"Người dân thành phố Kharkov lo lắng về tương lai do những diễn biến căng thẳng hiện nay và thông tin chưa rõ ràng. Mọi người đều hy vọng mọi thứ sẽ không diễn biến xấu đi", Mạnh Hùng, nghiên cứu sinh Đại học Hàng không Kharkov đã sống ở Ukraine gần 10 năm qua, chia sẻ với VnExpress về tình hình ở Ukraine khi căng thẳng với Nga lên cao.

Thành phố Kharkov nơi Hùng ở là thủ phủ của tỉnh cùng tên ở miền đông Ukraine và tiếp giáp Nga. Đây là một trong ba thành phố tập trung đông cộng đồng người Việt nhất tại Ukraine, cùng với thủ đô Kiev và thành phố cảng Odesssa ở phía nam.

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị vượt sông Aidar trong diễn tập gần Novoaidar, tỉnh Luhansk ngày 14/12/2021. Ảnh: Reuters.

Binh sĩ Ukraine chuẩn bị vượt sông Aidar trong diễn tập gần Novoaidar, tỉnh Luhansk ngày 14/12/2021. Ảnh: Reuters.

Đợt triển khai lực lượng quân sự của Nga gần biên giới Ukraine cùng những cảnh báo chiến tranh liên tục từ chính phủ ở Kiev và các nước phương Tây gần đây khiến dư luận Ukraine nhiễu loạn thông tin. Trong khi Mỹ và Ukraine cáo buộc Nga chuẩn bị tấn công, Moskva bác bỏ, khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.

Giữa những thông tin căng thẳng leo thang gần biên giới, Hùng cho hay chợ và siêu thị ở Kharkov vẫn hoạt động ổn định, không có hiện tượng người dân mua hàng tích trữ hay dè chừng khi ra đường. Đi lại trong thành phố chưa có dấu hiệu bất thường hay hạn chế nào, trừ những quy định phòng chống Covid-19 do chính phủ Ukraine ban bố.

Hôm 17/1, Cục Bảo vệ Dân sự thuộc Cơ quan Quản lý Nhà nước tỉnh Kharkov thông báo kích hoạt hệ thống còi báo động công cộng để kiểm tra kỹ thuật trong hai ngày sau. Tuy nhiên, người Việt sinh sống tại Kharkov cho hay đây chỉ là hoạt động thường niên và còi báo động cũng không vang lên trong ngày 19/1.

Lo lắng khi Nga, Ukraine và NATO chưa thể đạt thỏa thuận cho cuộc khủng hoảng hiện nay, nhưng Hùng vẫn luôn cố gắng suy nghĩ theo hướng tích cực nhất và "hy vọng điều không ai mong muốn sẽ không xảy ra".

Vị trí thành phố Kharkov của Ukraine. Đồ họa: Wikimedia.

Vị trí thành phố Kharkov của Ukraine. Đồ họa: Wikipedia.

Anh chia sẻ cộng đồng người Việt ở thành phố đang quan tâm nhiều hơn đến hồi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19. "Tôi chỉ mong sao xung đột không xảy ra, đất nước yên bình để kinh tế của bà con người Việt lẫn bản địa không chịu thêm một gánh nặng", Hùng nói.

Ông Huỳnh Nghĩa, một người Việt đã sống ở Ukraine hơn 30 năm qua, cũng nhận thấy tình hình an ninh ở Ukraine không đến mức nghiêm trọng như báo chí phương Tây đưa tin và cuộc sống ở Kharkov vẫn diễn ra bình thường.

Ông tin chiến tranh Nga - Ukraine sẽ không nổ ra, nhưng lo ngại căng thẳng song phương có thể tiếp tục ảnh hưởng lớn đến đời sống và kinh tế của người dân.

Kharkov đã bị cắt giao thương với vùng Donbas do phe ly khai kiểm soát và biên giới Nga, khiến bà con người Việt ở chợ đầu mối Barabashova mất đi hai nguồn khách hàng quan trọng. Giá khí đốt tăng cũng đang tác động đến mọi mặt đời sống, từ các ngành công nghiệp, chế biến thực phẩm, đến sưởi ấm, nước nóng cho mùa đông, khiến giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng theo.

"Lò sưởi trong ký túc xá và các gia đình ngày trước lúc nào cũng ấm, nhưng giờ không được thoải mái như thế nữa. Giá khí đốt hay nước nóng đã tăng", Hùng cho biết.

Bên trong khu chợ của người Việt tại Barasova, thành phố Kharkov, phía đông Ukraine. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bên trong khu chợ của người Việt tại Barabashova, thành phố Kharkov, phía đông Ukraine. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Sau 10 năm sống ở Ukraine, Hùng nhận thấy tình hình kinh tế nước này khó khăn hơn rất nhiều sau thời điểm 2014. Tình hình mới chỉ tốt hơn một chút vài năm gần đây, khi mọi người dần cởi mở hơn, đi lại tương đối an toàn, trước khi thông tin về căng thẳng với Nga xuất hiện.

Cộng đồng người Việt ở Kharkov hiện có khoảng 3.000 người, giảm gần một nửa so với thời điểm năm 2014. Do tình hình kinh doanh gần đây gặp nhiều khó khăn, nhiều bà con đã chuyển sang nước khác hoặc thành phố khác để làm ăn.

Chứng kiến nhiều biến động của Ukraine, từ phong trào biểu tình Euromaidan năm 2014 đến cuộc xung đột ở vùng ly khai Donbas, ông Nghĩa cho biết chiến sự từng có lúc diễn ra cách nơi ông sống chỉ khoảng 100 km. Người Việt sống ở thành phố lúc đó rất lo lắng, người thân từ Việt Nam liên tục gọi điện hối thúc về nước, nhưng cuộc sống ở Kharkov cuối cùng vẫn an toàn.

"Tôi chỉ mong mọi chuyện sắp tới được bình an, yên ổn, để chính phủ Ukraine có thể tập trung cho những giải pháp về kinh tế, ổn định cuộc sống người dân và thu hút đầu tư", ông Nghĩa bày tỏ.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Theo vnexpress