PGS.TS Bùi Quốc Lập, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ cựu lưu học sinh tại Fukuoka, Nhật Bản (FVAJA) kể: Thầy cô giáo ở Nhật Bản luôn tận tình hướng dẫn sinh viên người nước ngoài, trong đó có sinh viên Việt Nam. Cách thức đào tạo của Nhật rất khoa học. Sinh viên học ở trình độ cao hơn có trách nhiệm kèm cặp, hướng dẫn sinh viên học ở bậc học thấp hơn. Người học tiến sỹ kèm cặp, hỗ trợ người học thạc sỹ. Người học thạc sỹ hướng dẫn sinh viên đại học làm luận văn tốt nghiệp. Cách thức đào tạo này hình thành nên hệ thống Sempai (người đi trước) - Kohai (người đi sau) là một trong những nét văn hóa của người Nhật. Người đi sau tôn trọng, kính trọng người đi trước còn người đi trước có trách nhiệm dìu dắt, hướng dẫn, giúp đỡ người đi sau.
|
PGS.TS Bùi Quốc Lập trong thời gian ở Nhật Bản (Ảnh: NVCC). |
“Thời gian học tiến sỹ tại Nhật Bản, tôi đã được tiếp cận với các phương pháp học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản. Cốt lõi của phương pháp này là phát huy tính chủ động tối đa của người nghiên cứu, kết hợp lý thuyết chuyên sâu với thực hành thí nghiệm. Các sinh viên trong phòng nghiên cứu sẽ chủ động nghiên cứu, làm thí nghiệm với sự hỗ trợ của các sinh viên khác trong cùng nhóm. Từng sinh viên phải định kỳ báo cáo kết quả nghiên cứu của mình trong các buổi hội thảo, nghiên cứu chuyên đề định kỳ của phòng để giáo sư hướng dẫn và các sinh viên trong phòng nghiên cứu tham gia góp ý”, PGS.TS Bùi Quốc Lập cho biết.
Trong ấn tượng của anh Hoàng Đình Chiều - cựu sinh viên Trường Đại học Kyushu, Fukuoka là thành phố bình yên, sạch sẽ, đặc biệt con người Nhật Bản thân thiện, mến khách.
|
Anh Hoàng Đình Chiều (thứ nhất từ phải sang) cùng những người bạn khi học tại Trường Đại học Kyushu (Ảnh: NVCC). |
“Tôi học ngành thủy sản, nghiên cứu về hải sâm. Quá trình học tôi đã nhận được sự giúp đỡ của những người thầy tận tụy, tốt bụng. Nhờ định hướng nghiên cứu của thầy Michiyasu Yoshikuni, khi về Việt Nam tôi đăng ký nghiên cứu hải sâm và trở thành người nghiên cứu chuyên sâu về hải sâm. Không chỉ hướng dẫn tôi trong công tác học tập, nghiên cứu, thầy còn tận tình giúp đỡ tôi trong việc đi lại. Phòng thí nghiệm của tôi gần biển, cách trung tâm trường đại học gần 20km. Khi sang học tôi còn nhiều bỡ ngỡ, chưa quen về đường xá, thầy gần như đưa đón tôi cùng 1 người bạn Philippines bằng ôtô của thầy gần 2 năm”, anh Chiều kể.
Cũng theo anh Chiều, trong thời gian học tập tại Nhật, anh đã được đưa gia đình sang cùng. "Nhật Bản khi đó có quy định là du học sinh sang học và có vợ con đi cùng sẽ được hỗ trợ ở nhà chính phủ, nơi đây giống như khu tập thể ở Việt Nam. Chi phí ở khu tập thể giá rẻ hơn nhiều so với thuê trọ ở bên ngoài", anh Chiều nói.
|
Ông Hoàng Văn Nhận hiện là Chủ tịch Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản). |
Với Chủ tịch Câu lạc bộ Cựu lưu học sinh tại Fukuoka, Nhật Bản Hoàng Văn Nhận, Nhật Bản là nơi đã sinh ra ông lần nữa. “Trong một lần khám sức khỏe, các bác sĩ Nhật Bản đã phát hiện trong người tôi trong có một khối u. Trước đó tôi đã nhiều lần trải qua những cơn đau nhưng uống thuốc mãi không thấy đỡ. Sau khi phát hiện, các bác sĩ Nhật Bản đã phẫu thuật cắt bỏ khối u cho tôi. Thời gian nằm viện, các bạn người Nhật cùng gia đình đã thường xuyên thăm, động viên chăm sóc tôi”, ông Nhận kể.
Tình cảm của đất nước, con người Nhật Bản mà trực tiếp là những người thầy, người anh, người chị, người em ở xứ sở hoa anh đào đã trở thành tài sản vô giá với nhiều lưu học sinh Việt Nam.
Theo thoidai