|
|
Lễ khai mạc World Cup 2022, hôm 20/11. Ảnh: Reuters. |
Khu dân cư của chị Sophia (38 tuổi) nằm ở trung tâm West Bay (Doha, Qatar) - nơi có nhiều thay đổi rõ nét nhất từ khi World Cup 2022 được đăng cai tại đất nước này.
“Từ bãi biển chỉ toàn cát, không có gì đặc sắc nhưng chỉ sau mấy tháng đã trở nên tráng lệ với các công trình đồ sộ, có khu vực cho khách, nhà hàng, điểm giải trí, chỗ chèo thuyền. Ngoài ra, công viên, đường sá cũng được cải tạo đúng thời hạn. Cả thành phố giống như thế giới thể thao thu nhỏ”, chị Sophia chia sẻ.
Theo cảm nhận của chị, do lượng lớn khách du lịch đổ về thủ đô Doha trong thời gian ngắn, cuộc sống của người dân có chút ảnh hưởng. Cụ thể, đa số các con phố bị chặn, học sinh được nghỉ đông để tránh kẹt xe, ưu tiên cho tàu điện và xe buýt FIFA.
Bên cạnh đó, nhiều công ty ở nơi này phải cho nhân viên nghỉ phép hoặc thay đổi giờ làm việc. Sự đông đúc thể hiện rõ nhất ở các siêu thị, trung tâm thương mại, tàu điện ngầm.
Tuy nhiên, nhờ kiểm soát chặt chẽ, có cơ quan chịu trách nhiệm phân luồng nên tình trạng tắc nghẽn không kéo dài lâu. Đặc biệt, giá cả của các dịch vụ gần như giữ nguyên.
Hiện tại, hàng ngày đều có lễ hội âm nhạc ánh sáng, các chương trình biểu diễn về văn hoá truyền thống để chào đón người hâm mộ từ khắp nơi trên thế giới. Riêng gia đình chị lựa chọn rủ bạn bè đi cắm trại ngoài biển, tránh xa các khu đông cổ động viên để tận hưởng ngày nghỉ.
Nhiều người Việt sống tại Qatar và cả các nước lân cận đang cảm nhận sự sôi động của giải bóng đá lớn nhất hành tinh. World Cup 2022 không chỉ đưa đến không khí cho những cổ động viên yêu bóng đá, mà còn phần nào thay đổi nhịp sống của hơn 2 triệu người nước ngoài đang học tập, làm việc tại quốc gia Vùng Vịnh.
Trở thành tình nguyện viên
Cùng chung tâm lý hào hứng như nhiều fan trong làng túc cầu, Diệp Hưng Phát (19 tuổi), du học sinh tại Đại học Carnegie Mellon (Doha, Qatar), cũng đang chờ đợi những trận đấu đẹp mắt của các đội bóng nổi tiếng.
Phát cho hay từ giữa tháng 10, không khí bóng đá đã len lỏi khắp các ngõ hẻm, đường phố. Bất cứ ai sống ở quốc gia Vùng Vịnh này đều cảm nhận được sự nhộn nhịp khi hàng triệu người hâm mộ đổ về đây.
Với vai trò cộng tác viên cho FIFA, Phát có cơ hội tham quan vài sân vận động trước ngày khai mạc. Anh giữ nhiệm vụ hỗ trợ cho mỗi trận đấu tại sân Ahmed bin Ali.
|
|
Phát là cộng tác viên nên được xem nhiều trận đấu miễn phí. |
“Sau trận đầu tiên giữa Qatar và Ecuador, mọi thứ đang rất bùng nổ, sự phấn khích của cổ động viên được đẩy lên cao. Ở một số khu vực như fan zone hay triển lãm đều đông kỷ lục, chưa bao giờ tôi thấy náo nhiệt như thế. Tuy nhiên, Qatar đang làm khá tốt trong việc quản lý và hỗ trợ du khách”, Phát kể.
Theo chàng trai mô tả, hiện tại, hệ thống tàu điện ngầm chạy hết công suất, cứ 4 phút lại có một chuyến. Các khách sạn được lấp kín, nhiều người còn đặt trước từ tháng 8.
Thậm chí, làng cổ động viên cũng không còn phòng dù giá khá đắt, gần 200 USD/đêm.
Vì nhu cầu đột ngột tăng cao, người sử dụng các dịch vụ đặt đồ ăn như Snoonu hay Talabat phải chờ hơi lâu và trả phí cao hơn so với thường ngày.
“Người đi làm được khuyến khích sử dụng metro và các phương tiện công cộng để tránh ùn tắc, ảnh hưởng đến lộ trình đoàn cầu thủ di chuyển từ khách sạn đến sân tập. Giống như Việt Nam có phố đi bộ thì bên đây có fan zone ở nhiều khu vực khác nhau như Lusail, Al Khor, lớn nhất là Al Bidda”, Phát nói thêm.
Đông đúc chưa từng thấy
Không phải là người hâm mộ bóng đá, Lê Nguyệt Hà (19 tuổi, sinh viên Đại học Carnegie Mellon) vẫn có thể cảm nhận rõ không khí rộn ràng, sôi động của World Cup trong những ngày này.
“Mọi thứ đều thay đổi. Những con đường, tòa nhà, trung tâm thương mại, ga tàu trong thành phố đều được bao phủ bởi lá cờ của 32 nước dự World Cup. Hình ảnh các cầu thủ nổi tiếng xuất hiện khắp mọi nơi. Khi đi tàu điện ngầm, tôi còn gặp rất nhiều fan bóng đá mặc áo đội tuyển, cầm cờ nước họ và hát hò rất náo nhiệt”, Nguyệt Hà kể.
Từ khi World Cup khai mạc, Nguyệt Hà nói rằng số lượng du khách tăng đột biến. Tại một quốc gia có dân số chưa đầy 3 triệu người như Qatar, việc đón 1,2 triệu cổ động viên bóng đá trong vòng một tháng tới là hình ảnh rất hiếm thấy.
“Tôi đến Doha du học vào tháng 8/2021 và lần đầu tiên chứng kiến cảnh đông đúc như bây giờ. Cuối năm ngoái, Qatar cũng đăng cai giải Arab Cup nhưng thực sự không thể đông như bây giờ. Điều đó cũng dễ hiểu vì quy mô hai giải đấu rất khác nhau”.
|
|
Nguyệt Hà (đứng thứ 3, từ trái sang) đang theo học Đại học Carnegie Mellon (Doha, Qatar). |
Ngoài ra, nữ du học sinh đặc biệt ấn tượng với số lượng tình nguyện viên tại World Cup 2022. Chủ nhà Qatar cho biết đã huy động hơn 20.000 tình nguyện viên từ nhiều nước trong khu vực để điều phối, hướng dẫn cổ động viên trong suốt giải đấu.
“Cứ đi vài bước là gặp 1 bạn tình nguyện viên/nhân viên, nên chắc những ai lần đầu đến Qatar sẽ không quá bỡ ngỡ đâu”.
Chỗ ở hiện tại của Hà khá gần sân vận động Education City, một trong 8 sân vận động phục vụ World Cup. Tuy vậy, cô không có ý định mua vé xem các trận đấu ở đây.
“Một phần vì giá vé khá đắt. Theo tôi được biết thì vé xem một trận vòng bảng, vị trí bình thường với người ở Qatar là khoảng 80 USD, khách quốc tế có thể phải trả số tiền lớn hơn. Nếu so với thu nhập của người dân Qatar thì không quá cao, nhưng lại là số tiền không nhỏ với du học sinh. Hơn nữa, tôi cũng không đặc biệt hâm mộ cầu thủ nào cả”.
Với những người Việt sống tại các nước lân cận Qatar, không khí World Cup 2022, giải đấu lần đầu tiên được tổ chức tại khu vực Trung Đông, cũng đang sống động hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, chi phí để họ có thể đến xem một trận bóng đắt hơn rất nhiều so với các đồng hương ở Qatar.
|
|
Anh Long sẽ bay từ Dubai đến Qatar vào 26/11 để theo dõi các trận đấu của World Cup. |
Nhóm 10 người của anh Long (35 tuổi, sống tại Dubai, UAE) sẽ lên chuyến bay khởi hành từ Dubai đến Doha vào ngày 26/11.
Cả nhóm sẽ ở lại Doha trong 4 ngày 3 đêm để xem các trận đấu vòng bảng Argentina - Mexico, Đức - Tây Ban Nha, Brazil - Thuỵ Sĩ.
"Vé xem các trận đấu hiện tại vẫn còn khá nhiều từ các tổng vé trên cả thế giới, nhưng giá vé khá đắt so với các kỳ World Cup trước, về đến tay người xem cũng khoảng 350 USD trở lên", anh Long cho biết.
Như nhiều người hâm mộ khác đến Qatar xem World Cup, anh Long nói rằng vấn đề đau đầu nhất là đặt phòng khách sạn.
"Nhóm tôi đã đặt phòng trước mà giá vẫn rất đắt, hơn 1.000 USD/đêm cho phòng ốc bình thường. Nếu đợt tới sang tiếp, chắc tôi chỉ xem rồi bay về, không ở lại nữa", anh kể.
Hiện tại, mỗi ngày có 120 chuyến bay từ UAE đến Qatar. Giá vé không đắt hơn so với trước đây, khoảng 1.250 Dirham (khoảng 8,5 triệu đồng) cho vé khứ hồi trong 24h.
Tuy vậy, chính sách làm hayya card, mã định danh người hâm mộ (fan ID) được chính phủ Qatar cấp cho người đến xem các trận đấu của FIFA World Cup 2022, khá mất thời gian.
Theo zingnews