành tươi có củ to bên dưới nhằm lấy luôn để phi. Tuy nhiên, hiện tại, chị chỉ mua loại hành nhỏ để phi cùng tỏi khi nấu ăn.

“Mấy món có hành tây tôi không nấu vì quá đắt đỏ. Hành tây không xuất hiện trong thực đơn nhà tôi nữa”, chị chia sẻ.

Tuy nhiên, là người kinh doanh thực phẩm, chị Mỹ vẫn buộc phải mua hành để chế biến món ăn cho khách.

“Hành đắt kéo theo chi phí đầu vào nhập thực phẩm tăng. Giá hành cao có ảnh hưởng, nhưng bây giờ giá giảm hơn một chút nên tôi vẫn chấp nhận mua. Giải pháp tạm thời là hạn chế dùng hoặc mua loại rẻ hơn”, chị nói.

Dẫu vậy, nếu giá thực sự tăng quá cao, chị Mỹ sẽ cân nhắc tăng giá bán đồ ăn. “Hiện tại giá đã bình ổn hơn so với đợt Tết. Với mức giá này, người buôn bán như tôi vẫn chấp nhận được, nhưng có lẽ với người dân vẫn chưa thật sự là mức giá họ cần”, chị chia sẻ.

Trong một năm kinh doanh đồ ăn tại Philippines, đây là lần đầu chị Mỹ gặp trường hợp này. Tuy nhiên, chị vẫn hiểu rõ đây là tình trạng có thể xảy ra, do vị trí địa lý khiến nước này dễ hứng chịu thiên tai.

“Ở Philippines, mỗi dịp lễ đều dễ khiến thực phẩm tăng giá. Đặc biệt nếu có mưa bão, giá rau củ quả cũng tăng chóng mặt”, chị cho hay.

Hành tây quý giá tới mức nguyên liệu này trở thành hàng nóng buôn lậu.

Gần đây, hôm 4/2, giới chức Philippines đã tiêu hủy hơn 70.000 kg hành nhập lậu tại thành phố Zamboanga do lo ngại về an toàn công cộng, Inquirer đưa tin.

Phó thị trưởng thành phố Josephine Pareja bày tỏ sự tiếc nuối khi thấy hàng tấn hành tây đỏ và vàng bị đổ xuống hố, ngay cả khi người tiêu dùng phải vật lộn với giá hàng hóa tăng cao do nguồn cung hạn chế.

“Thật tiếc khi chứng kiến những củ hành đắt tiền bị vứt bỏ do không có chứng nhận vệ sinh”, bà Pareja nói, nhưng nhấn mạnh vẫn cần thực thi quy định an toàn thực phẩm.

Theo zingnews