Bà Phạm Thị Ngọc Lan (ngoài cùng, bên trái) cùng các ứng cử viên khác. (Ảnh: Shanti Mathias)
Bà Phạm Thị Ngọc Lan (ngoài cùng, bên trái) cùng các ứng cử viên khác. (Ảnh: Shanti Mathias)

Tinh thần của “Ngôi sao đang lên”

Sinh ra và lớn lên tại vùng ngoại ô Brooklyn của thủ đô Wellington, bà Phạm Thị Ngọc Lan có bố là người Việt làm việc trong mảng lập trình công nghệ, mẹ là người New Zealand gốc Ireland, đảm nhận công việc nhân viên xã hội.

Ngay từ khi còn bé, bà Lan đã nhận được sự chăm sóc và dạy bảo tận tình từ bố mẹ, cũng như được truyền đạt nhiều kiến thức về giá trị cộng đồng - vốn trở thành nền tảng cho sự nghiệp sau này của bà.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân Khoa học môi trường tại Đại học Massey năm 2009, bà quyết định học thạc sĩ về Môi trường tại Đại học Otago. Bà năng nổ tham gia hoạt động xã hội và trở thành nhà đồng sáng lập quỹ Working Waters Trust nhằm bảo vệ môi trường nước ngọt.

Chính thức bước chân vào con đường chính trị từ năm 2016, bà Lan lần đầu tiên được bầu làm Ủy viên Hội đồng Vùng Canterbury với số phiếu cao nhất tại địa phương (55.313 phiếu bầu), dưới danh nghĩa của một đảng nhỏ có tên “Sự lựa chọn của nhân dân”.

Bà tiếp tục đắc cử vào Hội đồng Vùng trong bầu cử địa phương năm 2019, đảm nhiệm vị trí Ủy viên chuyên trách về vấn đề môi trường.

Trong giai đoạn công tác tại Hội đồng Vùng Canterbury, bà tích cực đề xuất, thảo luận và triển khai các giải pháp môi trường nhằm tạo ra thay đổi thiết thực vì lợi ích cộng đồng.

Sau khi rời Hội đồng Vùng Canterbury, bà gia nhập Văn phòng về Ủy ban nước ngọt của New Zealand, phụ trách điều phối quy trình quản lý nước ngọt của đất nước.

Năm 2023, sau khi nghị sĩ Elizabeth Kerekere rời đảng Xanh hồi tháng Tư, bà Phạm Thị Ngọc Lan quyết định ghi tên vào danh sách ứng viên và cuối cùng đã vượt trên hai nghị sĩ đương nhiệm để lọt vào nhóm 6 ứng viên của đảng này.

Thuộc khu vực bầu cử Banks Peninsula (Vùng Canterbury), bà chính thức có tên trong danh sách bầu cử toàn quốc của Quốc hội New Zealand khóa 54 tổ chức hồi tháng 10.

Nữ nghị sĩ gốc Việt đã gây bất ngờ lớn khi có được thành công ngay trong lần đầu tiên tranh cử cho đảng Xanh. Bố bà rất vui mừng khi bà vào Quốc hội với tư cách là nghị sĩ gốc Việt đầu tiên. Bên cạnh đó, các đồng nghiệp cũng dành lời ca ngợi cho kinh nghiệm hoạt động trong chính quyền địa phương của bà.

Bà Lan hiện đang sinh sống cùng chồng và hai con tại thành phố Chrischurch. Khi được phóng viên tờ Newsroom hỏi về tham vọng trở thành bộ trưởng hay nhà lãnh đạo, bà khẳng định: “Dù con đường sắp tới có ra sao, tôi đều sẵn sàng”. Đồng thời, bà nhấn mạnh bản thân sẽ cống hiến hết mình, sẵn sàng thử những điều mới với thái độ dũng cảm: “Cứ làm thôi!”.

Đoạt giải Cannes, vẫn mong làm phim Việt

Đạo diễn Trần Anh Hùng (bên phải) và đạo diễn Phạm Thiên Ân sau khi thắng giải tại LHP Cannes 2023. (Ảnh: ZORBA)
Đạo diễn Trần Anh Hùng (bên phải) và đạo diễn Phạm Thiên Ân sau khi thắng giải tại LHP Cannes 2023. (Ảnh: ZORBA)

Sinh năm 1962 tại Đà Nẵng, đạo diễn Trần Anh Hùng đã khẳng định tiếng tăm trong nền điện ảnh châu Âu và cả thế giới bằng nhiều bộ phim, trong đó có những phim lấy bối cảnh ở Việt Nam.

Sau ba thập niên đoạt giải Caméra d’Or (Camera Vàng) ở Liên hoan phim Cannes 1993 với Mùi đu đủ xanh, đạo diễn mang hai quốc tịch Việt Nam và Pháp tiếp tục làm nên chiến thắng lịch sử tại Cannes 2023 với giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất cho bộ phim The Pot au Feu (tên khác là La Passion de Dodin Bouffant), tạm dịch là Niềm đam mê của Dodin Bouffant.

Thành công lớn với phim Pháp, nhưng khi được tờ Variety hỏi về dự án mơ ước, đạo diễn Trần Anh Hùng cho biết ông muốn làm một bộ phim ở Việt Nam với dàn diễn viên hoàn toàn là nữ.

Không chỉ riêng Trần Anh Hùng, phim Việt cũng luôn là tâm huyết của đạo diễn Phạm Thiên Ân – người đã giành giải Ống kính vàng với bộ phim Bên trong vỏ kén vàng tại Cannes 2023.

Là nhà làm phim trẻ tài năng, Phạm Thiên Ân có duyên với các giải thưởng, trong đó giải Illy thuộc chương trình Tuần lễ đạo diễn tại Cannes 2019.

Hiện tại, dù sinh sống tại Mỹ nhưng anh vẫn mang quốc tịch Việt Nam và khẳng định sẽ làm phim về Việt Nam. Anh chia sẻ: “Việt Nam rất quan trọng đối với tôi và là điều không thể thiếu trong các sáng tác. Tôi muốn khám phá và tiếp cận Việt Nam sâu hơn nữa ở những nơi mình chưa tới để tìm cảm hứng cho bộ phim tiếp theo”.

Đưa khoa học Việt Nam hội nhập với thế giới

Bà Vitályos Eszter, Quốc vụ khanh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Đổi mới trao Huân chương Hungary hạng Chữ Thập Hiệp sĩ cho Giáo sư Bùi Minh Phong. (Ảnh: NVCC)
Bà Vitályos Eszter, Quốc vụ khanh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa và Đổi mới trao Huân chương Hungary hạng Chữ Thập Hiệp sĩ cho Giáo sư Bùi Minh Phong. (Ảnh: NVCC)

Năm qua, niềm vui lớn đến với Giáo sư Bùi Minh Phong – một trí thức người Việt tiểu biểu tại Hungary, đó là ông được trao tặng Huân chương hạng Chữ Thập Hiệp sĩ - phần thưởng cao quý của Nhà nước Hungary.

Đây là sự ghi nhận những đóng góp lớn của Giáo sư Bùi Minh Phong trong hơn 37 năm tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Tổng hợp Eötvös Loránd (ELTE, Budapest).

Huân chương của Nhà nước Hungary là phần thưởng xứng đáng cho vai trò cầu nối hợp tác và liên kết giữa các trường đại học Hungary và Việt Nam của ông trong nhiều năm nay.

Giáo sư Bùi Minh Phong có hơn 120 công trình nghiên cứu, đại đa số đăng tải trên các tạp chí toán học uy tín. Ngoài công việc giảng dạy và nghiên cứu, ông còn là thành viên năng nổ và nhiệt tình trong các hoạt động cộng đồng, từng giữ các cương vị Tổng thư ký và Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary.

Nhận phần thưởng cao quý này, Giáo sư Bùi Minh Phong cho hay, ông rất hạnh phúc vì những nỗ lực để góp phần cải thiện hình ảnh của người Việt Nam trong quá trình hội nhập ở nước bạn.

Chia sẻ của ông cũng là suy nghĩ của GS. Nguyễn Thị Kim Thanh – người đã được Liên minh quốc tế về Hóa học cơ bản và Hóa học ứng dụng (IUPAC) trao giải thưởng “Người phụ nữ xuất sắc trong lĩnh vực Hóa học, Kỹ thuật hóa học năm 2023”, cũng như Liên hiệp SCI/RSC của Vương quốc Anh trao giải thưởng danh giá Thomas Graham 2023 của.

Làm việc tại Đại học University College London - UCL (Anh), bà Thanh nỗ lực không mệt mỏi để hiện thực hóa khát vọng đưa các nhà khoa học Việt Nam hội nhập với thế giới.

Bà mong muốn những thành công của mình sẽ khuyến khích các nhà khoa học Việt Nam tự tin bước ra và hội nhập với nền khoa học tiên tiến trên toàn cầu.

Tại Mỹ, GS. Nguyễn Thục Quyên đang giảng dạy tại khoa Hóa và Hóa sinh tại Đại học California, Santa Barbara, cũng đã trở thành thành viên của Viện hàn lâm Kỹ thuật quốc gia Mỹ.

Bà được lựa chọn nhờ những đóng góp đi đầu trong vai trò lãnh đạo cho cộng đồng khoa học, giáo dục và nghiên cứu về các thiết bị điện tử hữu cơ như quang điện, pin mặt trời hữu cơ và các ứng dụng phân tử hữu cơ, tiết kiệm năng lượng.

Không chỉ vậy, bà còn được vinh danh ở hạng mục Giải Hóa học vật liệu 2023 mở rộng (de Gennes Prize 2023).

Bên cạnh những thành công cá nhân, bà tự hào khi đất nước có thêm nhiều giải thưởng khoa học lớn để khiến cộng đồng khoa học quốc tế có cách nhìn khác về Việt Nam.

Theo baoquocte