Hơn một tháng sau cuộc đảo chính chóng vánh ở thủ đô Naypyidaw, Myanmar vẫn chìm sâu trong cuộc khủng hoảng chính trị. Làn sóng biểu tình phản đối chính quyền quân sự và yêu cầu thả Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi không ngừng lan rộng. Khắp các thành phố lớn nhỏ, hàng chục nghìn người đổ xuống đường biểu tình, bất chấp quân đội cấm tụ tập đông người.

Sống tại Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, đang sục sôi trong biểu tình, chị Thanh Huỳnh, chủ một nhà hàng đồ ăn Việt Nam, vô cùng lo lắng.

"Thật sự mọi người thấy rất bất an với tình hình cuộc sống hiện tại. Công việc kinh doanh của người Việt bên đây cũng rất tệ. Mọi người đều mong chờ được về nước", chị Thanh Huỳnh chia sẻ với VnExpress.

Một lính Myanmar cầm súng để trấn áp người biểu tình ở thành phố Mandalay hôm 15/2. Ảnh: AP.

Lực lượng an ninh Myanmar cũng tăng cường các biện pháp trấn áp quyết liệt hơn, như dùng lựu đạn choáng, hơi cay và cả đạn thật tại một số thành phố, thị trấn. Đỉnh điểm là cuộc trấn áp biểu tình hôm 28/2, khiến ít nhất 18 người thiệt mạng và 30 người bị thương. Tuy nhiên, biểu tình vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đặc biệt là các thành phố lớn như Yangon, Mandalay.

Chị Huỳnh cho hay việc giao đồ ăn cho khách hàng của chị thời gian qua gặp nhiều khó khăn do nhiều tuyến đường bị đóng cửa. Bản thân chị và nhiều người Việt cũng phải nâng cao cảnh giác, khi nghe nhiều người Myanmar kể tình trạng đập phá, trộm cắp đã xuất hiện ở một số nơi.

"Tôi chưa nghe người Việt nào phản ánh tình trạng này, nhưng vẫn phải đề phòng. Đại sứ quán Việt Nam cũng liên tục cập nhật thông tin để giúp đỡ người Việt ở đây", chị Huỳnh nói.

Làn sóng biểu tình nổ ra sau khi quân đội ngày 1/2 bất ngờ đột kích, bắt Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các lãnh đạo trong chính phủ dân cử, và tiếp quản quyền lực. Cuộc đảo chính đã chấm dứt thời kỳ chuyển đổi dân chủ ở quốc gia Đông Nam Á này trong một thập kỷ qua.

Một loạt nước đã lên án đảo chính, kêu gọi quân đội Myanmar ngừng sử dụng vũ lực trấn áp biểu tình. Các nước phương Tây như Mỹ, Anh đã áp lệnh trừng phạt nhắm vào các tướng lĩnh quân đội Myanmar với hy vọng chấm dứt tình trạng bất ổn hậu đảo chính. Tuy nhiên, đến nay, các biện pháp này chưa mang lại kết quả như mong đợi.

Anh Lê Du, một người làm trong lĩnh vực xây dựng ở Hmawbi, cách trung tâm Yangon khoảng 50 km, cho biết dù cuộc sống của người Việt ở Myanmar "chưa thực sự gặp nguy hiểm", tình trạng bất ổn đã tác động rất nhiều tới cuộc sống và công việc của họ.

"Ở Thilawa, nhiều công ty không hoạt động được", anh Du chia sẻ. "Công việc của tôi cũng bị ảnh hưởng nhiều, đi làm được một ngày xong phải nghỉ mấy ngày".

Bất an thường trực khi Du "luôn nghe thấy tiếng súng nổ bên tai".

                     Biểu tình phản đối đảo chính ở thành phố Yangon hôm 1/3. Ảnh:AP.

Trong khi đó, Đào Tùng, một hướng dẫn viên du lịch ở Yangon, chia sẻ anh đã trải những ngày thực sự khó khăn và thấp thỏm ở Myanmar.

"Quân đội khóa internet và chặn Facebook. Từ 20h tới 24h mạng nghẽn không dùng được. Từ 0h tới 9h sáng hôm sau mạng hoàn toàn bị cắt, sau lúc đó thì mạng rất chậm. Nói chung làm gì cũng rất khó khăn", Tùng nói.

Tùng chuyển tới Myanmar từ khoảng một năm trước. Công việc và cuộc sống ban đầu tương đối tốt. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi vì dịch Covid-19 và càng tệ hơn sau đảo chính.

"Sau khi bùng dịch, tôi thấy hoang mang vì không biết lúc nào mới được về Việt Nam và hy vọng dịch giảm bớt để được về đoàn tụ với gia đình. Nhưng khi dịch vừa giảm xuống, quân đội đảo chính và người dân biểu tình khiếu tình hình an ninh xã hội xấu đi. Chuyến bay về nước khó khăn hơn", Tùng cho hay.

Theo Tùng, nhiều người Việt ở Myanmar bị mất việc do các công ty đóng cửa vì dịch bệnh và chính trị bất ổn. Nhiều người chỉ biết chờ đợi chuyến bay về nước.

Tùng cảm thấy may mắn khi vừa đăng ký được chuyến bay về vào đầu tháng này. "Hy vọng sẽ có thêm nhiều chuyến bay để mọi người có nhu cầu đều có thể về nước", Tùng nói.

Theo vnexpress