Với nhiều người Việt ở Ukraine đây như quê hương thứ hai vì họ có hàng chục năm gắn bó ở đây. Họ từng làm ăn, buôn bán và có cuộc sống đủ đầy ở Ukraine. Tuy nhiên, từ khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, họ phải đi lánh nạn, chấp nhận mất trắng. Sau khoảng 9 tháng đến nơi ở mới, họ dần quen với công việc với mức lương eo hẹp.

“Thương lắm, nhớ lắm nhưng đành bất lực”

Năm 1989 bà Vũ Tuyết Nhung (51 tuổi) rời quê nhà Bắc Giang sang Ukraine sinh sống và làm việc. Hơn 30 năm gắn bó, bà coi đất nước này là nhà, là quê hương.

Tháng 3.2022, tình hình giữa Ukraine và Nga trở nên căng thẳng, bà buộc phải di tản sang Đức. Năm nay là năm đầu tiên bà đón tết ở Đức vì vẫn chưa thể trở lại Ukraine.

Người Việt rời Ukraine: Cái Tết mất trắng ở nơi xa lạ, mong sớm trở về quê hương thứ hai - ảnh 1

Bà Nhung phải đi sang Đức từ tháng 3

NVCC

Hiện bà được nước Đức chu cấp nhà cửa và chi phí sinh hoạt hàng tháng. Tất cả những người tị nạn từ Ukraine đều được hưởng trợ cấp và các khoản phúc lợi xã hội miễn phí, đi khám bệnh có thẻ bảo hiểm. Trẻ con được đi học và có thêm tiền phụ cấp riêng.

“Đức và Ukraine cách nhau khoảng hơn 2 giờ bay, cùng ở châu Âu nên không khác biệt quá lớn về văn hóa, ẩm thực, khí hậu. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là ngôn ngữ khác biệt nên gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp và sinh hoạt hàng ngày”, bà nói.

Bà Nhung tâm sự, một trong những điều khó khăn nhất là bà không còn trẻ nhưng vẫn phải bắt đầu cuộc sống mới từ hai bàn tay trắng ở nơi xa lạ. Con gái bà phải làm quen với môi trường, bạn bè thầy cô, các môn học bằng ngôn ngữ mới nên cũng khá vất vả.

Người Việt rời Ukraine: Cái Tết mất trắng ở nơi xa lạ, mong sớm trở về quê hương thứ hai - ảnh 2

Thời tiếtở Đức rất lạnh nhưng bà được chu cấp đầy đủ lò sưởi

NVCC

“Tôi luôn động viên con gái phải cố gắng vượt qua nghịch cảnh để vươn lên bằng nỗ lực không ngừng. Tôi nhắc con đây là một thử thách trong cuộc sống phải cố gắng vượt qua”, bà chia sẻ.

Mong sớm trở về ngôi nhà thân yêu

Cũng theo bà Nhung, ở Đức mùa đông có lò sưởi từ tháng 10, điện và nước nóng chưa bao giờ bị cắt. Bà vẫn nhận tiền trợ cấp thất nghiệp, cho người tị nạn hàng tháng để sinh hoạt và trang trải cuộc sống.

“Ở đây trong nhà có lò sưởi ấm áp tôi lại thương những người dân ở quê hương thứ hai đang phải trải qua một mùa đông cực kỳ vất vả, khó khăn. Năm mới sắp đến, tôi cầu mong ở Ukraine tình hình chính trị sớm ổn định lại. Mọi người mạnh khỏe, bình an để sớm trở về ngôi nhà thân yêu. Đó là tâm nguyện không riêng của tôi mà của hầu hết những người Việt Nam phải rời bỏ Ukraine”, bà bộc bạch.

Người Việt rời Ukraine: Cái Tết mất trắng ở nơi xa lạ, mong sớm trở về quê hương thứ hai - ảnh 3

Mâm cơm tết bà Nhung đặt lên bàn thờ khi còn ở Ukraine

NVCC

Bà cũng mong những người đồng hương phải đi lánh nạn khắp nơi sớm hòa nhập cuộc sống mới và đón một cái tết ấm áp. Bà không quên hi vọng gia đình, người thân ở quê có một năm mới luôn mạnh khỏe, may mắn, hạnh phúc.

Năm 1989, ông Hồ Sỹ Trúc rời quê nhà Quỳnh Lưu (Nghệ An) sang Ukraine làm việc. Hơn 30 bôn ba, ông có cuộc sống ấm no, yên vui ở đây. Tuy nhiên, từ tháng 3, gia đình ông phải di tản sang Đức ở nhờ nhà ở xã hội và đi tìm việc làm mới.

Hiện ông phụ giúp tại một quán ăn của người Việt ở Đức. Trước đây, ông làm công việc buôn bán nên chuyển sang công việc mới này ông phải thích nghi dần dần.

Người Việt rời Ukraine: Cái Tết mất trắng ở nơi xa lạ, mong sớm trở về quê hương thứ hai - ảnh 4

Ông Trúc (ngoài cùng bên phải) hiện đang phụ giúp tại một quán ăn

NVCC

“Thời gian đầu ở trại lánh nạn họ cho gì thì ăn nấy nhưng sau này tôi tự nấu ăn và ăn đồ Việt. Trước đây ở Ukraine mọi người cũng ăn đồ Việt tự nấu. Ở Đức, xin việc không khó lắm nhưng thích nghi công việc rất vất vả nên thời gian đầu nhiều người phải bỏ cuộc”, ông cho biết.

Dù cuộc sống khó khăn nhưng ông tự động viên bản thân phải cố gắng vượt qua. Tết nguyên đán sắp đến, dù buồn nhưng ông không ngừng hi vọng cuộc sống bình yên sẽ sớm trở lại.

“Tôi muốn đi làm cho vui, giải tỏa vì 9 tháng rồi cuộc sống xáo trộn tất cả. Nhiều áp lực, mệt mỏi tôi sợ mình sẽ dễ bị trầm cảm nên phải đi kiếm việc làm. Công việc hiện giờ hoàn toàn khác so với trước đây về đặc thù, môi trường và cả văn hóa làm việc. Từ người làm chủ trở thành người làm thuê nhưng đành chấp nhận vì đây là nơi xa lạ, không giống như ở Ukraine”, ông nói.

Theo Thanh niên