Ngay từ đầu tháng 1/2020, tình hình kinh doanh của một số nhà hàng và cửa hàng ở khu Chinatown, New York, Mỹ bắt đầu suy giảm vì nỗi sợ Covid-19. Chẳng bao lâu, các vụ phạm tội do thù ghét cộng đồng gốc Á tăng lên đáng kể. Nhiều nhà hàng đã phải đóng cửa.

Khi cả thành phố New York áp lệnh phong tỏa hai tháng sau, Chinatown như một thị trấn ma, giống nhiều cộng đồng gốc Á trên khắp nước Mỹ. Các chủ nhà hàng cố xoay qua dịch vụ giao hàng với chi phí đắt đỏ, đồng thời chật vật lo tiền thuê nhà và chi phí đi kèm.

Dennis Chung (giữa) phục vụ khách món nem trong nhà hàng ở khu phố Chinatown, New York. Ảnh: Washington Post
 

Dennis Chung (giữa) phục vụ khách món nem trong nhà hàng ở khu phố Chinatown, New York. Ảnh: Washington Post

Trong số các nhà hàng vẫn hoạt động ở Chinatown có Nướng và Phở Pasteur, quán bán đồ ăn Việt Nam ngay gần khu vực phố Canal nhộn nhịp một thời. Dennis Chung, 62 tuổi, chủ nhà hàng từ năm 1995, dành nhiều tiếng trong ngày chế biến đồ ăn truyền thống Việt Nam, bao gồm nhiều loại phở khác nhau và tôm hùm chiên sả.

"Tôi chỉ về nhà để tắm và ngủ", Chung nói.

Tony, 24 tuổi, con trai ông, đang theo học thạc sỹ khoa học y sinh, coi nhà hàng là ngôi nhà thứ hai. Tony chỉ vào một cái bàn trong góc, nơi anh và chị gái từng ngồi làm bài tập về nhà mỗi chiều. Nhưng trải qua đại dịch, Tony mới hiểu hơn về những gì bố mình đã xây dựng và lý do cần giữ cho nhà hàng tồn tại.

"Ngoài khía cạnh cá nhân rằng nhà hàng là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình, nó còn là một kiểu bản sắc cá nhân", Tony nói.

Tony coi phở không chỉ là tập hợp của thịt, rau, bánh phở, nước dùng, mà còn thể hiện lịch sử trường tồn của Việt Nam qua bao biến cố.

"Chúng tôi dùng ẩm thực để kể chuyện", anh nói. "Ba nhà hàng Việt Nam ở đây đã đóng cửa vĩnh viễn. Nếu tất cả nhà hàng Việt ở đây đều đóng cửa, một phần văn hóa của khu phố sẽ biến mất".

Nhiều người gốc Á ở khu phố cũng có chung suy nghĩ. Grace Young, 65 tuổi, sợ rằng khu phố mang tính biểu tượng này có thể biến mất vĩnh viễn. "Trong đại dịch, mọi người xa lánh Chinatown", Young, người lớn lên ở Chinatown, San Francisco những năm 1960 và 1970, nói. "Bồi bàn đứng quanh quẩn trong những căn phòng trống người, còn người châu Á sợ ra ngoài khi trời tối".

Mei Chau đứng trước quán cà phê từng là nhà hàng Aux Epices của bà. Ảnh: Washington Post

Mei Chau đứng trước quán cà phê từng là nhà hàng Aux Epices của bà. Ảnh: Washington Post

Vào tháng 3/2020, Mei Chau, chủ nhà hàng Aux Epices bán món Pháp và Malaysia ở Chinatown, từng lạc quan rằng Covid-19 chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Nhưng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và làn sóng bài Á gia tăng, nhân viên của bà sợ ra khỏi nhà vì các cuộc tấn công bạo lực với người gốc Á gia tăng.

Tới tháng 5/2020, kinh doanh sụt giảm, nợ nần chồng chất và chỉ còn lại một nhân viên, Aux Epices đóng cửa vĩnh viễn.

"Nhà hàng của chúng tôi toàn phụ nữ, nhưng không ai muốn đi tàu điện ngầm tới nơi làm. Là phụ nữ mà còn là người gốc Á, đi lại một mình khi đó không an toàn. Cảm giác ấy thật buồn vì đây là một đất nước tuyệt vời, nhưng chính chúng ta đã xé nát nó", Chau nói.

Bonnie Tsui, tác giả cuốn "Người Mỹ ở Chinatown: Lịch sử 5 cộng đồng dân cư", cho rằng người dân những cộng đồng này xứng đáng được tất cả người Mỹ ủng hộ, không phân biệt chủng tộc.

"Chinatown luôn mang dấu ấn lịch sử, văn hóa và tính liên tục đặc trưng", cô nói. "Nó vừa đáng nhớ, vừa lãng mạn, nhưng cũng rất tiện dụng và thiết thực. Đây là nơi không chỉ phục vụ cộng đồng gốc Á mà còn cộng đồng khác nữa".

Theo vnexpress