Li Băng đã hứng chịu đợt tấn công chết chóc nhất từ năm 2006 khi xung đột Hezbollah - Israel leo thang. Cuộc sống nhiều người Việt ở Li Băng trong những ngày này có nhiều thay đổi, thậm chí họ còn nghe tiếng bom nổ sát nơi sinh sống.
Chuẩn bị tinh thần về Việt Nam
Ông Đinh Công Tráng (54 tuổi, quê ở Hà Nội) sang thủ đô Beirut, Li Băng khoảng 26 năm nay. Chỗ ông sống cách khu vực xảy ra xung đột dữ dội ở thời điểm hiện tại khoảng 40 km.
2 ngày trước, khi đang ngủ ông bỗng nghe tiếng bom nổ nên chỉ biết nằm yên trong nhà. Người dân không ra khỏi nhà nhiều như trước, đường sá vắng vẻ hơn. Hàng quán, siêu thị vẫn hoạt động bình thường, giá cả không có gì thay đổi.
|
|
Hiện trường sau vụ không kích của Israel ở Beirut (Li Băng) vào ngày 20.9 |
"Cuộc sống đang diễn ra yên ổn bỗng xảy ra tình trạng này khiến tôi không khỏi lo lắng. Hơn nữa, việc làm ảnh hưởng rất nhiều, tôi làm đầu bếp nhiều thực khách đặt bàn từ vài tháng trước phải hủy hết. Họ không tụ tập, tổ chức tiệc tùng trong thời gian gần đây", ông Tráng nói.
Ông Tráng nói mất đi sự tự tin khi ra đường. Người thân, bạn bè ở Việt Nam liên tục gọi điện hỏi thăm vì lo lắng xung đột diễn ra phức tạp.
"Hôm tôi nghe tiếng bom nổ cách chỗ tôi sống khoảng 15 km, buổi tối yên tĩnh nên có thể nghe tiếng bom rõ ràng. Tần suất không phải cả ngày, từ hôm đó đến nay tôi vẫn đi làm bình thường", ông Tráng bày tỏ.
Ông Tráng chụp lại đường sá trên đường đi làm về. ẢNH: NVCC
Người đàn ông chia sẻ, năm 2006 từng chứng kiến xung đột diễn ra khốc liệt, mức độ khủng khiếp. Nhiều tên lửa bắn đến các tòa nhà khiến xung quanh hoang tàn, đổ nát. Thời điểm hiện tại, nơi ông sống vẫn an toàn nhưng phải theo dõi thường xuyên, lên kế hoạch về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
"Tôi tính về nước để mọi người đỡ lo, chỉ sợ sân bay đóng cửa. Theo tôi biết, người Việt Li Băng chỉ có khoảng 13 người. Tôi đang liên hệ với một người bán vé máy bay để hỏi các thông tin liên quan để về Việt Nam khi tình hình diễn ra phức tạp", ông Tráng cho biết.
Sẵn sàng đi lánh nạn
Chị Từ Thị Năm (34 tuổi, quê Bắc Giang) hiện làm giúp việc cho một gia đình người Li Băng. Chị sống ở quốc gia này 10 năm nay, công việc chủ yếu ở nhà nên ít khi ra ngoài. Hiện chủ nhà đang đi công tác nên chỉ có 3 người giúp việc ở lại Li Băng, một mình chị là người Việt Nam.
"Chủ nhà có nói nếu tình hình chiến sự diễn ra căng thẳng, mọi người sẽ chuyển lên một ngôi nhà trên đồi. Tuy nhiên đến giờ mọi thứ vẫn an toàn, khu vực chiến sự cách chỗ tôi khoảng 1 tiếng đi xe", chị Năm nói.
Ông Tráng chụp lại ảnh khu vực mà mình và mọi người đang sinh sống cũng như bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng về Việt Nam. ẢNH: NVCC
Những ngày này, người đi chợ sẽ mua nhiều thực phẩm dự trữ để hạn chế ra ngoài. Bánh mì trở nên khan hiếm vì nhiều người lựa chọn mỗi khi có xung đột hay vụ việc nghiêm trọng xảy ra. Người ở đại sứ quán Việt Nam cũng liên hệ, hướng dẫn người dân đảm bảo an toàn trong thời gian này.
"Mọi người ở quê gọi điện bảo tôi về nhà đi nhưng hiện giờ tôi vẫn theo dõi tình hình. Tôi vẫn có một người bạn, liên lạc hỗ trợ với nhau thời gian này. Cuộc sống xung quanh vẫn diễn ra không khác nhiều so với ngày thường", người phụ nữ thông tin.
Chị Năm chụp lại khu vực xung quanh nơi sinh sống. ẢNH: NVCC
Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Li Băng ra thông báo khẩn, khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Li Băng rời khỏi quốc gia này khi các chuyến bay thương mại vẫn còn hoạt động.
Chị Năm làm giúp việc tại một nhà có chủ là người Li Băng. ẢNH: NVCC
Thông báo cũng khuyến cáo công dân trong nước dự định đến Li Băng cần dừng hoặc hủy chuyến đi cho đến khi tình hình ổn định trở lại. Công dân đang sinh sống và làm việc tại Li Băng, trong trường hợp bất khả kháng không thể rời khỏi Li Băng cần nâng cao cảnh giác, theo dõi sát sao diễn biến trên các phương tiện thông tin đại chúng ở sở tại, hạn chế tối đa tụ tập nơi đông người và tuyệt đối không đến gần biên giới Li Băng - Israel, khu vực phía nam thủ đô Beirut và khu vực phía bắc gần biên giới với Syria.
Đại sứ quán đề nghị bà con cần tìm nơi tạm trú ở những vùng an toàn và có phương án dự trữ thực phẩm, thuốc men, đề phòng tình huống xấu.
Theo Thanh niên