Kết quả khảo sát năm cơ sở kinh doanh của người Việt trong tuần cao điểm trước lễ Giáng sinh, trong đó có ba cửa hàng vải và hai cửa hàng thực phẩm, tại Praha, Strkonice, Plzen, Most và Hladec Kralove, cảm nhận chung là không thấy sự nhộn nhịp như lẽ ra phải có vào dịp người Séc chi tiêu hào phóng nhất để mua quà cho người thân.
Khác với ở Nga, đối với người dân Séc, Giáng sinh là ngày lễ lớn nhất, quan trọng nhất trong năm chứ không phải Năm mới và quà tặng Giáng sinh là “to tiền” nhất, hơn cả quà sinh nhật.
Chị Ngọc Thành, doanh nhân ở thành phố Most, cho biết cửa hàng của chị rộng hơn 800 m2 và nằm ngay ở trung tâm mua sắm của thành phố. Tuy nhiên, khách mua sắm không đông ngay cả vào những ngày cao điểm. Doanh thu giảm gần một nửa so với năm 2014 mặc dù vốn đầu tư lớn hơn, mặt hàng phong phú hơn, việc bày biện hợp lý và đẹp mắt hơn.
Các của hàng người Việt ở Trung tâm thương mại Sapa khá vắng khách
Ý kiến của chị Ngọc Thành trùng hợp với nhận xét của chị Phạm Thị Hương ở Trung tâm Thương mại Sapa (Praha), người chuyên đổ mối hàng cho các doanh nhân Việt ở các tỉnh, thành phố của Séc.
Chị Hương nói rằng trong tháng 12/2015, các đối tác đến mua hàng bổ sung ít hơn hẳn, chứng tỏ tình trạng bán lẻ không khả quan. Có phải năm 2015 người Séc ít mua quà Giáng sinh hơn mọi năm? Quả thực, sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì người Séc đã biết tiết kiệm, không “vung tay” như trước. Những người Việt bán hàng nhận thấy rõ điều này trong mấy năm gần đây. Song việc tặng quà cho người thân vào dịp Giáng sinh vẫn được người tiêu dùng Séc ưu tiên.
Theo khảo sát điều tra của hãng STEM/MARK, dịp Giáng sinh 2015 mỗi gia đình người Séc chi trung bình 7.700 koruna (285 euro) để tặng quà cho người thân, tăng hơn 300 koruna so với năm ngoái. Việc doanh thu của các cửa hàng Việt giảm sút là do nhiều nguyên nhân khác.
Các hệ thống bán lẻ của nước ngoài ngày càng mở rộng ở Séc. Người kinh doanh Việt Nam rõ ràng đang ở trong thế bất lợi khi phải cạnh tranh với các siêu thị, đại siêu thị. Những năm gần đây các cửa hàng vải, dụng cụ gia đình của người Việt có diện tích dưới 500 m2 chật vật tồn tại vì không có đủ mặt bằng để nhập nhiều mặt hàng theo nhu cầu của khách.
Dù quầy hàng thực phẩm hay quần áo đều không có nhiều khách
Các cửa hàng Việt có ưu thế về giá và chọn đối tượng phục vụ là tầng lớp có thu nhập thấp, thường là người về hưu. Tuy nhiên, phân khúc này giờ đây không còn là “độc quyền” của các doanh nhân Việt nữa vì các “ông lớn” bán lẻ đã bắt đầu để ý đến đối tượng khách hàng ít tiền. Những người Việt kinh doanh ít vốn đã bỏ cuộc, chuyển sang buôn bán thực phẩm hoặc đi làm thuê, vào các nhà máy làm công nhân.
Năm 2015 cũng là năm thời tiết không thuận cho việc kinh doanh hàng vải nói chung và của người Việt nói riêng. Nhiệt độ quá cao (37-38 độ C) khi đã vào vụ xả hàng Thu. Mùa Đông không lạnh, không tuyết cho đến ngày Giáng sinh và nhiệt độ xuống hơi thấp (-4 độ C) chỉ vào vài ngày cuối năm nên các mặt hàng đặc thù như áo khoác dày, tất hai lớp, mũ len, đồ dùng trượt tuyết..., không tiêu thụ được.
Trong khi đó, do có nhiều người Việt chuyển từ kinh doanh hàng vải sang mặt hàng thực phẩm nên năm nay lĩnh vực này không còn được coi là “hot” nữa. Anh Văn Phương, chủ một cửa hàng thực phẩm nhỏ ở ngoại ô thành phố Hladec Kralove, cho biết dịp Giáng sinh không phải là thời điểm cao điểm của các cửa hàng thực phẩm. Người dân Séc khi muốn tích trữ thức ăn cho kỳ nghỉ lễ thì đánh ôtô đến các đại siêu thị vì ở đó mặt hàng phong phú và hay được khuyến mại. Mùa Hè mới vào vụ nhưng năm 2015 cũng kém hẳn, chứ không phải sụt giảm từ từ, so với năm 2014.
Năm 2015 khép lại với rất nhiều khó khăn đối với các doanh nhân Việt ở Séc. Nhiều người hy vọng năm mới 2016 sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, niềm hy vọng này hiện chưa được củng cố bằng những yếu tố hiện thực như bước đột phá về chiến lược, sự thay đổi lĩnh vực kinh doanh cũng như việc mở rộng phân khúc thị trường...
Trần Quang Vinh/vietnamplus.vn