Một cặp đôi cùng đi mua sắm ở Malaysia trong mùa dịch Covid-19 - Ảnh: Reuters

Vì dịch bệnh Covid-19, nhiều chuyến bay bị hủy nên công dân Việt ở Malaysia rơi vào tình cảnh không thể đặt vé để trở về nước. Trong nhóm người Việt liên lạc “cầu cứu” với Báo Thanh Niên lần này, có cả những người là lao động bất hợp pháp đang phải ngồi tù, dù đã đóng tiền chuộc nhưng chưa thể ra tù vì chưa tìm được chuyến bay về nước. Mỗi lần họ gọi cho người thân đều là những cuộc nói chuyện đầy nước mắt và hi vọng…

Đang tạm ngồi tù

Chị Hoàng Thị Thu Linh (22 tuổi, quê Hà Tĩnh) hoảng hốt liên lạc với phóng viên, chị cho biết vì nghe theo lời giới thiệu của người quen, mà chị cùng vài người khác cùng quê đã sang Malaysia làm massage, bấm huyệt, thuộc diện lao động bất hợp pháp.

Với lời giới thiệu ban đầu hấp dẫn về mức lương, hoa hồng và lời bảo đảm sẽ không bị cảnh sát bắt nên chị Linh an tâm đóng 1.200 USD rồi bay sang Malaysia học nghề, ở lại làm việc.

Chị Linh kể, ngày 3.3 một nhóm bạn làm cùng với chị là công dân Việt (3 nam, 1 nữ) đã bị cảnh sát Malaysia bắt và phạt tù. Đến ngày 16.3, khi ra xét xử, cảnh sát yêu cầu nếu muốn được về sớm thì phải đóng tiền chuộc, mỗi người 3.500MYR (khoảng 18 triệu tiền Việt).

Sau khi đóng tiền chuộc cho 4 người, cảnh sát nói ngày 25.3 mọi người có thể về nước nếu mua được vé máy bay, nhưng từ đó đến nay, nhóm chị không thể tìm được chuyến bay nào để trở về Việt Nam. Do vậy, 4 người quen của chị đành phải ở trong tù chờ đợi.

Khu mua sắm ở Kuala Lumpur vắng vẻ vì dịch Covid-19

“Lâu lâu họ mượn điện thoại gọi ra được cho em mà đều nói chuyện trong nước mắt. Họ sợ sệt lắm và cầu xin em làm mọi cách để họ có thể được ra ngoài. Nhưng giờ không có chuyến bay về, em cũng liên lạc với Đại sứ quán nhưng chưa biết những ngày sắp tới phải làm sao. Em cũng không thể ra ngoài vì có thể bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ và bắt giữ, bữa giờ em chỉ ăn mì để sống qua ngày thôi”, chị Linh chia sẻ.

Những cuộc điện thoại vội vàng của đồng hương ở trong tù cứ thôi thúc chị Linh phải tìm mọi cách để đưa họ trở về. Nhưng phải tìm như thế nào, khi chính chị Linh cũng là lao động bất hợp pháp ở đất nước này?

Hối hận!

Chị Phạm Thị Kiều Trinh (31 tuổi, quê Long An) là mẹ đơn thân của 2 đứa con (6 tuổi và 3 tháng tuổi). Một tháng trước, vì bí bách chị đã bay sang Singapore định đi mang thai hộ. Nhưng chị vừa sinh xong nên gia đình khách hàng không đồng ý.

Bạn bè lại giới thiệu chị bay sang Malaysia xem có được việc phù hợp không nên chị mua vé với giá 124MYR để đi làm rửa chén 2 ca, thu nhập mỗi ngày được 110MYR. Làm được 1 tuần, nghe tin cha mẹ ở quê báo con chị bị bệnh, không chịu uống sữa nên chị đặt vé về vào ngày 21.3 nhưng chuyến bay bị hủy. Từ đó đến nay là chuỗi ngày chị Trinh sống trong sự dằn vặt, hối hận và nỗi nhớ con.

Hiện Malaysia cho phép người dân ra ngoài mua thực phẩm nhưng không được đi quá 100km -  Ảnh: AFP

Chị bộc bạch: “Không ai nỡ bỏ con đi khi con còn quá nhỏ như vậy, nhưng tôi là mẹ đơn thân, cha mẹ đều già nên tôi không thể nhờ mà phải tự đi làm để nuôi hai con, nhưng mọi chuyện đều không như ý. Mỗi ngày ngồi đây nhớ con tôi khóc rất nhiều và luôn tự trách mình. Tôi cũng không dám gọi video về nhà vì cứ nhìn thấy con là tôi lại nức nở. Tôi giận mình và hối hận lắm! Nếu được trở về tôi sẽ không bao giờ bỏ các con mà đi như vậy nữa”.

Cộng đồng người Việt hỗ trợ

Chị Trinh đã gửi thư đến Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và đã được phản hồi, nhưng chưa biết khi nào mới có thể trở về nước. Chị lên nhóm người Việt ở Malaysia để cầu cứu thì được mọi người kết nối để cho ở nhờ.

“Trong nhà tôi đang ở có 2 vợ chồng làm nhà nước ở Đà Nẵng đi du lịch tuần trăng mật bị kẹt ở lại, 2 bạn nữ khác thì đi du lịch cũng bị kẹt và tôi nữa là 5. Mọi người đều tìm cách liên lạc với Đại sứ quán để được về nước sớm nhất có thể”, chị Trinh cho hay.

Vì hết tiền ăn uống nên chị Trinh chủ yếu ăn cơm từ thiện và nhờ vào sự hỗ trợ của những người cùng quê hương. Người thì cho gạo, trứng gà, nước tương, người thì cho một ít tiền mặt để trang trải,… chị cố gắng để qua ngày.

Cảnh sát và binh sĩ canh gác ngoài tòa nhà chung cư ở Kuala Lumpur vừa phát hiện ca mắc Covid-19 - Ảnh: Reuters

Tương tự, chị Hồng Ân (29 tuổi, quê TP.HCM) cũng cho biết, ngày 15.3 chị đi công tác theo sự phân công của công ty và đến tối 16 thì nhận được thông tin sẽ phong tỏa Malaysia nhưng chị lại không nghĩ là sẽ đóng cửa sân bay.

“Theo nhóm người Việt ở Malaysia tụi mình cập nhật thì có khoảng 400 công dân Việt đang kẹt ở đây không thể về. Họ cũng thiếu thốn đủ thứ vì phải tự chi trả mọi chi phí. Có thể Chính phủ sẽ lockdown thêm 15 ngày nữa là đến hết tháng 4, tôi không biết mọi người sẽ cầm cự thế nào”, chị Ân chia sẻ.

Và chị Ân cũng không ngoại lệ, sau khi không thể trả được chi phí khách sạn, chị Ân đã được cộng đồng người Việt tại Malaysia hỗ trợ chỗ ở để chờ ngày mua được vé máy bay về nước.

Đại sứ quán đang tìm cách giúp công dân Việt

Khi phóng viên cho biết đã nhận được liên lạc của nhiều người Việt Nam đang mắc kẹt ở Malaysia, trong đó có cả lao động bất hợp pháp mong muốn về Việt Nam và đặt câu hỏi Đại sứ quán có hướng xử lý như thế nào trước mắt thì ĐSQ cho biết đã tiếp nhận một số thông tin liên quan đến người Việt Nam gặp khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19....

Để hỗ trợ những trường hợp trên trong bối cảnh phải chấp hành lệnh hạn chế đi lại của nước sở tại hiện nay, ĐSQ đã và đang thông qua một số đầu mối tại các khu vực của Malaysia và tổ chức từ thiện để quyên góp tiền mua đồ ăn, nước uống và những sinh hoạt tối thiểu khác nhằm hỗ trợ cho những trường hợp trên.

ĐSQ hiện cũng đang kêu gọi mỗi cán bộ ĐSQ và các cơ quan ủng hộ mỗi người một ngày lương để gây quỹ giúp đỡ những người Việt Nam gặp khó khăn tại Malaysia do Covid-19.

Bên cạnh đó, ĐSQ cũng kêu gọi sự giúp đỡ, ủng hộ từ những doanh nghiệp, cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia và các nhà hảo tâm cho hoạt động từ thiện này. Dự kiến số tiền, hiện vật quyên góp được sẽ được phân phát qua các đầu mối trong ban liên lạc cộng đồng và các tổ chức từ thiện để có thể giúp đỡ những người thực sự cần sự trợ giúp.

ĐSQ cho biết sẽ thông tin rộng rãi, kịp thời những việc liên quan đến công dân. Chuyến bay ngày 4.4 đưa 11 công dân Việt kẹt ở Malaysia về nước không phải là chuyến bay chở khách từ Malaysia đi Việt Nam, mà đó là chuyến bay đặc biệt của Malaysia. ĐSQ phối hợp để đưa 11 người này bị kẹt trong sân bay từ lâu về nước.

(*) Vì lý do cá nhân, tên nhân vật đã được thay đổi

Theo thanhnien