Bà Aung San Suu Kyi bước lên tuyên thệ tại quốc hội sau khi đắc cử nghị sĩ vào năm 2012 - ẢNH: REUTERS

Việc Cố vấn nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi (76 tuổi) bị bắt giữ trong cuộc chính biến hồi đầu tháng 2 gợi nhắc con đường đấu tranh gian khổ của bà - người từng phải chịu sự quản thúc tại gia đến 15 năm trong giai đoạn 1989 - 2010.

Người truyền cảm hứng

Là quý nữ của anh hùng lập quốc Myanmar hiện đại Aung San, bà Aung San Suu Kyi được kỳ vọng sẽ là người lãnh đạo hành trình đến với dân chủ của Myanmar sau thời kỳ độc tài quân sự từ cuộc đảo chính năm 1962. Con đường đấu tranh của bà Suu Kyi ghi dấu ấn quan trọng vào năm 1988, khi bà từ Anh quay về Myanmar để chăm sóc người mẹ bị bạo bệnh. Myanmar thời điểm đó đang trong cảnh rối ren, phong trào biểu tình diễn ra rầm rộ nhằm phản đối sự cầm quyền của quân đội và tình trạng kinh tế khó khăn, theo Đài NPR.

Bạo lực đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng trong cuộc nổi dậy. Tháng 8.1988, bà Suu Kyi có bài phát biểu trước nửa triệu người tại chùa Shwedagon ở Rangoon (sau đổi tên thành Yangon), kêu gọi thành lập chính quyền dân sự. “Là con gái của cha tôi, tôi không thể dửng dưng trước toàn bộ những điều đang xảy ra”, bà Suu Kyi nói trước những người ủng hộ.

Tháng 9.1988, bà Suu Kyi thành lập đảng Liên minh dân tộc vì dân chủ (NLD) và giữ chức Tổng bí thư, nhưng không lâu sau bà bị bắt giữ và chịu quản thúc tại gia. NLD chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử năm 1990 với 60% phiếu phổ thông và 80% ghế quốc hội nhưng chính quyền quân sự không công nhận kết quả và từ chối chuyển giao quyền lực.

Cuộc đấu tranh của bà Suu Kyi trải qua muôn vàn khổ ải do sự quản thúc của chính quyền. Ngay cả lúc người chồng của bà cận kề cái chết ở Anh vào năm 1997 vì bệnh ung thư, bà Suu Kyi vẫn quyết định không rời khỏi Myanmar vì lo sợ sẽ bị chặn đường quay về quê hương. Có những thời điểm bà được thả ra nhưng lại nhanh chóng quay về với sự giam cầm vì những lý do khác nhau. Chính trong hoàn cảnh đó mà bà đã có những câu nói truyền cảm hứng cho nhiều người và giúp bà trở thành biểu tượng cho quyết tâm tìm đến tự do, dân chủ của Myanmar. “Ngục tù duy nhất là nỗi sợ và tự do duy nhất là tự do khỏi nỗi sợ”, câu nói bất hủ của bà Suu Kyi trở thành niềm cảm hứng cho người dân Myanmar tiếp tục đấu tranh.

Bà Suu Kyi nói chuyện với giới phóng viên từ trong hàng rào nhà bà ở Rangoon năm 1994 - ẢNH: AFP

Bước ngoặt lịch sử

Ngày 13.11.2010, bà Suu Kyi chính thức được trả tự do sau nhiều năm bị quản thúc. Đó cũng là giai đoạn mà Myanmar chứng kiến những chuyển biến lớn khi lần đầu tiên tổ chức bầu cử sau 20 năm, nhiều tù nhân chính trị được ân xá. Hầu hết lệnh cấm vận của phương Tây đối với Myanmar cũng được dỡ bỏ trong thời gian này, theo Reuters. Tuy nhiên, đảng NLD tẩy chay cuộc tổng tuyển cử vì hầu hết thành viên nổi bật của đảng bị cấm tranh cử.

Những cuộc đối thoại sau đó giữa bà Suu Kyi và chính quyền đã mang đến sự thỏa hiệp. Năm 2012, đảng NLD giành 43 trong số 44 ghế tranh cử trong cuộc bầu cử phụ và bà Suu Kyi lần đầu trở thành nghị sĩ quốc hội. Đó là bước khởi đầu cho chiến thắng vang dội của NLD trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015, đánh dấu sự trở lại của chính quyền dân sự tại Myanmar sau hơn nửa thế kỷ. Dù vậy, quân đội vẫn nắm quyền phủ quyết trong quốc hội và kiểm soát một loạt vị trí bộ trưởng quan trọng. Những mong đợi của người dân đối với chính quyền dân sự được cho là chưa trở thành hiện thực. Tình hình kinh tế và tiến trình hòa bình giữa các dân tộc vẫn chưa có chuyển biến đáng kể.

Trong khi đó, việc bùng phát xung đột giữa quân đội và các nhóm vũ trang thiểu số, cũng như vấn đề người Rohingya khiến uy tín của đảng cầm quyền NLD và bà Suu Kyi bị suy giảm. Những nỗ lực cải cách hiến pháp nhằm giảm sức ảnh hưởng của quân đội trong quốc hội cũng như về vấn đề an ninh không mang lại kết quả. Tại bang Rakhine, hàng trăm ngàn người Hồi giáo thiểu số Rohingya phải bỏ chạy sang các nước láng giềng trước các hành động của quân đội vốn bị quốc tế lên án. Hình tượng của bà Suu Kyi trong mắt cộng đồng quốc tế bị tổn hại khi bà bị chỉ trích vì không lên án quân đội. Trong cuộc phỏng vấn với BBC năm 2017, bà Suu Kyi phủ nhận những gì xảy ra tại bang Rakhine là cuộc “thanh lọc sắc tộc”. “Đó là vấn đề của những người đứng ở các bên đối lập của sự chia rẽ và chúng tôi đang cố hết sức để hàn gắn sự chia rẽ này”, bà Suu Kyi nói.

Theo thanhnien