Một năm qua, tình hình chiến sự tại Ukraine đã làm đảo lộn cuộc sống của cộng đồng người Việt Nam tại đây. Nhiều người đã phải bỏ lại tất cả để đi lánh nạn, chủ yếu đến các nước châu Âu, song cũng có những người lựa chọn ở lại.
Lý do để ở lại
Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), cộng đồng người Việt tại Ukraine trước chiến sự có gần 7.000 người, chủ yếu tập trung ở các thành phố như Odessa, Kharkiv, Kyiv. Tuy nhiên, sau khi chiến sự nổ ra, ngoài một số quay về Việt Nam, đa số người Việt di tản sang châu Âu. Số người ở lại được cho là chỉ còn vài trăm, chủ yếu tập trung ở Odessa và các thành phố miền tây, xa vùng tiền tuyến.
Ông Thành Vinh (đã đổi tên theo yêu cầu của nhân vật) sống tại Kyiv cho biết có nhiều lý do khiến ông và những người khác không thể rời đi. "Nhiều người ở lại để giải quyết việc riêng tư như nhà cửa, con cái. Bản thân tôi trước chiến sự có nhập nhiều hàng hóa về để phân phối nên giờ phải xử lý hết hàng tồn đọng, được đồng nào hay đồng nấy", ông Vinh bày tỏ với Thanh Niên.
Theo ông chia sẻ, những người làm nghề kinh doanh vào thời điểm này gặp khó khăn hơn nhiều vì người dân tiết kiệm hết mức, chỉ chi tiêu cho những hàng thiết yếu và có tâm lý để dành đề phòng tình huống xấu.
Một lý do khác giữ chân những người Việt như ông Vinh ở lại Ukraine là bởi sự gắn bó đối với mảnh đất này. Đối với nhiều người, Ukraine như là quê hương thứ hai và họ đã quen với nếp sinh hoạt tại đây nên khi sang châu Âu hoặc về Việt Nam, dù được quan tâm, tạo điều kiện nhưng cũng khó thích nghi.
"Ở đâu quen đó, chúng tôi ở đây quen thuộc rồi nên chẳng thích đi đâu. Người dân hiền lành, thực phẩm ngon và rẻ, sống thoải mái", ông Vinh, sống ở Ukraine được 30 năm, chia sẻ.
Học cách thích nghi
Khác với thời gian đầu, người Việt ở Ukraine sau một năm chiến sự đã học cách thích nghi như tình hình chung. Ông Vinh cho hay người dân giờ đã quen với tiếng còi báo động và tòa nhà nào cũng có một tầng hầm để trú ẩn. "Riêng nhà tôi, có nhiều lần tên lửa rơi chỉ cách 1 - 2 km nên cũng có những rủi ro nhất định", ông Vinh nói thêm.
Những tháng đầu, cơ sở hạ tầng thiết yếu như trạm điện, nước bị phá hủy gây rất nhiều khó khăn, nhưng người Việt vẫn "tìm mọi cách để tồn tại". Ông Vinh chia sẻ điện, nước bị cắt thường xuyên, mỗi ngày chỉ được cung cấp vài giờ để đủ hoạt động hệ thống lò sưởi. Các khu chung cư, tòa nhà lớn thường được trang bị máy phát điện riêng. Ngoài ra, nhiều người dân mua thêm bình ắc quy để phục vụ nhu cầu thắp sáng.
Đến nay, hệ thống điện nước được sửa chữa rất nhanh và tình trạng được cải thiện nhiều so với trước. "Gần như cả tháng nay, tại Kyiv không còn bị mất điện hoàn toàn. Thi thoảng cũng bị cắt điện vài giờ nhưng chủ yếu để sửa chữa hệ thống", ông cho hay.
Mong ngày trở về
Sau khi di tản, ông Hồ Sỹ Trúc cho biết đã tạm ổn định cuộc sống tại Đức nhưng ông luôn mong ngóng được quay về Ukraine, "nơi đã dung dưỡng cho 3 thế hệ người Việt". "Ukraine là quê hương thứ hai, thật đau lòng khi nhìn thấy hằng ngày, hằng giờ mảnh đất ấy đang bị tan nát, người chết, người bị thương bởi đạn bom. Tôi cũng như toàn thể người Việt tại Ukraine chỉ nguyện cầu điều duy nhất là hòa bình mau chóng trở lại với Ukraine, trả lại những gì vốn có trước đây của Ukraine", ông Trúc chia sẻ và cho biết bản thân ông cũng như người Việt di tản đều mong tình hình yên ổn để về Ukraine, dù đang hòa nhập tại châu Âu.
|
Theo Thanh niên