leftcenterrightdel
 Đường phố Pháp ngổn ngang vì bạo loạn (ảnh: Reuters).

Điều tử tế giữa làn sóng bạo loạn

Ba năm trước, khi sẵn sàng đóng cửa hàng bún bò trên phố Pháp theo yêu cầu của chính quyền sở tại để phòng dịch; không ngần ngại tham gia nhóm nấu ăn luân phiên, tiếp sức cho các y, bác sỹ trong bệnh viện, anh Phan Viết Phong, bếp trưởng người Việt kiêm chủ nhà hàng Ôbobun tại thành phố Grenoble đã dẫn 1 câu nói của người Pháp để mô tả cho hành động của mình: "Une bonne action en entraine une autre" (Một hành động tốt sẽ tạo ra những việc tốt khác).

Anh Phan Viết Phong nói rất tin vào điều này.

Và niềm tin ấy đã đúng. Ba năm sau, trong những ngày Pháp xảy ra bạo loạn, anh Phong đã nhận về rất nhiều tình cảm, tấm lòng hảo tâm từ khách hàng và cả những người anh từng hỗ trợ năm xưa.

Anh Phan Viết Phong là một người Việt sinh sống tại TP Grenoble (Pháp), hiện đang là bếp trưởng, chủ nhà hàng bún Việt hơn 10 năm trên đất Pháp mang tên Ôbobun (Ô Bò Bún).

Vừa qua, nước Pháp chìm trong biểu tình và leo thang bạo lực, nhiều người biểu tình quá khích đốt phá ô tô, đập phá cửa hàng. Theo lời anh Phong, nhiều cửa hàng tại Pháp bị cướp sạch hàng hoá đến mức hiện nay, dù bạo loạn giảm bớt, có nơi vẫn không còn gì để bán.

leftcenterrightdel
Một cửa hàng bị đập phá tan hoang sau bạo loạn (ảnh: Nhân vật cung cấp). 

Với Ôbobun, anh Phong cho biết, cửa hàng may mắn không bị ảnh hưởng nhưng anh tạm thời phải đóng cửa vài ngày để đảm bảo an toàn cho nhân viên. Khi nhân viên về hết, anh nán lại, đóng thêm ván gỗ xung quanh cửa hàng, phòng khả năng bị người biểu tình quá khích đập phá.

Đầu tuần này, khi làn sóng biểu tình giảm dần, anh mở cửa hàng trở lại, vừa làm vừa nghe ngóng tình hình.

Nhưng giữa những “bóng đen” của giận dữ, những hành động cướp bóc, hôi của bao trùm nước Pháp, vẫn sáng lên những hành động nghĩa tình, ấm áp đối với anh Phong và cửa hàng Ôbobun.

leftcenterrightdel
Cửa hàng Ôbobun phải gia cố bằng gỗ (ảnh: Nhân vật cung cấp) 

Ngày 6/7 vừa qua, một khách quen của nhà hàng khi thấy xung quanh nhà hàng của anh Phong vẫn bọc gỗ, đã đề nghị: “Hãy tính thêm 10€ (hơn 250.000 VNĐ) nữa, tôi muốn đóng góp một phần nhỏ để các bạn sửa chữa quán”.

Hay trước đó một khách hàng đăng hình ảnh của quán và cầu mong người biểu tình “đừng động đến Ôbobun”.

Gần đây nhất, anh Phong bất ngờ nhận được thư điện tử từ một y tá tên Céline FC. Trong thư, cô Céline bày tỏ mong muốn lập một quỹ cộng đồng để hỗ trợ anh Phong và cửa hàng.

Chia sẻ với Báo Giao thông, anh Phong cho biết, nữ y tá này không phải xa lạ. Cô là một trong những y tá, bác sĩ ở bệnh viện Grenobe mà anh Phong từng gửi hàng trăm suất bún bò để động viên các nhân viên y tế trong thời gian dịch Covid-19 căng thẳng cách đây 3 năm.

Nữ y tá Céline viết: "Xin chào bạn, tôi rất cảm động trước hành động của bạn. Là một y tá đã từng được bạn giúp đỡ trong thời gian Covid, tôi muốn làm điều gì đó để giúp đỡ… đáp lại một phần nhỏ những gì mà bạn đã lan tỏa”.

Tuy nhiên, trước tất cả đề nghị hỗ trợ, anh đều cảm ơn và từ chối nhận, anh mong muốn dành những sự ủng hộ đó cho các cửa hàng khác ở trung tâm thành phố bị đập phá, hôi của nặng nề, không còn gì để bán.

“Covid đã qua được ba năm nhưng dư âm vẫn còn đó. Mình thực sự xúc động và trân trọng những tình cảm mà các bác sĩ, y tá dành cho mình, luôn chìa bàn tay sẵn sàng giúp đỡ khi mình gặp khó khăn.

Mình may mắn vẫn có thể tự xoay xở và đứng vững. Mình thực sự biết ơn những khó khăn đã cho mình những người bạn tốt và cơ hội được cảm nhận những tấm lòng, tấm chân tình” - anh Phong chia sẻ.

"Trao đi là còn mãi"

Bản thân anh Phong, một người Việt tại Pháp cũng luôn lan tỏa tấm chân tình của mình tới những người xung quanh trong hoàn cảnh khó khăn.

Nhớ lại, năm 2020, thời điểm dịch Covid-19 căng thẳng, anh Phong đã tham gia vào một nhóm đầu bếp, hỗ trợ suất ăn cho các y bác sĩ Pháp chống dịch.

leftcenterrightdel
Anh Phan Viết Phong gửi tặng những xuất bún bò hỗ trợ các y, bác sĩ tại bệnh viện CHU Grenoble chống dịch. 

Anh Phong kể lại: “Thời điểm năm 2020, dịch bệnh trên cả nước Pháp căng thẳng, các bệnh viện kể cả CHU Grenoble, đều bị quá tải.

Các y bác sỹ trực chiến liên tục tại bệnh viện, công việc kết thúc muộn, không có thời gian nấu ăn trong khi các cửa hàng đều đóng cửa”.

Do đó, qua một nhóm kết nối các đầu bếp tại Pháp, anh Phong đã đăng bài tỏ lòng hỗ trợ các y, bác sĩ. Ngay trong ngày đầu tiên, món bún bò của anh đã nhận được ba đơn hàng từ Khoa Hồi sức cấp cứu và Khoa Phổi - Tim mạch của Chu Grenoble, với tổng cộng 101 suất cho bữa trưa.

Làm việc từ 5h sáng, sau đó có sự hỗ trợ của hai nhân viên, nhóm anh đã chuẩn bị xong đủ xuất bún và bày biện đầy tâm huyết trong những chiếc hộp giấy. Trên nắp kèm theo những lời chúc phúc, cầu nguyện và cảm ơn gửi tới các y bác sỹ: "Dành cho những con người đẹp đẽ", "Cảm ơn vì đã ở đây lúc này!"...

Có lẽ lúc “trao đi” chân thành, anh Phong không bao giờ nghĩ có ngày “nhận lại” những tình cảm nồng ấm của các bác sĩ, y tá tại bệnh viện CHU Grenoble trong thời điểm anh gặp khó khăn như hôm nay. Với anh, “tình cảm cho đi là còn mãi!”.

Về tình hình người Việt tại Pháp, trong cuộc họp báo Bộ Ngoại giao chiều 6/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã thường xuyên theo dõi diễn biến, cử người túc trực đường dây nóng và sẵn sàng hỗ trợ kịp thời công dân Việt Nam trong trường hợp có người Việt bị ảnh hưởng vì bạo loạn.

Cho đến nay, chưa ghi nhận trường hợp người Việt Nam nào bị ảnh hưởng vì cuộc bạo loạn tại Pháp.

Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã có khuyến cáo đối với công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Pháp.

Trong trường hợp cần thiết, công dân có thể liên hệ tới đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, hoặc tổng đài bảo hộ công dân. Số điện thoại của các đường dây nóng này đã được chúng tôi công bố trên trang web của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp”.

Theo thoidai