leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 Các mặt hàng ở Đức đều tăng giá, từ bột mỳ đến các loại dầu ăn olive. Ảnh: Thùy Chi.

Chia sẻ với Zing, để giảm chi phí sinh hoạt, chị Vân Gấm - mở cửa hàng làm nail tại Madrid, Tây Ban Nha - đã phải lựa chọn cách ăn uống khác.

“Trước đây tôi hay qua chợ truyền thống mua thực phẩm cho khoảng 2-3 ngày. Nhưng giờ tôi chọn đi chợ bán đồ sỉ của nhà hàng và mua cho cả tuần. Làm như vậy giúp tôi tiết kiệm khoảng 30% số tiền phải chi tiêu”, chị nói.

“Vì dầu ăn lên giá gấp đôi nên tôi cũng phải chuyển sang ăn luộc hoặc hấp và nói không với đồ chiên rán”, chị nói thêm.

Chị Vân cũng cho biết thêm trước đây khi ăn sáng, chị thường mua 4-6 cái bánh Churros kèm cốc cà phê hoặc colacao (sữa và bột ca cao), nhưng giờ đây chỉ dám gọi 2 cái. “Tất cả nguyên nhân đều do giá cả tăng", chị chia sẻ.

Trong khi đó, anh Hiệp Nguyễn, chủ một nhà hàng ở Đức, cho hay trước đây, một chai dầu ăn chỉ khoảng 1,3 euro, nhưng giờ nhiều nơi đã lên tới 4 euro.

“Tôi biết nhiều nhà hàng không thể bán khoai tây chiên được nữa vì giá dầu quá đắt", anh nói, cho biết thêm có nhiều nhà hàng chấp nhận dùng dầu đã qua sử dụng lâu hơn, “trước 2-3 ngày đã thay, nay họ sử dụng cả tuần”.

Lạm phát hàng năm ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro đã tăng lên mức kỷ lục 8,1% trong tháng 5, từ mức 7,4% của tháng 4.

Giá cả đã tăng trong 10 tháng liên tiếp và không có dấu hiệu giảm, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt của người dân và buộc nhà hoạch định chính sách châu Âu phải cam kết nhiều biện pháp để giảm bớt tác động, theo New York Times.

Tăng giá không chừa mặt hàng nào

Chiến sự ở Ukraine làm gia tăng tình trạng lạm phát trên khắp châu Âu và thế giới. Giá năng lượng, nguyên liệu và thực phẩm tăng với tốc độ chưa từng thấy trong nhiều thập niên, liên tục “gây sốc” trên các bảng giá ở cửa hàng tạp hóa và trạm bơm xăng.

Chị Thảo Ngân - sống tại Phần Lan - chia sẻ xăng là mặt hàng tăng giá nhiều nhất. Trước kia, xăng chỉ có 1,8 euro/lít nhưng giờ đã lên đến 2,4 euro. Do chi phí vận chuyển tăng, các mặt hàng thực phẩm khác của Việt Nam như bún, phở cũng tăng nhẹ khoảng 0,2-0,5 euro.

Trong khi đó, tại tiệm hoa chị Thảo Ngân đang làm việc, giá xăng dầu tăng kéo theo giá hoa cũng tăng. Ngoài ra, phí giao hàng cũng tăng, từ 10 euro cho khu vực trong địa phương lên tận 15-18 euro. Chồng chị Ngân làm bên ngành thiết kế tàu cũng tiết lộ đầu vào nhiên liệu cơ khí tăng gấp 3 lần.

Tại Đức, chị Vân Anh - hiện ở Dresden, bang Sachsen - cho hay từ những thứ lặt vặt như giá bánh mì kẹp ăn hàng ngày cũng tăng gần gấp hai lần, từ 1,85 euro/ổ lên 3,60 euro.

“Tôi xem giá một chiếc váy hè, trước cuộc xung đột ở Ukraine, là gần 30 euro, nhưng chưa kịp mua thì sau đó đã niêm yết lại thành gần 40 euro rồi”, chị nói.

Các mặt hàng thực phẩm mua tại siêu thị, từ bột mì đến rau củ quả cũng đều tăng giá. Chị Khánh Linh sinh sống tại Milan, Italy cho hay thịt là mặt hàng tăng nhiều nhất khi cùng một số tiền 10 euro, ngày trước chị có thể mua 3-4 khay thịt, nhưng giờ số lượng giảm một nửa.

Chị Vân Nga ở thủ đô Praha của CH Czech nói rằng so với đầu tháng 4, rau củ đã giảm giá hơn một chút, nhưng vẫn đắt hơn so với năm ngoái nhiều lần. "Rau xà lách tăng lên tận 1,2 euro/bó, tăng gấp 3. Dầu ăn không thiếu nhưng giờ tăng gấp đôi rồi, loại rẻ nhất cũng đắt", chị cho hay, nói thêm xăng là mặt hàng tăng giá mạnh.

Đồ ăn châu Á ở Italy cũng tăng, dù không đáng kể, nhưng do ăn nhiều gạo nên chị Linh tính cũng “tốn kha khá”. Thậm chí, nhiều lúc siêu thị chỗ chị sống còn không còn gạo để mua.

Lạm phát giá thực phẩm khiến “hình bóng” những mặt hàng giảm giá cũng ít xuất hiện trong các siêu thị. Nếu có giảm giá thì những mặt hàng này cũng hết rất nhanh, chị Vân Anh nói.

Chị Ngân - thường xuyên làm bánh ngọt - cho hay loại bột mì chị hay sử dụng mấy tháng nay đã không còn giảm giá như trước. Còn chị Nga nói rằng năm ngoái siêu thị khuyến mại thực phẩm mỗi tuần, “nhưng giờ có khuyến mại thì vẫn đắt hơn bình thường, đắt gấp đôi”.

Chị Vân Anh cho hay với 100 euro, thời gian trước chị có thể mua đủ thực phẩm cho gia đình bốn người ăn trong một tuần, trong đó có bữa sáng và bữa tối. Nhưng hiện tại, số tiền này chỉ đủ ăn trong 4-5 ngày.

Chị Nga áng chừng trong một tháng ở thủ đô, một người có thể chi tiêu tối thiểu cho thực phẩm là hơn 100 euro, “nhưng giờ thì không đủ được”.

Không chỉ những người tiêu dùng như chị Nga và chị Vân Anh, ngay cả những người làm việc trong lĩnh vực ăn uống, nhà hàng trên khắp nước châu Âu cũng cảm thấy bất ngờ.

Anh Hiệp - kinh doanh nhà hàng bán sushi - chia sẻ hồi trước, anh nhập cá hồi bên Scotland, giá chỉ khoảng tầm 12,9 euro/kg nhưng bây giờ đã lên hơn 15,5 euro.

“Trước đó, cá ngừ tôi nhập từ Sri Lanka chỉ có hơn 32,9 euro giờ lên tận 39 euro. Một phần là vì lạm phát, một phần vì Sri Lanka đang bất ổn", anh nói.

Nhiều người phải đổ xăng "rón rén"

Với việc giá cả mọi loại hàng hóa từ cá, bột mỳ, điện tới xăng dầu đồng loạt gia tăng, người tiêu dùng đang phải cẩn trọng hơn khi đi mua sắm.

Chị Vân Anh cho biết gia đình chị chưa có hạn chế gì trong chi tiêu, nhưng vì vật giá lên nên chị không đi chợ 1 tuần/lần như trước. Thay vào đó, chị thường chia ra đi làm 2-3 lần để chỉ mua những món thật sự cần thiết, “tránh việc mua quá nhiều, ăn không hết, không kịp, quá hạn lại phải vứt bỏ”.

Tại Đức, nhiều người không đi ăn hàng thường xuyên như trước. Chị Vân Anh đã phải mang cơm đi làm, thay vì ra ngoài ăn trưa như hồi trước.

Gia đình chị Vân Gấm cũng không còn giữ thói quen đi ăn hải sản mỗi cuối tuần, do tổng hóa đơn tăng gấp đôi với cùng số lượng món ăn.

“Thay vì một tuần ăn 2-3 lần, giờ mọi người chỉ ăn một lần thôi. Lượng khách (ở nhà hàng tôi) giảm khi họ không đi ăn đều nữa”, anh Hiệp chia sẻ về tình hình kinh doanh.

Anh Hiệp cho hay một số nhà hàng Đức do không có nhân lực và hàng hóa đắt đỏ nên đã phải đóng cửa thêm ngày trong tuần.

leftcenterrightdel
Thực đơn món ăn Việt Nam trong một khu chợ ở thủ đô Praha, Czech. Cửa hàng lên giá các món ăn nên đã dán đè giá mới lên trên giá cũ. Ảnh: Vân Nga. 

“Ví dụ, nhà hàng cần 6 người nhưng chỉ có 4 người nên họ phải điều chỉnh. Luật bên Đức yêu cầu đi làm trung bình chỉ 40 giờ/tuần, nên họ phải đóng cửa cho nhân viên nghỉ theo luật, cũng như để bớt chi phí vận hành”, anh lý giải.

Chị Vân Gấm cho biết chị đã phải giảm giá làm nail bởi kinh tế đi xuống nên khách hàng thắt chặt chi tiêu. Để có lãi, chị buộc phải bù đắp phần giảm giá vào các nhu cầu thiết yếu khác tại cửa hàng.

“Ví dụ, nếu không có nhiều khách đặt làm móng chân cần nước nóng thì tôi sẽ tắt bình nóng lạnh sớm hơn vài tiếng trước khi đóng cửa. Ngoài ra, tôi cũng chỉ dùng điều hòa nhiệt độ vào hôm nào nóng trên 30 độ C”, chị chia sẻ, nói thêm phải giảm 25% tổng giá cho khách hàng làm cả móng chân và móng tay.

Giá xăng dầu tăng cao nhanh chóng cũng khiến nhiều người chuyển sang đi phương tiện công cộng, thay vì sử dụng xe cá nhân. Đây cũng là cách mà gia đình chị Vân Gấm phải áp dụng.

Anh Hiệp nói nhiều người đổ xăng "rón rén" để tiết kiệm chi phí. “Mọi thứ đều bị ‘siết chặt’ lại, từ vấn đề đi lại cho đến cả chuyện ăn uống hồi trước chẳng ai nghĩ đến”, anh nói.

Nhà hàng vướng vào cảnh "một cổ hai tròng"

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với lạm phát tăng 8,7%, khiến giá nhiên liệu tăng cao.

Trong bối cảnh đó, chị Vân Anh chia sẻ từ tháng 6 đến tháng 8, nước Đức sẽ phát hành loại vé 9 euro đi được toàn liên bang, nhằm tiết kiệm chi phí đi lại. Đến tháng 10, giới chức sẽ tăng lương cơ bản để hỗ trợ người dân trong cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên, đây lại không hẳn là tin tốt đối với anh Hiệp. Giữa lúc giá các mặt hàng đều tăng, tiền lương trả nhân viên cũng tăng theo khiến một số doanh nghiệp, nhà hàng rơi vào cảnh “một cổ hai tròng".

Anh Hiệp vẫn cố gắng cân bằng chi phí đầu vào với giá cả. Gần đây, anh đã thay đổi giá món trong thực đơn nhưng không quá chênh lệch so với lúc trước.

leftcenterrightdel
 Cân bằng chi tiêu là bài toán khó với nhiều người ở châu Âu lúc này. Ảnh: New York Times.

“Tôi chỉ tăng khoảng vài chục cent hoặc một euro vì còn muốn giữ khách nữa”, anh nói. “Nhưng với tình hình này, có lẽ tôi sẽ phải lại tiếp tục thay bảng giá vào tháng 10 tới".

“Tôi làm việc 10-11 tiếng mỗi ngày. Nếu tiếp tục thế này thì coi như đi làm không công. Như vậy, thà tôi đi làm thuê còn hơn”, anh cho biết thêm.

Trong khi đó, chị Thảo Ngân chia sẻ nhiều người ở Phần Lan lo lắng nếu tình hình này tiếp tục thì cuộc sống, nhất là đối với những người trẻ mới ra trường chưa có việc làm, sẽ bị ảnh hưởng.

“Gia đình tôi mỗi tháng vẫn có khoản chi tiêu cố định và chỉ sử dụng trong khoản đó. Nhưng nếu giá cả tiếp tục tăng như hiện tại, nhà tôi sẽ cắt giảm nhiều mặt hàng không cần thiết để đảm bảo không bị thâm hụt ngân sách”, chị nói.

Theo zingnews